Làn sóng khủng hoảng

Làn sóng các nguyên thủ từ chức hoặc mất chức đang đẩy chính trường nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Tự do.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Tự do.

1 Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền, nhưng vẫn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho tới khi một nhà lãnh đạo mới được lựa chọn. Tuyên bố từ chức được đưa ra khi ông Trudeau phải chịu nhiều sức ép từ nội bộ đảng Tự do, khi kết quả của những cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy đảng này sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tiếp theo. Thủ tướng Trudeau cũng đã gặp Toàn quyền Canada Mary Simon, đề nghị đình chỉ các phiên họp Quốc hội cho tới ngày 24/3 và đã được chấp thuận.

Quyết định của ông Trudeau sẽ mở ra cuộc cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo đảng Tự do - nhân vật cũng sẽ được lựa chọn làm ứng cử viên thủ tướng của đảng này tham gia cuộc chạy đua với đối thủ chính của họ, lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre. Việc đình chỉ họp Quốc hội có thể sẽ giúp đảng của ông Trudeau có thêm thời gian chuẩn bị người lãnh đạo kế nhiệm, nhằm tránh viễn cảnh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

2 Tại châu Âu, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng thông báo ông sẽ “xuống đài”, sau khi rút khỏi các cuộc đàm phán liên minh với đảng Dân chủ Xã hội do bất đồng về các vấn đề chính. Ông Nehammer tuyên bố sẽ từ bỏ cả chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch đảng Nhân dân để tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao có trật tự. Quyết định này được cho là có thể dẫn đến việc tổ chức bầu cử sớm, hoặc mở đường cho phe bảo thủ đàm phán với đảng Tự do cực hữu, lực lượng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2024.

Từ tháng 10/2024, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen giao cho Thủ tướng Karl Nehammer nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Ông Nehammer nỗ lực thành lập liên minh giữa đảng Nhân dân của ông với đảng Dân chủ Xã hội trung tả và đảng NEOS tự do, song đã thất bại.

3 Chính trường Hàn Quốc tiếp tục chứng kiến những diễn biến căng thẳng, với việc Tòa án Hiến pháp thông báo sẽ tổ chức phiên điều trần sơ bộ đầu tiên về vụ luận tội Thủ tướng Han Duck Soo vào ngày 13/1. Trong khi đó, đội ngũ luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đệ đơn kiện ngược các điều tra viên, vì nỗ lực bắt giữ ông hồi tuần trước. Thủ tướng Han Duck Soo đã bị Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số bỏ phiếu luận tội vào ngày 27/12/2024, chưa đầy hai tuần sau khi ông nhậm chức quyền tổng thống, thay thế Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội vì lệnh thiết quân luật.

Đảng Dân chủ đối lập chính cáo buộc ông Han Duck Soo có liên quan đến lệnh thiết quân luật gây tranh cãi của Tổng thống Yoon Suk Yeol và từ chối bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Tòa án Hiến pháp. Trong khi đó, đảng Quyền lực quốc dân cầm quyền tuyên bố các cáo buộc là không hợp lệ, và đã đệ đơn xin đình chỉ quyết định này lên Tòa án Hiến pháp.

Làn sóng khủng hoảng ảnh 1

Mỹ và Nhật Bản bất đồng chung quanh câu chuyện về Tập đoàn thép US Steel.

4 Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã bác khả năng thành lập “đại liên minh” với các đảng đối lập lớn trong thời điểm hiện tại. Ông cho biết trước tiên sẽ tập trung vào việc bảo đảm sự ủng hộ của các đảng này để thông qua các dự luật và ngân sách. Ông Ishiba đã trở thành lãnh đạo chính phủ thiểu số, sau khi liên minh cầm quyền mất đa số tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử ngày 27/10/2024. Trong thông điệp mừng năm mới 2025, Thủ tướng Ishiba tuyên bố sẽ lắng nghe ý kiến của các đảng khác, nhằm đạt được sự đồng thuận lớn nhất có thể.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên trong năm 2025, Thủ tướng Ishiba hy vọng sẽ sớm có cuộc thảo luận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Nhật Bản đã yêu cầu Mỹ giải thích rõ về việc ngăn cản tập đoàn thép Nippon Steel của Nhật Bản mua lại tập đoàn thép US Steel của Mỹ với mức giá 14,9 tỷ USD. Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, nếu Mỹ không giải thích rõ ràng về mối quan ngại an ninh quốc gia về thương vụ thép nói trên thì các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ không hiệu quả ■