Bão tố chính trường

Hàng loạt động thái bất ngờ đã đẩy chính trường nhiều nước rơi vào tình trạng bất ổn, có thể dẫn tới đóng cửa hay sụp đổ chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland.

1 Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa, khi các nhà lập pháp Mỹ gặp nhiều trở ngại trong việc đạt được thỏa thuận về nghị quyết tài trợ tạm thời, nhằm duy trì hoạt động của chính phủ sau ngày 20/12.

Đảng Cộng hòa, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ John Hoeven, đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 28 tỷ USD, bao gồm 12 tỷ USD cho tổn thất kinh tế và 16 tỷ USD cho cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, đảng Dân chủ chỉ trích đề xuất này là chưa đủ, đồng thời thúc đẩy việc bổ sung hàng tỷ USD vào các chương trình bảo tồn và cứu trợ thiên tai thông qua tái đầu tư từ Đạo luật giảm lạm phát. Các cuộc đàm phán cũng đối mặt với áp lực từ cộng đồng nông nghiệp.

Đến ngày 17/12, Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về một dự luật tạm thời, nhằm duy trì ngân sách liên bang ở mức khoảng 6.200 tỷ USD tới ngày 14/3/2025 để ngăn chặn nguy cơ đóng cửa một phần chính phủ.

2 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã đột ngột từ chức, chỉ vài giờ trước khi dự kiến trình bày báo cáo kinh tế mùa thu. Ngay lập tức, Bộ trưởng An toàn Công cộng Dominic LeBlanc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Theo thư từ chức gửi Thủ tướng Justin Trudeau, bà Freeland cho biết nguyên nhân sâu xa của quyết định này là do bất đồng quan điểm về định hướng phát triển đất nước.

Động thái này được đánh giá là “gây sốc” và “chưa từng có”, đặc biệt khi báo cáo kinh tế mùa thu được xem là văn bản hết sức quan trọng, trong bối cảnh Canada đang đối mặt mối đe dọa thuế quan từ Mỹ. Sự ra đi của bà Freeland càng làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nhân sự trong chính phủ Canada, khi trước đó đã có sáu bộ trưởng tuyên bố không tái tranh cử. Tình hình này đặt chính phủ Canada trước thách thức phải bổ nhiệm gấp các vị trí mới.

3 Thủ tướng Chính phủ Liên bang Đức đã yêu cầu Quốc hội Liên bang nước này bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ thiểu số do ông lãnh đạo, mở đường cho cuộc bầu cử liên bang mới. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Chính phủ của Thủ tướng Scholz chỉ nhận được 207 phiếu ủng hộ, 394 phiếu phản đối và 116 phiếu trắng. Với kết quả này, Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.

Kết quả này hoàn toàn không bất ngờ. Những tuần qua, các chính đảng lớn trong Quốc hội Đức đã đạt được đồng thuận về cuộc bầu cử mới, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23/2/2025. Trong bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Scholz đã đề cập đến thiệt hại do sự mất đoàn kết trong nội bộ Liên minh “Đèn giao thông” gây ra. Ông cáo buộc đảng Dân chủ Tự do của cựu Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã “phá hoại” Chính phủ liên minh. Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz vẫn sẽ giữ quyền điều hành chính phủ liên minh, hiện chỉ còn hai đảng SPD và đảng Xanh, cho tới khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử liên bang năm tới.

Bão tố chính trường ảnh 1

Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.

4 Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã khởi động các thủ tục tư pháp cho phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, và sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên vào chiều 27/12. Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon, với cáo buộc lạm quyền và nỗ lực áp đặt thiết quân luật đêm 3/12. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã đình chỉ nhiệm vụ của Tổng thống Yoon.

Theo quy định, Tòa án Hiến pháp có tối đa 180 ngày để đưa ra phán quyết, và nếu tòa phê chuẩn nghị quyết luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị cách chức, trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị cách chức sau bà Park Geun Hye năm 2017. Trong trường hợp này, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới trong vòng 60 ngày.

Trong thời gian chờ phán quyết, quyền lực Tổng thống đã được tạm thời bàn giao cho Thủ tướng Han Duck Soo, để duy trì ổn định quốc gia.