NSƯT Hồng Vy:

Tìm lại đam mê

May mắn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có bố là NSND Doãn Tần, mẹ là ca sĩ Minh Hồng, Hồng Vy trưởng thành dưới sự dìu dắt của NGƯT Diệu Thúy. Cùng với người chồng là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một trong những nhạc sĩ đang có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam hiện tại, họ trở thành cặp nghệ sĩ tài năng, hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tìm tòi nghệ thuật. "Tôi cho rằng là một nghệ sĩ, mỗi lần lên sân khấu đều phải hết mình, kỹ thuật có thể sai sót, nhưng tâm hồn không được phép sai"- NSƯT Hồng Vy chia sẻ.

Tìm lại đam mê

Nghe chắt lọc, học không ngừng

- Một nghệ sĩ cổ điển thính phòng thì nghe/xem/tập luyện có khác gì so với mọi người?

- (Cười) Con đường lựa chọn của tôi, như bạn đã biết, là dòng nhạc hàn lâm, thính phòng cổ điển. Đối với người hát nhạc thính phòng cổ điển, việc trau dồi kỹ thuật thanh nhạc là tất yếu, đương nhiên, là việc ngày nào cũng phải làm. Đó không chỉ là việc rèn luyện thêm kỹ năng mà là yếu tố bắt buộc để giữ nghề. Hát đúng kỹ thuật sẽ ngày càng hay, hát sai kỹ thuật hát sẽ ngày càng yếu, vỡ, hỏng.

Bên cạnh đó tôi cũng nghe rất nhiều.Ngày trước khi còn trẻ, mới vào nghề thì ai mình cũng nghe. Lúc đó mình chưa có sự phân biệt tinh tế. Sau này, tôi nghe trở nên có chắt lọc hơn, cũng có thần tượng một số ít các nghệ sĩ nước ngoài, tiếp thu các phương pháp phù hợp với giọng hát của mình.

Đối với âm nhạc thính phòng thì việc tạo ra âm thanh đẹp rất quan trọng. Mỗi lần nghe thấy những âm thanh đẹp mình lại thấy yêu nghề hơn, đam mê hơn. Lúc đó lại có cảm giác mình muốn rút ngắn thời gian hơn, để được biểu diễn như họ.

- Từ thế hệ trước của NGƯT Diệu Thúy và các nghệ sĩ khác, đến thế hệ của chị, sự tích lũy và truyền đạt lại phải dày hơn, nhiều hơn, phát triển hơn?

- Tôi nghĩ vậy. Đối với bản thân tôi, cô có kỳ vọng tôi sẽ đi song song hai con đường: hát tác phẩm nước ngoài tốt, có kỹ thuật và hát tác phẩm Việt Nam phải hay.

Việc hát tác phẩm Việt Nam thế nào cho hay, cho thỏa mãn được người nghe tinh tế không hề đơn giản. Bạn nghe tác phẩm nước ngoài thấy hay nhưng thường chỉ cảm nhận được hơn 50% một chút thôi, từ giai điệu, giọng hát và hiểu một phần lời. Nhưng ở tác phẩm tiếng Việt nó đòi hỏi người ca sĩ phải làm được nhiều hơn, tốn công sức hơn, bởi người nghe sẽ cảm nhận được 100% nội dung một tác phẩm tiếng Việt. Từng câu, từng chữ phải thấm vào lòng khán giả. Khi hát tác phẩm tiếng Việt tôi thường tốn thời gian luyện tập gấp đôi tác phẩm nước ngoài, tìm cách xử lý chi tiết hơn trong từng câu từng chữ.

- Cách hát thính phòng Việt Nam, cách nhả chữ tiếng Việt khác biệt như thế nào so với các ngôn ngữ khác?

- Ngôn ngữ phương Tây chủ yếu là âm mở, kết thúc bằng các nguyên âm i, ê, a, o, u.... Đối với ngôn ngữ tiếng Việt thì ngược lại, phần lớn là âm đóng, kết thúc bằng phụ âm n, ng, nh.... Chính vì thế để sử dụng cho thanh nhạc rất khó. Nếu mình áp dụng máy móc cách hát phương Tây chắc chắn sẽ không phù hợp được với cách hát Việt Nam.

Để hát một bài hát Việt Nam, cách nhả chữ rất quan trọng. Làm thế nào để mình vẫn giữ được kỹ thuật phương Tây nhưng lại nhả chữ theo kiểu Việt Nam, người nghe nghe rõ lời, rõ chữ, vẫn tròn, vẫn đẹp, nhưng vẫn phải có hơi thở của kỹ thuật thanh nhạc phương Tây, những điều đó cần phải được nghiên cứu, tìm tòi.

Trong khi đó ở trường hầu như chỉ dạy kỹ thuật phương Tây, học đóng tiếng rất ít. Thời gian sau khi ra trường, làm nghề mình phải có những tìm tòi riêng. Tôi cho rằng việc học là việc không bao giờ ngừng nghỉ.

Tôi đã tìm lại được chính mình

- Đã có lúc nào quyết tâm làm nghề của chị lung lay?

- Thời gian đầu khi vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ đó có thể là môi trường dễ khiến mình lung lay nhất. Trước khi vào đây, tôi và chồng (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng) cũng đã nói chuyện với nhau, tự nhủ dẫu có thế nào cũng sẽ kiên định theo con đường cổ điển. Mọi người đều nói đây là đất của âm nhạc giải trí, thế nhưng ba năm vừa qua tôi nghĩ đây mới chính là môi trường để mình phát triển, có cơ hội làm nghề đúng với hai chữ "thính phòng". Trước đây ở Hà Nội, tôi thấy mình không thoát ra được khỏi một con người công chức, làm theo sự sắp đặt. Việc biểu diễn, lựa chọn bài hát... tôi đều làm theo nhu cầu, theo sự sắp đặt không phải của mình.

Môi trường phía bắc là môi trường có thể nói rất chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đều được đào tạo bài bản, có kỹ thuật tốt, có năng lực tuyệt vời, nhưng hầu như các nghệ sĩ chỉ hát nhạc đỏ. Nhạc đỏ trở thành tiêu chí cho nhạc thính phòng, bản thân tôi cảm thấy điều đó không đúng lắm. Có thể bởi vì các ca khúc nhạc đỏ phù hợp cho những người hát dòng thính phòng - nhưng chưa đủ, nó vẫn còn thiếu mảng các ca khúc mới. Phải có các ca khúc mới thì các ca sĩ mới có thể thỏa sức sáng tạo; nếu cứ hát ca khúc cũ ít nhiều mình cũng sẽ bị rập khuôn, bị ảnh hưởng một điều gì đó của những nghệ sĩ đi trước. Khó có thể nói không ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng đến đâu là do bản thân nghệ sĩ có tạo được sự khác biệt hay không.

Và còn mảng ca khúc nước ngoài nữa, hầu như là không có đất diễn. Tôi biết mình có đam mê, nhưng dường như nó bị ngủ quên cho đến khi vào thành phố Hồ Chí Minh thì đam mê này mới được đánh thức.

Ở Nhà hát nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, tôi được đi đúng con đường mình thích, được hát đúng phong cách âm nhạc mà mình đã được học một cách bài bản tại Học viện Âm nhạc quốc gia trước đây - là phong cách thính phòng, opera. Cũng trong thời gian này tôi tạo cho mình thói quen nghiên cứu, lật ngược lại quá trình làm nghề, những bài học đã rơi rụng... để tìm lại âm thanh, niềm đam mê, giọng hát của chính mình.

- Sau khi đã ra ba album "Hoa lửa và Vy", "Vinh quang Việt Nam", "Giấc mơ mùa lá", sắp tới chị có định làm một album với đề tài khác?

- Dự định sắp tới của tôi không phải là album, mà tôi mong muốn được biểu diễn live, làm những chương trình nhỏ. Tôi chỉ cần một lượng khán giả nhỏ thôi, để mình có thể gửi tiếng hát của mình gần nhất, thật nhất, đến với công chúng. Tôi muốn mỗi lần bước ra sân khấu - bất kỳ sân khấu nào - mình đều cố gắng thể hiện hết sự rèn luyện của mình, cái mà mình cho là hay. Tôi cho rằng là một nghệ sĩ, mỗi lần lên sân khấu đều phải hết mình, kỹ thuật có thể sai sót, nhưng tâm hồn không được phép sai sót.

- Lập gia đình cùng một nhạc sĩ đang được đánh giá cao, quan điểm nghệ thuật của chị và anh có ảnh hưởng qua lại?

- Khi nói về quan điểm nghệ thuật, chúng tôi luôn có tiếng nói chung. Chúng tôi thường nói chuyện về âm nhạc, anh giúp tôi hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn về nghề. Vì lấy vợ là ca sĩ dòng thính phòng nên anh quan tâm nhiều hơn đến mảng sáng tác ca khúc nghệ thuật, nhờ vậy mà tôi có thêm tác phẩm mới cho tiếng hát của mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!