Chung tay vì nhân loại

Loài người đang đối diện quá nhiều nguy cơ. Và để tồn tại, hợp tác đa phương là lối thoát hiểm duy nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị cấp cao G20 đồng thuận trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng toàn cầu.
Hội nghị cấp cao G20 đồng thuận trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng toàn cầu.

1Trong hai ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro (Brazil), Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi và hàng đầu thế giới (G20) đạt được một số thỏa thuận quan trọng về nhiều mặt, cho dù vẫn thể hiện sự phân hóa rõ rệt ở những khía cạnh địa chính trị.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 phản ánh rõ nét xu hướng toàn cầu về giảm bất bình đẳng và tái phân phối tài nguyên. Cùng đó, các nhà lãnh đạo G20 tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh: Những thách thức gay gắt, từ biến đổi khí hậu đến xung đột và bất bình đẳng toàn cầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, bởi xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định trên toàn cầu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo, bao gồm: Bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm; Bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài; Bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững.

2 Ngày 18/11, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự báo: Từ tháng 4/2025, tổng số người ở Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên gần 7,7 triệu người, chiếm 57% dân số, tức là tăng thêm khoảng 600.000 người so năm nay. Điều đáng nói, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng ở nước này cũng được dự báo tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm tới.

Từ đầu tháng 11, WFP đã khẩn cấp kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp khoảng 404 triệu USD, để có thể chuẩn bị trước lương thực nhằm tránh chi phí cứu trợ tăng cao. Ông Shaun Hughes, Quyền Giám đốc của WFP tại Nam Sudan, nhấn mạnh rằng phải mất nhiều tháng để biến số tiền mà các nhà tài trợ hứa hẹn thành thực phẩm, rồi chuyển đến tay những cảnh ngộ khốn cùng ở Nam Sudan.

3 Trong thông điệp video gửi đến phiên họp thứ 5 của Hội nghị về việc thiết lập khu vực Trung Đông phi vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, ngày 18/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng thúc đẩy ngừng bắn, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin, đồng thời bắt đầu tiến trình không thể đảo ngược hướng tới giải pháp hai nhà nước. Ông khẳng định: Việc xây dựng tương lai hòa bình và an ninh bền vững, không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn thế giới, phụ thuộc vào việc thế giới tiếp tục theo đuổi các mục tiêu giải trừ vũ khí.