1 Sau khi Truyền hình nhà nước Syria phát tuyên bố chiến thắng của phe đối lập, các nhóm vũ trang lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad đã chỉ định ông Mohammed Al-Bashir - người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” ở tỉnh Idlib - thành lập chính phủ mới của Syria, để quản lý giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài 18 tháng. Các nhóm đối lập tuyên bố đã phóng thích toàn bộ tù nhân, áp đặt lệnh giới nghiêm ở thủ đô Damascus.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc tất cả người dân Syria chuyển giao quyền lực trật tự sau 14 năm nội chiến; ưu tiên đối thoại, thống nhất và tôn trọng quyền con người trong lộ trình tái xây dựng đất nước. Các quốc gia Trung Đông kêu gọi duy trì ổn định và chấm dứt giao tranh ở Syria, đặt lợi ích tối cao của quốc gia lên trên hết, mở đường cho một tiến trình chính trị toàn diện và bao trùm, nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và hòa bình đất nước. Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo: Quá trình tái thiết Syria sẽ lâu dài và phức tạp, đồng thời kêu gọi tất cả các bên phải sẵn sàng tham gia một cách mang tính xây dựng.
2 Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền tại Hàn Quốc tiếp tục đối mặt áp lực lớn, đồng thời chia rẽ sâu sắc trong nội bộ sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tạm dừng điều hành nhà nước, do khủng hoảng liên quan đến việc ban bố thiết quân luật. Một số nhà lập pháp PPP ủng hộ việc ông từ chức trong vòng sáu tháng, dẫn tới một cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày. Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol lại đề xuất một lộ trình chậm hơn, xem xét sửa đổi hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ, kéo dài thời gian từ chức đến năm 2026.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc chưa có lối thoát, đồng won rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng lao dốc trong phiên giao dịch ngày 9/12, với chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp Hàn Quốc tụt mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Bộ Tài chính Hàn Quốc đã cam kết huy động mọi nguồn lực sẵn có và nhanh chóng thực hiện các bước đi táo bạo, nhằm chống lại sự biến động quá mức của thị trường.
3 Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực. Theo đó, ông Barnier là Thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. Trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Barnier lãnh đạo chính phủ lâm thời để xử lý các vấn đề hiện tại.
Ông Barnier mới chỉ đảm nhiệm chức Thủ tướng Pháp từ tháng 9, sau cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi tháng 6. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Barnier diễn ra sau khi ông này quyết định sử dụng các quyền lực đặc biệt theo Hiến pháp để thông qua một phần kế hoạch ngân sách gây tranh cãi mà không có cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại quốc hội. Theo đó, ông Barnier đã trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại.
An ninh được tăng cường ở thủ đô Haiti, sau vụ thảm sát. |
4 Thảm sát kinh hoàng đã diễn ra tại Haiti, khiến ít nhất 110 người thiệt mạng. Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền quốc gia Haiti cho biết khoảng 60 người đã bị sát hại ở khu Cite Soleil, thủ đô Port-au-Prince và khoảng 50 người khác đã bị hành hình sau đó bằng dao rựa. Tất cả các nạn nhân đều hơn 60 tuổi.
Thủ lĩnh của băng nhóm vũ trang Wharf Jeremie đã ra lệnh thảm sát các nạn nhân, do nghi ngờ họ sử dụng “phép thuật phù thủy” để gây bệnh khiến con trai mình qua đời. Các băng nhóm vũ trang kiểm soát chặt chẽ khu Cite Soleil - một trong những khu vực nghèo và bạo lực nhất ở Haiti, bao gồm cả việc hạn chế sử dụng điện thoại di động, qua đó ngăn chặn người dân chia sẻ thông tin về vụ thảm sát. Theo ước tính của Liên hợp quốc, băng Wharf Jeremie có khoảng 300 thành viên. Haiti đã phải vật lộn để ngăn chặn sức mạnh ngày càng tăng của các băng nhóm vũ trang ở thủ đô, trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị nội bộ gay gắt.