Nhân một năm nổ ra cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và Israel, cộng đồng quốc tế kêu gọi những nỗ lực tập thể để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, mang lại hòa bình và tương lai tươi sáng hơn cho Trung Đông. Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và Lebanon, cũng như loại bỏ mọi rào cản để mở đường cho công tác viện trợ nhân đạo cho người dân khu vực này. Trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự chia sẻ tới các nạn nhân và người thân của họ.
Người dân trên thế giới cũng xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với những nạn nhân trong các cuộc xung đột, và kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Trung Đông. Các cuộc tuần hành được tổ chức ở thành phố Berlin và Frankfurt của Đức. Tại Pháp và Thụy Sĩ, hàng nghìn người cũng tập trung tại thủ đô Paris và Geneva để tưởng nhớ các nạn nhân. Còn ở châu Á, đông đảo sinh viên đã tập trung ở New Delhi, kêu gọi hòa bình và tự do cho người dân Palestine. Tại Nhật Bản, hàng trăm người đã đến chùa Zojoji ở thủ đô Tokyo tưởng nhớ những người thiệt mạng do xung đột ở Gaza, đồng thời cầu nguyện cho hòa bình ở dải đất này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài quá lâu về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Ông Scholz cho biết: Các cuộc thảo luận kỹ thuật liên quan đến FTA đang tiến triển tốt, hầu hết các quốc gia thành viên EU đều ủng hộ hiệp định này về mặt chính trị. Nhà lãnh đạo nước Đức kêu gọi các bên thực tế và linh hoạt trong những bước cuối cùng, bởi thỏa thuận là bước đột phá để đa dạng hóa và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của cả hai khu vực.
EU và Mercosur đã đàm phán trong hơn 20 năm qua, về việc tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với quy mô hơn 700 triệu dân. Mercosur được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, xuất khẩu của EU, mặc dù vẫn có những e ngại từ các nông dân châu Âu, đặc biệt là ở Pháp về nhập khẩu nông sản giá rẻ từ khối này và việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường.
Chính phủ Anh kỳ vọng Hội nghị đầu tư toàn cầu sắp tới sẽ mang lại làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Anh, một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Keir Starmer kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 7. Hội nghị sẽ có sự tham dự của nhiều giám đốc điều hành các tập đoàn hàng đầu thế giới, trong đó có bà Ruth Porat - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của tập đoàn công nghệ đa quốc gia Alphabet (của Mỹ) cũng như của Google (công ty thuộc Alphabet), ông Bruce Flatt - Giám đốc điều hành của Brookfield Asset Management, một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới…
Hội nghị sẽ là dịp để chính phủ cũng như các doanh nghiệp của Anh thúc đẩy quan hệ lâu dài với các đối tác nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, đây cũng là dịp để tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở Anh. Trước thềm hội nghị, Chính phủ Anh cho biết sẽ đầu tư 28 tỷ USD vào các dự án thu giữ và lưu trữ carbon nhằm thúc đẩy công nghiệp xanh.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết việc thu hút ít nhất 3,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài mỗi tháng trong quý IV vẫn có thể đạt được, nhờ vào nhiều chương trình khuyến mãi, các sự kiện hội họp từ nay đến cuối năm và việc tăng công suất chỗ ngồi, đặc biệt là từ các tuyến bay mới đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga, Anh, Đức, Ba Lan và Australia.
TAT hy vọng đón ít nhất 10,5 triệu lượt du khách quốc tế trong quý IV để đạt mục tiêu thu hút 36,7 triệu lượt khách nước ngoài trong cả năm 2024. Trước đó, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Sorawong Thienthong vừa chủ trì cuộc họp với 74 văn phòng đại diện TAT để thảo luận kế hoạch thúc đẩy du lịch năm 2025, bao gồm: Quảng bá Thái Lan như một trung tâm của sáu quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; lập kế hoạch ưu đãi cho các chuyến bay mới; tăng cường du lịch nội địa; bổ sung thanh toán không dùng tiền mặt vào các thị trường mới và bảo đảm an toàn và tiện lợi cho du lịch.
Thái Lan hy vọng đạt mục tiêu đón khách du lịch trong cả năm. |