Ôm trọn sự sống

Nơi miền bắc Phần Lan xa xôi, có một khu rừng thông tên HaliPuu. Trong tiếng Phần Lan, "Hali" nghĩa là ôm, còn "Puu" là cây. Kể từ năm 2020 đến nay, cứ vào cuối tháng 8, gia đình Raekallio Wunderink - chủ nhân khu rừng sẽ tổ chức "Cuộc thi ôm cây". Thử thách thú vị đi cùng sự kết nối giữa những con người cùng chí hướng đã mang đến liệu pháp trị liệu, nhờ thiên nhiên chữa lành những tổn thương trong cuộc sống hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm Kén Bắc Cực.
Trải nghiệm Kén Bắc Cực.

Ðể được là chính mình

Cuộc thi gồm ba vòng: Tốc độ - người chơi phải ôm được càng nhiều cây càng tốt trong thời gian quy định, mỗi lần ôm không dưới năm giây. Trao tặng yêu thương - người tham gia chọn lấy một cây cho riêng mình, và làm sao thông qua chiếc ôm thể hiện tình cảm đong đầy trong một phút. Tự do tự tại - chắc chắn đây là vòng đặc biệt và thú vị nhất, khi người chơi có thể thoải mái ôm cây theo những cách riêng, bộc lộ được rõ nhất cá tính của bản thân.

Mỗi lần, ban tổ chức chỉ tiếp nhận khoảng 30 người tham gia trực tiếp cho vòng một. Đây được xem như vòng điểm cộng, bởi ở vòng hai và ba số lượng người tham gia không bị giới hạn, người chơi có thể gửi ảnh bài thi về cho ban tổ chức. Thông qua hình thức thi trực tuyến này, rất nhiều kiểu ôm lạ lùng đã được ghi lại: trồng cây chuối, hoặc nằm nhoài trên đất để ôm cây,…

Tuy đến nay cuộc thi mới được tổ chức ba lần, nhưng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân địa phương cũng như người nước ngoài.

Trong cuộc thi trực tuyến năm nay, Christine đến từ bang Iowa (Mỹ), đã gây chú ý với hình ảnh cô hôn một cây non, cùng dòng chia sẻ: "Ngày 10/8/2020, một cơn bão với sức gió thẳng 140 dặm/giờ đã tàn phá quê hương của tôi, khiến hơn 100 cây gần nhà tôi bị bật gốc và xóa sổ bảy triệu cây trên khắp Iowa. Sau đó, chúng tôi đã trồng lại những cây non. Mầm cây nhỏ trong tay tôi chính là một sự khởi đầu mới".

Một câu chuyện khác cũng khiến nhiều người tham gia đồng cảm, đến từ Minto Hemmerwerta - nhà sinh vật học từng sống ở Thủ đô Helsinki. Để chống chọi bệnh trầm cảm, cô chuyển đến Lapland (Phần Lan), tránh xa thành phố đông đúc và hòa mình với thiên nhiên. Bằng những cái ôm với cây, cô đã tìm thấy chính mình: "Cây cối không đòi hỏi bạn bất cứ điều gì. Đối diện với chúng, bạn có thể yên tâm để được là chính mình. Khi ngồi yên lặng trong rừng và nhìn mọi thứ chung quanh, cảm hứng sẽ tuôn trào".

Ôm trọn sự sống ảnh 1

Gia đình Raekallio Wunderink

"Nuôi cây"

Không chỉ cuộc thi ôm cây, gia đình Raekallio Wunderink còn tổ chức nhiều hoạt động độc đáo khác nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người đến việc bảo vệ rừng.

Trên thực tế, dự án đầu tiên được quảng cáo trên trang web HaliPuu là dịch vụ "nhận nuôi cây", do Rita - con gái cả của gia đình điều hành. Cụ thể, mỗi khách hàng có thể nhận nuôi một hoặc nhiều gốc cây trong khu rừng thông, với thời gian 5 năm. Mọi người có thể đến thăm cây của mình trực tiếp hoặc trực tuyến. Thậm chí, "bố mẹ nuôi" còn có thể mua các loại phụ kiện khác nhau cho cây của họ, chẳng hạn như ria mép và cung tên làm từ rêu, hoặc đồ trang sức... miễn là không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của khu rừng. Gia đình Raekallio Wunderink sẽ luôn theo sát, để bảo đảm "bố mẹ nuôi" luôn quan tâm và có trách nhiệm với cây của họ.

Cùng với đó, một trong những điểm thu hút khác nữa của HaliPuu là "Arctic Cocooning" - Kén Bắc Cực, trải nghiệm mắc võng trong rừng, đã giúp gia đình nhận được giải thưởng từ Tổ chức Du lịch Phần Lan - Visit Finland. Rita giải thích rằng, sự vui vẻ và thú vị là trọng tâm của công việc kinh doanh của họ. Du khách sẽ được đi bộ xuyên rừng đến một khu vực yên tĩnh được bao quanh bởi cây cối, nằm trên chiếc võng được gọi là Kén Bắc Cực, sau đó thiền tối đa hai giờ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, và "Lắng nghe cách rừng cây mọc lên từ thế kỷ 19, cảm nhận sự hiện diện của cây cối, ngỡ ngàng trước sự yên bình của thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và sạch sẽ... ".

Sứ mệnh đặc biệt

"Nếu bạn yêu rừng nhiều như chúng tôi, bạn đã đến đúng nơi. Chúng tôi là HaliPuu, đến từ thị trấn nhỏ Levi ở Lapland, Phần Lan. Chúng tôi muốn cứu khu rừng của gia đình mình khỏi bị chặt phá và quyết định biến nó thành một nơi an toàn cho mọi người trên khắp hành tinh" - đó là lời giới thiệu xuất hiện đầu tiên trên trang web của khu rừng HaliPuu.

Rừng HaliPuu được đặt tên bởi cha Rita, ông Kaarle Raekallio Wunderink. Khi Kaarle còn là một đứa trẻ, ông và gia đình đã chạy trốn khắp nơi để thoát khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai, và cuối cùng dừng chân tại khu rừng ở Lapland này. Sau chiến tranh, Chính phủ Phần Lan đưa ra chính sách hỗ trợ người dân bị mất nhà cửa, được mua đất với giá rẻ để tái định cư. Gia đình Raekallio Wunderink bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà ở đây.

Cậu bé Kaarle, từ năm 12 tuổi đã theo ông nội và cha đi đốn cây, sau này gây dựng xưởng cưa gỗ khá nổi tiếng ở Lapland. Nhiều cư dân địa phương đã dựng nhà từ nguyên liệu gỗ của xưởng. Gia đình Raekallio sinh sống, quây quần bên nhau dưới bóng mát của khu rừng, hưởng những nguồn lợi từ rừng. Nhờ đó, Kaarle hiểu rõ sự quý giá của thiên nhiên hơn bất cứ ai. Khi trưởng thành, Kaarle trở thành người bảo vệ vùng đất và quyết tâm làm sao để ngày càng có nhiều người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng và từ đó có tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên - giống như gia đình ông.

Năm 2014, khi khu rừng dần già đi và sắp bị đốn hạ, ông đặt tên cho nơi này là "Rừng cây của những cái ôm" - HaliPuu. Từ đó, gia đình Raekallio cũng tự gọi mình là gia đình HaliPuu, thành lập doanh nghiệp và bắt đầu kinh doanh chung quanh khu rừng, để giữ rừng. Con gái cả - Rita là người phụ trách chính việc kinh doanh, các thành viên khác trong gia đình, mỗi người sẽ đảm nhận một công việc khác nhau. Steffan, chồng của Rita là chuyên gia hướng dẫn về thiên nhiên. Anh cũng là nhân viên pha cà-phê duy nhất tại đây. Con gái út Raisa phụ trách bộ nhận diện của HaliPuu. Công việc hậu cần được bà nội của Rita chăm lo. Bà luôn bảo đảm mọi người có đủ thức ăn và quần áo giữ ấm, bởi điều đó vô cùng quan trọng ở nơi Vòng Bắc Cực lạnh giá này.

Với tình yêu thiên nhiên trao truyền qua các thế hệ, cả gia đình Raekallio Wunderink ngày ngày nỗ lực để những cái ôm có sức sống bền lâu, lan tỏa tình yêu với thiên nhiên vượt ra ngoài ranh giới của HaliPuu.