1. Trong thông điệp gửi tới Hội nghị Siem Reap-Angkor (diễn ra tại Campuchia) về một thế giới không có mìn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá: Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa) đại diện cho cam kết chấm dứt những sự tàn phá từ loại mìn này. Trong 25 năm qua, công ước đã thúc đẩy những tiến bộ quan trọng, khi có hơn 55 triệu thiết bị đã bị phá hủy tại hơn 60 quốc gia. Ngoài ra, hàng nghìn người đã được giáo dục nâng cao nhận thức về cứu sinh và công tác hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: Các nguy cơ từ mìn sát thương vẫn tồn tại, khi một số quốc gia dù đã tham gia Công ước Ottawa nhưng vẫn tiếp tục sử dụng mìn, trong khi một số quốc gia khác chậm trễ đưa ra cam kết phá hủy loại vũ khí này.
Tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhấn mạnh: Hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để suy ngẫm, giải quyết những thách thức mới nổi và vạch ra một tương lai bảo đảm vai trò và sự thành công không ngừng của Công ước Ottawa, trong thế giới đầy biến động.
2. Tại Phiên họp đặc biệt lần thứ tám của Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) - phiên họp được triệu tập trong bối cảnh Quốc hội Israel ngày 28/10 đã thông qua luật cấm Cơ quan Cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ Israel (gồm cả hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo miễn phí cho khoảng 550.000 trẻ em, cùng gần 8.000 thanh niên tị nạn Palestine mỗi năm), Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục Stefania Giannini đã nhấn mạnh cam kết của UNESCO trong việc bảo vệ quyền giáo dục cho tất cả mọi người.
Một quyết định quan trọng cũng đã được phiên họp thông qua, với nội dung chính là tái khẳng định cam kết của UNESCO ủng hộ UNRWA trong việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục; đề cao cam kết của UNESCO sẽ nỗ lực để mọi trẻ em tị nạn Palestine được tiếp cận nền giáo dục chất lượng tốt, bình đẳng và bao trùm; đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO phối hợp chặt chẽ với UNRWA để xác định các biện pháp cụ thể cần tiến hành ngay lập tức để ủng hộ và bảo vệ các hoạt động của UNRWA, thí dụ như cử nhân sự bổ sung hay hỗ trợ dụng cụ giáo dục.
3. Trong một động thái được giới quan sát quốc tế quan tâm rộng rãi, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump viết trên nền tảng mạng xã hội Truth Social: “Vào ngày 20/1 (năm 2025), một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tôi là việc tôi sẽ ký tất cả tài liệu cần thiết để áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ, chấm dứt tình trạng biên giới mở không thể chấp nhận được. Mức thuế này sẽ duy trì cho đến khi tình trạng ma túy, đặc biệt là Fentanyl, và dòng người nhập cư bất hợp pháp bị ngăn chặn hoàn toàn”. Ông khẳng định: Đây là động thái nhằm đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, tội phạm và ma túy tràn qua biên giới Mỹ.
Bên cạnh đó, ông cho biết Trung Quốc cũng sẽ đối mặt mức thuế tăng thêm 10% so với hiện hành đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trừ phi nước này kiểm soát được việc vận chuyển ma túy bất hợp pháp vào Mỹ.
4. Ngày 25/11, 199 bác sĩ Cuba đã có mặt tại Mexico, trong nhiệm vụ hỗ trợ việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở những khu vực khó khăn của Mexico. Đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về y tế giữa hai quốc gia Mỹ latin này, trong khuôn khổ chương trình IMS-Bienestar, một hệ thống do cựu Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador thành lập, để chăm sóc những người không có bảo hiểm xã hội hay hỗ trợ các đơn vị y tế ở vùng sâu, vùng xa.
Đoàn bác sĩ Cuba mới sang là những chuyên gia hàng đầu về nội khoa, nhi khoa, cấp cứu… Theo kế hoạch, họ sẽ được phân bổ đến các bệnh viện tại 24 bang của Mexico, trong đó ưu tiên những địa phương thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao.
Đoàn bác sĩ Cuba đến Mexico. |