Ở sâu thẳm của thành công

Xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, trên cơ sở tập trung vào sự thấu cảm dành cho cả khách hàng lẫn đội ngũ nhân viên, Giám đốc điều hành (CEO) Satya Nadella đã đưa Microsoft vượt qua cơn khủng hoảng và trở lại đỉnh cao theo cách ấy. 
0:00 / 0:00
0:00
Ở sâu thẳm của thành công

Tầm nhìn chiến lược

Mới đây, Microsoft đã giới thiệu Bing phiên bản mới, công cụ tìm kiếm lâu năm của hãng được hỗ trợ bởi ChatGPT (chatbot cực kỳ phổ biến do OpenAI tạo ra). Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Satya Nadella không giấu giếm tham vọng: Tiến trình đổi mới nhờ hợp tác với OpenAI, bên cạnh quy mô siêu lớn của hệ thống các sản phẩm phần mềm, được kỳ vọng sẽ giúp Microsoft tiến lên cạnh tranh với "kẻ thống trị" Google.

Hiện tại, Google đang ra sức bảo vệ lợi nhuận trong lĩnh vực tìm kiếm, vốn chiếm tới 80% tổng doanh thu. Sự "trỗi dậy" của Microsoft, tuy chưa thể gây thiệt hại rõ ràng, nhưng lại gián tiếp khiến các khoản đầu tư vào các dịch vụ khác, bao gồm cả Google Cloud bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến quý II/2022, Amazon Web Services chiếm 31% thị trường dịch vụ đám mây, tiếp đến là Microsoft Azure (22%) và Google Cloud (8%). Đây mới chính là mấu chốt vấn đề.

Từ thời điểm trở thành CEO năm 2014, Satya Nadella đã giúp Microsoft thoát khỏi gánh nặng từ việc mua lại hãng điện thoại Nokia. Để rồi, chính ông là nhân tố quan trọng thúc đẩy Microsoft bước vào lĩnh vực truyền thông xã hội (thâu tóm trang mạng xã hội được thiết kế riêng cho cộng đồng doanh nghiệp - LinkedIn), nâng tầm ảnh hưởng trong thị trường game (mua tựa game ăn khách Minecraft và Công ty Activision Blizzard), đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây Microsoft Azure.

Quan trọng nhất, từ chỗ không chiếm nổi một phần doanh thu, hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây đã trở thành điểm nhấn chính trong báo cáo doanh thu hằng quý, đóng góp tới 42% tổng doanh thu của Microsoft trong năm 2021. Kế tiếp, việc châm ngòi cho "Cuộc chiến Tìm kiếm lần thứ hai" được xem là nước cờ táo bạo trong chiến lược của Satya Nadella.

Với khả năng điều hành của Satya, giá trị cổ phiếu Microsoft đang ở trạng thái gần như "giậm chân tại chỗ" trong suốt 14 năm (dưới thời CEO tiền nhiệm Steve Ballmer), đã tăng gần chín lần. Giá trị vốn hóa thị trường từ 311 tỷ USD (năm 2014) đã đạt 1.920 tỷ USD (tháng 2/2023), đưa Microsoft trở thành một trong hai doanh nghiệp đắt giá nhất thế giới.

Văn hóa là nền tảng

Không chỉ nổi tiếng với những quyết định táo bạo nhằm vực dậy tập đoàn đã từng "đứng trên bờ vực", Satya Nadella còn thực hiện những cải tổ sâu rộng nội bộ công ty. Rất đặc biệt, ông lựa chọn cách cắt nghĩa chữ C trong CEO như viết tắt của từ văn hóa (culture): Giám đốc điều hành là người quản lý văn hóa của một tổ chức.

"Mọi thứ đều có thể đối với một công ty, khi văn hóa của nó là lắng nghe, học hỏi và khai thác niềm đam mê cũng như tài năng của từng cá nhân cho sứ mệnh chung của doanh nghiệp. Đây là công việc chính của tôi với tư cách là CEO", Satya Nadella khẳng định.

Khi Satya Nadella tiếp quản công ty vào năm 2014, Microsoft đang quay cuồng với những cuộc đấu đá nội bộ gay gắt và sự thù địch giữa các phe phái. Vị CEO mới đã dành phần lớn thời gian trong năm đầu để lắng nghe nhân viên ở mọi cấp độ. Ông cũng đánh dấu thay đổi quan trọng của Microsoft ở cấp lãnh đạo, bằng việc đánh giá hiệu suất dựa trên mức độ giúp đỡ các nhân viên và đồng nghiệp của mình thành công.

Theo Satya Nadella, việc người quản lý dành thời gian huấn luyện nhân viên là ưu tiên lớn nhất của ông, như một phần "sự phục hưng văn hóa Microsoft". Các nhà lãnh đạo phải đáp ứng ba kỹ năng cụ thể: làm gương cho cấp dưới, huấn luyện họ trở thành những hình mẫu tích cực và thể hiện sự quan tâm đến nhân viên cũng như sự phát triển của mỗi cá nhân. Hiện tại, môi trường làm việc trong Microsoft đã đạt tỷ lệ chấp thuận lên tới 95% và được đánh giá là một trong những nơi làm việc tốt nhất, khác xa "bộ mặt" năm 2014.

"Điều đầu tiên cần làm với tư cách một nhà lãnh đạo chính là củng cố niềm tin của nhân viên. Đạt được sự đồng cảm với đồng nghiệp là cách tốt nhất để tiến lên trong sự nghiệp. Với sự đồng cảm, mọi người sẽ làm tốt nhất phần việc của mình và giúp bạn đạt được sự thăng tiến", Satya Nadella nhận định.

Ở sâu thẳm của thành công ảnh 1
Sự đồng cảm là chìa khóa để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài học từ nỗi đau

Ít ai biết rằng nguyên nhân sâu xa của sự thay đổi trong cách ông điều hành công việc kinh doanh lại xuất phát từ việc thẩm thấu các bài học trong chính gia đình mình. Satya Nadella từng chia sẻ về "bước ngoặt đau thương" trong cuộc đời - những năm tháng khó khăn khi phải chăm sóc và nuôi dưỡng người con trai Zain (vốn bị mắc bệnh bại não và mới qua đời tháng 2/2022).

"Ngay cả với Zain, tôi cũng gặp khó khăn khi không thể đặt mình vào vị trí của con. Trong nhiều năm, tôi đã vật lộn với suy nghĩ rằng tại sao điều này lại xảy ra với mình? Tại sao mọi kế hoạch của bản thân đều bị ném ra ngoài cửa sổ?", Satya Nadella chia sẻ.

May thay, chính người vợ đã giúp ông hiểu rằng điều duy nhất ông cần làm là xây dựng sự đồng cảm với nỗi đau và hoàn cảnh của con trai. Tình cảnh ấy cũng thôi thúc Satya nỗ lực trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. Sự đồng cảm đã thay đổi cách ông điều hành công việc kinh doanh, mang lại lợi ích cho nhân viên và khách hàng, để rồi chính họ là những người thay đổi quỹ đạo của Microsoft.

Trở lại với "Cuộc chiến Tìm kiếm" đầu tiên nổ ra 14 năm trước, khi Steve Ballmer và Microsoft giới thiệu công cụ Bing. Rốt cuộc, Google đã tiêu diệt phần lớn các đối thủ (như Yahoo!, Lycos và Excite...) để trở thành "gã khổng lồ" kiểm soát hơn 90% thị trường. Microsoft cũng không hề bỏ cuộc và Bing vẫn tồn tại đến nay, dù không mấy được ưa chuộng.

Hiện tại, vị CEO Microsoft không giấu được niềm hân hoan khi tuyên bố "châm ngòi" cho "Cuộc chiến Tìm kiếm lần thứ hai". Với ông, Bing không chỉ là một công cụ tìm kiếm đơn thuần, mà còn hướng tới mục tiêu trở thành "người bạn đồng cảm" mang đến những cuộc trò chuyện chân thực nhất, để thật sự thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Từ năm 2019 đến nay, Microsoft đã kiên nhẫn đầu tư và hợp tác với OpenAI để phát triển các sản phẩm sáng tạo. Họ nhanh chóng tích hợp ưu điểm đột phá của ChatGPT để nâng cấp các sản phẩm sẵn có của mình như Bing, dịch vụ đám mây Microsoft Azure, Github và phần mềm Office. Những nỗ lực này đã khiến giới công nghệ phải ngạc nhiên với tốc độ và quy mô thực hiện của nó trong nhiều tháng trời, trước thời điểm khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD được báo cáo.