Biên đạo múa Lê Vũ Long: "Tôi chọn sự im lặng"

Những biên đạo theo đuổi nghệ thuật múa đương đại vốn đã không nhiều. Và trong số họ, con đường riêng của Lê Vũ Long lại càng không giống ai. Đoàn múa Nơi đến được anh thành lập từ hơn chục năm nay, với thành phần khá đặc biệt: những người khiếm thính đang làm đủ mọi nghề trong xã hội.

Cảnh trong vở múa Ba mặt một lời.
Cảnh trong vở múa Ba mặt một lời.

Khổ luyện để giúp họ thành những vũ công tương đối chuyên nghiệp, dựng vở đều đặn mỗi năm rồi lại đau đầu tìm hợp đồng biểu diễn trong nước và quốc tế - công việc ấy mới là lý do chính để Long tìm thấy mình trong nghệ thuật, thay vì những gì người ta vẫn nhớ về một chàng diễn viên trong Xin hãy tin em, Những người thợ xẻ, Người đàn bà mộng du, Hai phía chân trời...

Nỗi buồn mang tên múa đương đại

- Hình như, anh là một trong những người đầu tiên đến với múa đương đại của Việt Nam?

Biên đạo múa Lê Vũ Long: "Tôi chọn sự im lặng" ảnh 1

- Năm 1999, khi đang là diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tôi may mắn được cử sang Pháp học hai năm về chuyên ngành này, theo dự án hợp tác giữa Nhà hát và một trung tâm nghệ thuật bên đó. Khi tôi về nước, gần như chúng ta cũng chưa có tiền đề gì cho sự tồn tại của múa đương đại cả, từ đào tạo, lý luận cho tới biên đạo múa và diễn viên. Và khán giả nữa. Thị trường nghệ thuật và không khí nghệ thuật trong những năm đó vẫn có chút gì ảm đạm, rụt rè. Khán giả nghe tới những khái niệm "hiện đại", "đương đại" thì hơi ngần ngại. Không giống như bây giờ, khi mà cái mũ "hiện đại","đương đại" được sử dụng tràn lan và gắn cả với những thứ không liên quan về bản chất (cười).

- Anh có thất vọng không, sau khi được đào tạo bài bản rồi lại bắt đầu bằng một xuất phát điểm như thế?

- Đúng hơn là tôi hoang mang. Thoạt đầu, mọi chuyện cũng không đến nỗi nào.

Trong năm 2001, năm đầu tiên về nước, tôi cùng ba biên đạo khác dàn dựng một chương trình có tên Lắng nghe đêm không lời, được tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

Đó là lần đầu xuất hiện một đêm múa đương đại "thuần Việt" chứ không phải là những dự án hợp tác với nước ngoài.

Rồi, tất cả dừng lại ở đó. Tôi xin với Ban giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch thành lập một đoàn nghệ thuật múa đương đại. Lý do: Đây là trào lưu sẽ được quan tâm trong tương lai, và chúng ta cần có sự chủ động, chứ không thể chỉ chờ cơ hội "làm thuê" cho những dự án quốc tế về múa đương đại tại Việt Nam. Tất nhiên, đề xuất ấy không thể thành hiện thực.

Cơ duyên với "Nơi đến"

- Và đó là lý do để anh thành lập một đoàn múa riêng của mình?

- Mọi chuyện không diễn ra ngay theo cách đó. Một thời gian dài, tôi loay hoay với những suy nghĩ và lựa chọn đang ngổn ngang trong đầu. Tâm trạng ấy bớt đi phần nào khi Thu Lan - vợ tôi - sắp có đứa con trai đầu tiên. Những lúc buồn, tôi hay chơi đùa với cậu quý tử đang còn nằm trong bụng mẹ. Chạm tay vào chỗ nào, ông con trong bụng sẽ đáp trả lại bằng một đạp nhẹ vào tay bố. Lẩn mẩn, tôi nghĩ: Hóa ra, sự giao tiếp của con người khi không có lời nói cũng rất thú vị và cảm động. Thế giới của sự im lặng cũng rất hay, và có lẽ, đó là một thế giới tồn tại với con người ta trước khi tìm được cách giao tiếp bằng lời nói. Đó là bước chuyển đầu tiên, trước khi tôi tìm thấy một cơ duyên trực tiếp để bắt đầu câu chuyện với đoàn múa Nơi đến.

- Cơ duyên ấy là...?

- Một câu chuyện bây giờ mới có thể kể.

Thu Lan từng theo học ba-lê tại Liên Xô trong nhiều năm. Năm 1986, vụ nổ Nhà máy điện nguyên tử Tréc-nô-bưn xảy ra, lớp của Lan sơ tán khá muộn. Bạn bè trong lớp cũng vài người nhiễm phóng xạ, và sinh ra những cháu bé khiếm thính sau này. Tôi và Lan cưới nhau mà chẳng quan tâm gì tới chuyện ấy, nhưng đến khi sắp sinh cháu thì tôi chợt nhớ ra.

Không cần nói, bạn cũng hiểu tâm trạng tôi lúc đó thế nào. Trăn trở mãi mà không thể nói với Lan, rồi tôi cũng xác định rằng mình phải học cách đón nhận tất cả những tình huống xấu. Những ngày ấy, tôi không làm việc, lang thang tới những quán cà-phê dành cho người khiếm thính. Tôi quan sát và trò chuyện với họ, để chuẩn bị về tâm lý cho mình và cũng để hiểu thế giới của họ hơn.

Rồi tôi nói họ dạy mình ngôn ngữ của những ngón tay. Bù lại, tôi hứa sẽ dạy họ ngôn ngữ của cơ thể. Rồi xin mượn phòng tập của Nhà hát. Rồi viết hẳn một kịch bản có tên là Nơi đến để cùng tập với nhau...

-Nghĩa là mọi thứ có vẻ diễn ra một cách tự nhiên, nối tiếp nhau, theo lo-gic của nó?

- Tôi tập xong thì có một buổi diễn nội bộ trong Nhà hát để "khoe" cùng anh em. Tình cờ, buổi diễn ấy có một vài cán bộ lãnh đạo Nhà nước đã nghỉ hưu tới thăm Nhà hát. Họ hỏi: Một hoạt động mang tính nhân văn thế này, sao không đưa ra trước công chúng?

Vậy là Nơi đến được đầu tư nâng cấp bài bản hơn và có hai đêm diễn ở Nhà hát Lớn.

Cùng thời gian đó, Lan sinh cháu Anh Vũ, mọi chuyện đều ổn cả.

Mọi chuyện tưởng như khép lại. Tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của các bạn khiếm thính, hỏi rằng bao giờ mới được tập múa tiếp nữa. Các bạn đã mang lại niềm vui và sự động viên cho tôi, vậy tại sao tôi không làm được điều ngược lại? Tôi dựng vở thứ hai, với cái tên Mắt bão, rồi hì hục xin tài trợ để mang ra biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Rồi sau đó lại là những tin nhắn khác. Đoàn múa Nơi đến được thành lập, do Nhà hát bảo trợ.

Tôi chọn sự im lặng

- 11 năm làm việc với những người khiếm thính qua gần chục vở diễn là một quãng đường dài. Và đặc thù của nó là...

- Trong suy nghĩ của mình, dần dần tôi cũng nhận ra rằng thế giới vô ngôn luôn tràn đầy những điều thú vị. Ít nhất, ở đó, người ta có một cái quyền riêng: quyền không nghe, không biết những thứ quá rắc rối trong cuộc sống hằng ngày. Thu Lan thường phụ tôi dựng vở. Nghĩ lại cũng ngạc nhiên: Chúng tôi cùng nhau tập, trong sự im lặng kéo dài gần tám tiếng đồng hồ. Và đã hòa nhập với sự im lặng ấy, cả hai vợ chồng về nhà đâm quen, cũng chỉ giao tiếp với nhau bằng những lời nói rất nhỏ, gần như thì thầm (cười).

- Vậy, còn những chuyến lưu diễn quốc tế khá thường xuyên của Nơi đến, điều mà nhiều đoàn múa hiện đại không làm được?

- Không đến mức thường xuyên như bạn nói đâu. Chúng tôi cũng có được một số sự quan tâm từ các dự án quốc tế. Đổi lại, những diễn viên của tôi cũng phải đổ mồ hôi rất nhiều. Không thể làm nghệ thuật một cách hời hợt, dù bất cứ với lý do nào về xuất phát điểm. Và, tôi muốn các diễn viên của mình bước thẳng vào không khí của môi trường chuyên nghiệp. Đến giờ, sau 10 năm, tôi có thể tự tin nói rằng một nửa trong số gần 20 diễn viên của mình đã đạt tới trình độ rất cao rồi.

Ngoài đời họ làm nhiều nghề khác nhau: trông xe, bán mũ bảo hiểm, gội đầu, sơn sửa móng tay. Nhưng, khi bước lên sàn tập, tôi luôn khắt khe. Một thí dụ điển hình là vở múa Ký ức thở dài cách đây hai năm. Chúng tôi tập vở mất bảy tháng, với 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Không đoàn múa nào tập vở với cường độ như vậy cả.

- Nhưng, hình như mấy năm nay, khán giả thấy anh dàn dựng các vở diễn mới của Nơi đến với mật độ thưa hơn?

- Đúng vậy. Trước đây, trung bình mỗi năm chúng tôi dựng một vở, với những Nơi đến, Mắt bão, Kẻ thù và những vùng đất, Thấu truyền, Một là một và một là hai, Trời tròn đất vuông. Gần đây, chúng tôi đầu tư làm những vở diễn lớn hơn, như Ký ức thở dài hay Ba mặt một lời -vở diễn nhân 10 năm thành lập đoàn. Tôi muốn mỗi vở diễn của mình có đời sống riêng và kéo dài, dù luôn háo hức làm những vở diễn mới.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.