Tìm lại "chất chèo" cho diễn viên chuyên nghiệp
- Gắn bó cả đời với nghệ thuật chèo, bà đánh giá thế nào về thế hệ đồng nghiệp trẻ gần đây?
- (Trầm tư) Tôi thấy hơi quan ngại. Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật chèo đã mai một nhiều, giới nghiên cứu, lý luận về chèo có lẽ càng hiếm, chỉ còn một vài cụ như GS Trần Bảng, người đã gần trăm tuổi. Còn về thế hệ sau lớp chúng tôi, càng trẻ lại càng có nhiều vấn đề cần phải trăn trở.
Lâu nay, tôi vẫn đang làm công việc góp phần tìm lại "chất chèo" cho chính những diễn viên chèo chuyên nghiệp. Nghe thì lạ nhưng sự thật là vậy. Trong thời buổi kinh tế thị trường, diễn viên chèo cũng phải tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Mà mỗi buổi diễn lớn nhỏ đâu chỉ có chèo, họ còn phải hát nhiều thể loại nhạc khác, bolero, chầu văn, kể cả nhạc nhẹ… tùy theo yêu cầu của nhà tổ chức và khán giả. Chính vì vậy, một số diễn viên chèo đã "đi xa" khỏi chèo lúc nào không biết. Là một người thầy, tôi đang cố gắng để "neo đậu" lại vốn chèo trong các bạn ấy.
- Nhưng thường là để theo đuổi một bộ môn nghệ thuật, bản thân một diễn viên cũng phải có tình yêu ban đầu với nó, cũng như với những người từ diễn viên lên làm thầy. Bà nhìn nhận về tình yêu này của thế hệ sau như thế nào?
- Thực tế, hiện nay không chỉ riêng chèo mà ở nhiều ngành nghề, một bộ phận người dạy cũng "chạy" theo bằng cấp, theo kinh tế, cho nên họ cần số lượng hơn là chất lượng, còn ở chèo thì cần số lượng hơn "chất chèo" của học trò; tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm. Hơn nữa, nếu như trước đây, khi còn là trò, chúng tôi có nhiều thời gian để học hành, tập luyện; chỉ một vở diễn mà chúng tôi phải tập trong nhiều ngày thì dường như hiện nay, thời gian học của các em bị hạn chế; có thể một phần bởi quỹ thời gian học chuyên ngành eo hẹp, phần bởi không ít thầy cô bận "chạy show" nên thời gian giảng dạy cũng không được bao nhiêu,…
Ngoài ra, tôi thấy, như thời của bọn tôi đi diễn rất vô tư, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhưng nay, dường như càng ngày, nhu cầu danh lợi càng cao hơn. Chỉ mới được tuyển vào trường mà một số em đã có suy nghĩ là "mượn" danh nghệ sĩ, diễn viên để trưng và kiếm tiền.
Cần chủ động đến với khán giả
- Dù vậy, tại các sân khấu chuyên nghiệp hay hội diễn toàn quốc cũng vẫn có không ít vở diễn hay. Điều đó cho thấy tài năng và tâm huyết của người làm nghệ thuật chèo vẫn còn đó?
- Bạn nói đúng, kể cả sân khấu chèo chuyên và không chuyên cũng đều có nhiều vở diễn chất lượng tốt, thậm chí rất tốt, đạt được giải cao. Tuy nhiên, gần như tất cả đều chỉ dừng lại ở sân khấu cuộc thi, rồi đóng gói để đấy, không đến được với công chúng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của thị trường, nhu cầu của khách hàng; bạn không biết chứ, bên cạnh một số vở diễn nghiêm ngắn để đi hội diễn, còn có tình trạng nhiều khách đặt hàng viết kịch bản nhưng đòi hỏi nội dung một cách vô lối, oái oăm, mất cả cái thẩm mỹ của chèo nhưng phải như thế thì họ mới trả tiền cho người viết kịch bản rồi thuê đoàn diễn đưa vở về địa phương...
- Có nghĩa là các khách hàng như bà đề cập vẫn thừa hiểu rằng, làn điệu chèo luôn có sức hấp dẫn với công chúng?
- Vì có quá nhiều năm làm chèo, tôi mới thấy rằng, khán giả người Việt không bao giờ "quên" được chèo, nhất là tại vùng nông thôn, trong thời điểm đầu năm hoặc cuối năm, hay mùa lễ hội, mặc dù bây giờ người ta không còn trải chiếu để mà diễn như ngày xưa. Có dịp tiếp xúc với bà con cộng đồng người Việt ở các nước châu Âu, tôi càng thấm thía tình yêu chèo của mỗi người con mang dòng máu Việt. Mới chỉ một câu chèo ngân lên, tôi cảm thấy như là hồn cốt văn hóa Việt gọi tất cả mọi người hòa làm một. Chính bởi sự say mê này mà mỗi khi tổ chức các chương trình có chèo, bà con cộng đồng người Việt từ nhiều nước, nhiều bang khác nhau đều hội tụ để thưởng lãm, thậm chí có những người ở cách xa nơi diễn tới 500-700km...
- Quả là thực tế của sân khấu chèo đang quá nhiều bề bộn. Nhưng để gạn đục khơi trong, theo bà, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Theo tôi, thứ nhất, các cơ quan chức năng cần có chủ trương mạnh mẽ trong việc phổ biến nghệ thuật chèo truyền thống. Cần xây dựng chương trình giáo dục ngay từ cấp tiểu học, để các em hiểu một cách cơ bản thế nào là nghệ thuật chèo, nghệ thuật truyền thống, từ đó, ngày một thấm nhuần hơn những đặc sắc của văn hóa cội nguồn dân tộc. Phải đưa chèo vào trong học đường.
Thứ hai, nếu như trước đây, khán giả đi tìm sân khấu để xem thì bây giờ phải ngược lại, người làm sân khấu chèo phải đi tìm khán giả bằng nhiều cách, làm mới, làm khác để hấp dẫn được khán giả hôm nay nhưng vẫn phải giữ được tinh hoa, hồn cốt của chèo.
Với mỗi diễn viên chèo, dù còn vất vả mưu sinh, cũng nên giữ lấy cốt cách của một nghệ sĩ, giữ lấy và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, để trao truyền cho những thế hệ tiếp theo. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp.
Một thực tế đáng mừng khác là sân khấu chèo không chuyên đang phát triển rất mạnh mẽ. Trên mạng xã hội hiện nay, có hàng chục trang, nhóm, hội giao lưu chèo, có trang tới hàng chục nghìn người tham gia, kết nối những người yêu chèo ở trong và ngoài nước, tạo nên cộng đồng người yêu chèo rất đông đảo. Sự kiện giao lưu "Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc" lần thứ VII-2022 vừa qua rất thành công với nhiều tiết mục khá chất lượng. Từ đây, tôi nghĩ rằng, nên có một sự quan tâm, khích lệ cần thiết dành cho những người không chuyên nhưng yêu chèo.
- Chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thu nối nghiệp chèo từ người cha - "vua hề chèo" Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn. Học và trở thành diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam, bà đã đóng vai chính nhiều vở diễn kinh điển của Nhà hát, như vở Bà Chúa Ba, Hồ Xuân Hương, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Mảnh gương nhân sự, Bắc Lệ đền thiêng..., giành nhiều huy chương tại các kỳ hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc.