1. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ siết chặt lệnh cấm tị nạn tại khu vực biên giới giữa nước này và Mexico, nhằm duy trì các hạn chế về tị nạn cho đến khi số vụ bắt giữ người di cư vượt biên trái phép giảm xuống dưới mức trung bình 1.500 người/ngày trong 28 ngày, kéo dài hơn so với thời hạn hiện tại là 7 ngày.
Trong 8 tháng năm nay, Mỹ đã trục xuất hơn 45.500 người di cư về Guatemala, và dự kiến trong năm 2024 sẽ trục xuất hơn 68.000 người từ Guatemala nhập cư trái phép vào Mỹ. Giai đoạn 2021-2023, Mỹ đã trục xuất hơn 2,8 triệu người di cư tại các cửa khẩu biên giới, trong đó phần lớn đến từ các nước như Mexico, Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua.
2. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 79, ông Philemon Yang, đã thúc giục Israel, phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon khẩn trương hướng tới lệnh ngừng bắn và ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện trên toàn khu vực. Ông cũng kêu gọi các nước có tầm ảnh hưởng gây sức ép lớn hơn với các bên để sớm đi đến đối thoại, đồng thời chỉ trích các nước đang cung cấp vũ khí cho khu vực Trung Đông cần từ bỏ ngay hành động này để tạo cơ hội cho hòa bình.
Tuy nhiên, mục tiêu giảm bạo lực tại Trung Đông trở nên xa vời khi các bên xung đột vẫn leo thang các hành động quân sự. Sáng 1/10, quân đội Israel (IDF) tuyên bố chính thức mở chiến dịch tấn công trên bộ có giới hạn nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía nam Lebanon. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo Tel Aviv sẽ tấn công đối phương ở bất kỳ khoảng cách nào. Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi quân đội Israel tấn công các mục tiêu của phong trào Houthi ở Yemen cách Israel khoảng 2.000 km.
3. Theo báo cáo mới nhất của Tòa Kiểm toán châu Âu, các kế hoạch chiến lược quốc gia thực hiện Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) của Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2023-2027 chưa đáp ứng được tham vọng về khí hậu và môi trường của khối. Để khắc phục tình trạng này, Tòa Kiểm toán đã đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) tăng cường khuôn khổ giám sát về hiệu quả môi trường và khí hậu trong CAP tương lai. Tuy nhiên, EC cho rằng điều này liên quan các quy định pháp lý sẽ được đàm phán cho CAP sau năm 2027. Tại cuộc họp Hội đồng nông nghiệp và thủy sản vừa qua, nhiều nước EU đề nghị coi năm 2023 và 2024 là "giai đoạn học hỏi" cho một số chỉ số hiệu quả, nhằm tránh việc các nước bị phạt do sai sót trong báo cáo hiệu quả hàng năm bắt buộc.
Các quốc gia nghèo phải chờ đợi hàng tháng để có vaccine. |
4. Sau hơn hai năm ra mắt, chương trình "Thỏa ước vì thế giới khỏe mạnh hơn", Pfizer vẫn chưa đạt được mục tiêu cung cấp thuốc cho các nước nghèo nhất thế giới, khi chỉ có chưa đến một phần tư số quốc gia mục tiêu tham gia. Sáng kiến này được xây dựng nhằm cung cấp cho 45 quốc gia thu nhập thấp được hỗ trợ tiếp cận toàn bộ danh mục thuốc và vaccine của Pfizer với mức giá ưu đãi.
Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla, cho biết, tiến độ chậm hơn dự kiến vì cho đến nay, mới có 10 quốc gia đăng ký tham gia và "nút thắt" nằm ở chỗ các nước cần thay đổi thủ tục hành chính liên quan đến quy trình mua hàng, đăng ký sản phẩm. Trong khi đó, có nhiều nước vốn ở trong danh sách tham gia lại đang đối mặt nhiều thách thức như xung đột, thiên tai và dịch bệnh.
Trước đó, Pfizer đã bị chỉ trích trong quá trình triển khai vaccine phòng Covid-19 của hãng, khi một số quốc gia nghèo phải chờ đợi lâu hơn hàng tháng so các quốc gia giàu có.