Nghệ sĩ ưu tú thanh tú:

Thời của tôi đã qua rồi...

NDO - Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tú sống một mình trong căn nhà nhỏ ở đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Nơi đó, không có bóng dáng của một người đàn bà từng làm nên cơn sốt vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước trong làng điện ảnh Việt. Một Nhu trong Sao Tháng 8, một quận chúa Minfo trong Âm mưu và tình yêu... Nhưng khán giả vẫn nhớ bà như nhớ một thời huy hoàng của điện ảnh và sân khấu nước nhà. Dù với Thanh Tú, bà vẫn luôn tâm niệm, thế hệ tôi đã qua rồi...

Tôi diễn như lên đồng ấy

- Lâu lắm rồi mới thấy bà xuất hiện trong một series phim truyền hình: Bà nội không ăn bánh Pizza, Lời thú tội của Eva... Những vai vui nhộn, đáo để. Vì sao có sự ngắt quãng quá lâu như vậy thưa bà?

- Gần 20 năm nay, tôi chủ yếu dạy học và làm đạo diễn một vài phim. Gần đây nhớ nghề quá, tôi trở lại với những vai diễn truyền hình vui nhộn, làm cho có sự hội nhập với các thế hệ học trò của mình, để thấy mình không tụt hậu. Và có lẽ, mình vẫn còn bắt nhịp được.

- Bà sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội. Nghe nói, bố mẹ bà ngày đó không muốn con đi theo nghề diễn vì quan niệm "xướng ca vô loài"...

- Ngày nhỏ, khi mẹ còn bế tôi trên tay, có một ông thầy tử vi xem cho tôi và nói rằng, sau này tôi sẽ đi theo nghề diễn viên và phải làm vợ lẽ. Mẹ tôi sợ quá, đã gửi tôi sang Trung Quốc học từ bé. Thế mà, năm 1963, khi đang là sinh viên Trường Kiến trúc, tôi đã bỏ ngang và thi tuyển vào Ðoàn văn công Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Bố mẹ tôi kịch liệt phản đối. Nhưng tôi vẫn kiên quyết đi theo niềm đam mê của mình. Nó là cái nghiệp của mình rồi.

 - Và Thanh Tú đã tỏa sáng cả trong điện ảnh và sân khấu. Nhớ đến Thanh Tú, là nhớ đến cô Nhu trong Sao Tháng 8 (vai diễn đã mang đến vinh quang cho bà, diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim năm 1977), Tanhia trong vở kịch cùng tên, và quận chúa Minfo trong vở kịch Âm mưu và tình yêu... Bà nhớ gì về thời vinh quang đó?

- Thời đó, tôi diễn cứ như lên đồng ấy, quên hết cả trời đất. Vở Âm mưu và tình yêu khi tôi nghỉ diễn thì phải bỏ, vì không có ai vào vai được. Có một đoạn độc diễn bốn trang liền (nói rồi bà đọc một mạch đoạn độc thoại của quận chúa Minfo, diễn tả tâm trạng của một người đàn bà quyền lực, nhưng đau đớn)... Hồi đó, ai muốn đi xem Âm mưu và tình yêu phải mua vé trước bốn tháng ở Rạp Công Nhân. Nghệ sĩ Nhân dân Ðình Nghi nói với tôi rằng, nếu bốn trang này mà tôi nói được, ông sẽ không cắt của tôi một chữ nào. Thế mà tôi làm được. Cả khán phòng im phăng phắc. Ðến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ từng lời thoại. Vở Tanhia với tám màn kịch, hơn 1.200 suất diễn, không lúc nào tôi không có mặt trên sân khấu, kín mít. Tất cả những vai khác đều có hai kíp, còn riêng vai này, chỉ có tôi. Có hôm đi ủng cao, mặc váy, tôi diễn quên hết, lúc rút chân ra khỏi ủng thì đầy máu. Tôi diễn điên lắm. Nên tôi mới có câu thơ tự trào: "Cũng vì cái thói điên điên/Hâm hấp, chập chập làm duyên với đời". Và khi tôi thấy kỹ thuật của mình lên đến đỉnh điểm, tôi dừng lại, đi học làm đạo diễn.

- Tôi nghĩ, với một người nghệ sĩ, để từ bỏ những vai diễn của mình là một quyết định rất khó khăn. Nhất là với một người nổi tiếng như bà. Vì sao ở độ chín của nhan sắc và tài năng, bà lại quyết định rút lui khỏi sân khấu?

- Con người ta ở đời, để từ bỏ được danh vọng thực khó khăn. Ngày đó, tôi cảm thấy cuộc đời mình như được trải thảm đỏ. Liên miên đi diễn. Ðược chào đón, được tung hô. Nhưng khi đạt đến đỉnh cao, tôi chợt ngộ ra rằng, danh vọng cũng chỉ đến thế, diễn cũng chỉ đến thế. Tôi không bao giờ có thể vượt qua được cái bóng của chính mình. Thế nên tôi không ào ào đi theo hào quang nữa. Cuộc đời mình đã được hưởng quá nhiều rồi. Tôi nghĩ, cuộc sống tổng không đổi. Những cái được, mất trong đời cũng chỉ là tương đối. Mình được quá nhiều, thì sau này con cái mình sẽ mất. Nên không thể cứ ào ào lên mà sống, mà nhận hết mọi phú quý ở đời. Hãy biết dừng lại, để phúc phận cho con cháu mình.

- Mười bảy năm dấn thân cho sân khấu và điện ảnh, quyết định dừng lại của bà đã gây nên một cú sốc thời đó. Bà có bao giờ ân hận vì điều đó?

- Dừng khó lắm. Khó cả về kinh tế và tinh thần. Ði đâu mọi người cũng hỏi sao tôi không diễn nữa. Tôi cũng nhớ nghề lắm. Nhưng những bất ổn trong đời sống riêng, khiến tôi giác ngộ đạo Phật rất sớm. Và biết buông bỏ. Tôi chưa bao giờ ân hận. Nhiều người gặp tôi cứ hỏi, vì sao thế này, vì sao không diễn. Nhưng nếu tôi không từ bỏ mà cứ lao vào đi diễn, tôi cũng không vượt qua được cái bóng của chính mình. Nghề diễn cũng như nghề chơi mà thôi. Diễn cũng chỉ đến thế mà thôi. Anh phải thành những người đào tạo chuyên nghiệp để hướng cho những thế hệ học sinh sau này. Tôi diễn đến năm 32 tuổi, tôi dừng lại. Rồi tôi đào tạo, làm đạo diễn và giờ lại đi diễn nhưng tôi vẫn hội nhập được, vẫn còn duyên với vai diễn. Tôi thấy tất cả đều không là gì hết. Cuộc đời sắc sắc không không. Có đấy mà không đấy...

Sống phải biết buông bỏ

- Nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành từ sự chăm chút của bà. Bà có kỳ vọng vào họ?

- Công việc dạy và làm đạo diễn, đôi khi khiến tôi mệt mỏi. Tôi đã kỳ vọng nhưng rồi lại thất vọng khi các lứa diễn viên tôi đào tạo cứ mai một dần. Vì cơm áo gạo tiền, vì những hư danh. Nó khác xa với thế hệ tôi, một thế hệ làm nghề, coi nghề diễn như một cuộc chơi sang trọng. Ðam mê và tận hiến. Bây giờ chúng nó bỏ nghề nhiều lắm. Vì không đam mê, vì nghèo...

- Tôi cũng biết hơn 20 năm, bà Thanh Tú tìm đến cõi Phật để hóa giải cho những vui buồn trong cuộc sống của mình. Mối duyên đó bắt đầu từ đâu...

- Từ nhỏ tôi thường theo mẹ lên chùa, không khí nhà chùa thấm vào tôi lúc nào không biết. Tôi đi chùa 24 năm nay. Khi tình cảm bế tắc, tôi tìm đến đạo Phật và tôi hiểu được căn nguyên, gốc rễ của những mất mát trong cuộc đời mình. Mình sống là để trả nghiệp. Vì thế hằng ngày tôi vẫn tụng kinh sám hối để nghiệp của mình không nặng và không vận vào con cái. Càng sống, tôi càng nghĩ, tại sao mình không đi tu ngay từ ngày đầu. Cuộc đời đã cho mình quá nhiều thứ, sắc đẹp, danh tiếng, tài năng, nhưng cũng lấy đi của mình những thứ khác.

- Bà vẫn chia sẻ, bà không phải là người may mắn trong hôn nhân. Và phụ nữ xinh đẹp tài sắc vẫn không tránh khỏi số kiếp đa đoan. Ngày đó, khi cuộc hôn nhân thứ 2 tan vỡ, bà mới chỉ 40 tuổi. Một phụ nữ nhan sắc như bà, sao lại chọn sống một mình. Bà không còn tin vào tình yêu?

- Yêu ai, tôi luôn đặt cả cuộc đời mình lên đó. Cuộc hôn nhân đầu tiên với đạo diễn Phạm Kỳ Nam, cũng chỉ vẻn vẹn 12 năm, đúng một nghiệp của đời người. Rồi cuộc hôn nhân thứ hai tan vỡ. Lúc đó, tôi đau đớn, tuyệt vọng. Tôi thề sẽ không bao giờ yêu và lấy chồng. Và tôi chọn cách sống một mình, nhẹ nhõm, với công việc, với con cái.

- Và gần như không thấy Thanh Tú xuất hiện trong các sự kiện của giới điện ảnh hay sân khấu.

- Tôi nghĩ, thế hệ mình thuộc về quá khứ rồi. Nên biết điểm dừng lại. Tôi không có ý thức lưu giữ lại thời vàng son của mình. Mình đâu phải là vĩ nhân. Tôi chỉ muốn mọi người nhớ đến những vai diễn. Mà nhớ hay quên cũng đâu có quan trọng, bởi tất cả cũng trở về cát bụi mà thôi. Rồi cũng bị lãng quên trong dòng thời gian vô thủy vô chung.

- Có nghĩa là bà đã buông bỏ hết những buồn vui của kiếp người.

Nhưng tôi vẫn thấy nỗi cô đơn trong ngôi nhà của bà. Những lúc đó, bà thường làm gì?

- Tôi đi lễ Phật và tụng kinh sám hối. Tôi thích đến những nơi thật vắng và ngồi thiền như chùa Vân trên Tam Ðảo. Và cơn cớ thế nào, tôi lại làm thơ. Hình như với thơ, tôi dốc cạn được lòng mình và đọc chơi với bạn bè. Có lẽ, từ trong sâu thẳm, vẫn có cái gì đó, như là nỗi buồn, sự cô đơn nó bủa vây mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà.

VIỆT NGUYỄN

(Thực hiện)

Thời của tôi đã qua rồi... ảnh 1

Bìa phim Sao Tháng 8 - Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam 1977.