Quyết liệt trong thu hồi tài sản tham nhũng

Trong các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, nhiều cử tri ở TP Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố khác, cũng như các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả cao công tác thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng cơ chế công khai và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp đối với vấn đề này…
0:00 / 0:00
0:00

Sự quan tâm, lo lắng nêu trên tiếp tục được đặt ra trong thời điểm các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở nhiều cấp ủy, địa phương, cơ quan, bộ, ngành có hành vi phạm tội.

Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng, như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; mua bán tài sản công; các dự án mua sắm lớn của nhà nước… Nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng đồng bộ. Cùng việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan chức năng chú trọng xác minh, áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản của đối tượng phạm tội tham nhũng từ giai đoạn điều tra; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho nhà nước.

Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, nhưng việc thu hồi tài sản từ tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân chủ yếu là do: số tiền thu rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài; tài sản bị tẩu tán bằng nhiều con đường khác nhau, bị che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; cơ chế, thể chế trong xử lý tài sản làm ảnh hưởng quá trình thi hành án; trong một số vụ án còn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng cần lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong quá trình xử lý tham nhũng kinh tế nói riêng; phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp sai phạm liên quan công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành những bản án có điều kiện thi hành…

Đồng thời, cần có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt; hạn chế dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận lợi hơn trong kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản bị tẩu tán.

Văn bản trả lời kiến nghị của cử tri được Thanh tra Chính phủ ban hành đầu tháng 9 vừa qua cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế thu tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp thực tiễn Việt Nam; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan thực hiện các nội dung liên quan để đề xuất cơ chế xử lý hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp… Đây là những nội dung quan trọng được nhân dân quan tâm và mong chờ triển khai