Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

Nỗi lo toan của người thầy

NDO - Nghề sư phạm vốn phải rèn luyện công phu và nghiêm túc. Nhà giáo phải làm việc vất vả, chịu nhiều áp lực. Thế nhưng, với mức lương, chế độ đãi ngộ và tuyển dụng giáo viên (GV) như hiện nay thì chưa thể bảo đảm đời sống để những thầy giáo, cô giáo tâm huyết gắn bó với nghề. Thực tế cũng cho thấy vị thế xã hội của nhà giáo đang giảm sút; ngành sư phạm không còn hấp dẫn các bạn trẻ như trước; chất lượng sinh viên đầu vào thấp dần... Tất cả hiện trạng đó đã khiến nỗi âu lo của những người thầy ngày càng thêm nặng.
Một trong những công việc thường ngày của cô giáo vùng cao. Ảnh: ÐỨC KỲ
Một trong những công việc thường ngày của cô giáo vùng cao. Ảnh: ÐỨC KỲ

Lo sao thầy phải ra thầy

Với người thầy giáo, nỗi lo toan và cũng là áp lực lớn nhất là lo sao cho xứng đáng vị trí người thầy. Ðã làm thầy thì nhất định phải uyên bác, có chuyên môn vững vàng và tấm lòng nhân hậu. Từ lâu, Ðảng và Nhà nước ta cũng đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì đó là hoạt động cơ bản cung cấp nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. "Tương lai là bây giờ" - chất lượng giáo dục chủ yếu được quyết định bởi chất lượng đội ngũ GV. "Chất lượng giáo dục không vượt qua chất lượng người thầy", đó là quy luật luôn luôn đúng. Phát triển đất nước gắn liền với phát triển giáo dục, phát triển giáo dục gắn liền với phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là chuỗi quan hệ "nhân - quả" có tính quy luật. Ở vị trí đó tác động làm chuyển biến đội ngũ GV là giải pháp thông minh nhất, hiệu quả nhất, có tính chiến lược của một quốc gia.

Ðội ngũ những người thầy là lực lượng nòng cốt trong cải cách giáo dục ở nước ta. Trong thời gian qua, có rất nhiều nhà giáo chân chính, có tài năng và nhân cách đã và đang đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của đất nước bằng những việc làm cụ thể. Bên cạnh đó vẫn có một số nhà giáo tha hóa, biến chất. Nhà giáo muốn thành công trong nghề nghiệp, muốn được xã hội tôn trọng thì phải có ba yếu tố: năng lực kiến thức, cách truyền dạy và nhân cách. Thiếu một trong ba yếu tố, người giáo viên không nên đứng trên bục giảng, và các cơ sở giáo dục cần kiên quyết xử lý các trường hợp này.

Hiện nay, việc đào tạo nghề giáo của chúng ta đang bị buông lỏng. Hằng năm ngành giáo dục cho ra nghề nhiều thầy giáo, cô giáo không có đủ các yếu tố trên và chính họ đã làm mất uy tín nghề giáo. Chẳng hạn, nước ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống đó đã biểu hiện bằng lòng biết ơn của học sinh và cha mẹ học sinh tới người thầy. Việc cha mẹ hoặc học sinh biếu thầy giáo, cô giáo một chút quà để tỏ lòng biết ơn là một việc rất bình thường (giống như việc người xưa mang con gà, cân gạo biếu thầy đồ dạy con mình). Nhưng nó sẽ không bình thường trong các trường hợp chạy điểm hoặc thầy không dạy hết kiến thức trên lớp mà bắt học sinh học thêm để tăng thu nhập. Ðáng lên án hơn, đã có những trường hợp thầy giáo gạ tình đổi điểm, đánh đập, môi giới cho học sinh làm mại dâm... Những trường hợp vi phạm nhân cách nhà giáo cần được xử lý nghiêm hơn những người làm nghề khác.

Xã hội cần tham gia toàn diện vào quá trình cải cách giáo dục. Chẳng hạn, các gia đình, dòng họ tham gia vào các hội khuyến học, khuyến tài. Các tổ chức xã hội cần tăng cường truyền thông tôn vinh giáo dục và ủng hộ giáo dục cả về vật chất lẫn tinh thần và coi đó là trách nhiệm hàng đầu. Ðồng thời các tổ chức xã hội sẽ đưa ra các đề xuất chính sách và giám sát chính sách cũng như chất lượng của giáo dục.

Nỗi lo cơm áo

Phân tích vị trí và đặc điểm lao động sư phạm của người giáo viên cho thấy, để có đội ngũ GV hành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cần có một hệ thống đồng bộ các giải pháp phát triển đội ngũ đó. "Nút bấm" để tạo động lực phát triển giáo dục là chính sách đãi ngộ và sử dụng GV. Ðó là sự khẳng định không chỉ trên cơ sở lý luận, mà là bài học kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới.

Nhật Bản tuy thất trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng đã có quyết sách sớm đầu tư cho giáo dục nên đã có những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Năm 1979, Chính phủ Nhật Bản ban hành Ðạo luật về những biện pháp đặc biệt để bảo đảm đời sống giáo viên. Trong đó quy định giáo viên được hưởng mức lương cao hơn các ngành nghề khác cùng trình độ đào tạo từ 13 - 15%, cứ một đến hai năm nâng lương một lần; GV mới tốt nghiệp đại học sư phạm được hưởng lương tương đương 1.300 USD/tháng; GV được hưởng phụ cấp gia đình, sinh hoạt đắt đỏ, nhà ở, đi lại, tiền thưởng ba lần trong năm tương đương năm tháng lương. Nhờ đó, số thanh niên dự thi vào các trường sư phạm rất đông để tỷ lệ chọn 1/5. Tiếp đó năm 1989, thang lương GV lại được cải thiện, khuyến khích từ bậc mầm non đến đại học. Lương khởi điểm GV tiểu học trình độ cao đẳng là 180.500 yên, cử nhân đại học 240.600 yên, thạc sĩ 246.200 yên, tiến sĩ 292.800 yên (100 yên tương đương 1 USD). Có 12 khoản phụ cấp đặc biệt cho nghề dạy học, trong đó có phụ cấp cho cán bộ quản lý giáo dục.

Nước ta cũng có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục nói chung và GV nói riêng, như nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên, giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng (cả công lập và dân lập) đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để các cơ sở giáo dục mầm non trả lương theo thang bảng lương giáo viên... Việc thực hiện một số chính sách đã ít nhiều có tác động thúc đẩy phát triển đội ngũ GV. Tuy nhiên, những chính sách đó chưa đủ tạo ra "nút bấm" cho sự phát triển giáo dục nói chung, phát triển chất lượng đội ngũ GV nói riêng. Muốn có chính sách đúng trước hết cần đổi mới tư duy về vị trí của GV trong phát triển giáo dục, vị trí của giáo dục trong phát triển đất nước.

Ðể biến nhận thức đó thành hành động thiết thực trong đời sống xã hội, cần nghiêm túc phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học lao động nghề nghiệp của người GV. Chính sách lương và đãi ngộ vật chất và tinh thần cho GV dựa trên sức lao động bỏ ra cùng với áp lực nghề nghiệp là đòn bẩy tâm lý tạo được động cơ, trách nhiệm nghề nghiệp và vị thế xã hội của họ. Với lương tâm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, khi đứng trên bục giảng, không một GV nào mặc cả và bị chi phối bởi đồng lương hiện có của họ, mà đã dành hết tâm huyết của mình cho học trò thân yêu. Ðiều những người thầy mong muốn là được xã hội nhận thức, đánh giá đúng giá trị công việc cũng như những khó khăn, áp lực nghề nghiệp mà họ phải vượt qua. Có chính sách tốt về lương sẽ giúp giáo viên không phải làm nghề phụ khác mà chuyên tâm vào việc giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho mình. Hy vọng rằng Nhà nước sẽ có chính sách công bằng với nghề giáo và đội ngũ nhà giáo Việt Nam sẽ mạnh lên, có đủ sức đề kháng để loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực trong nghề.

* Chính sách lương và đãi ngộ vật chất và tinh thần cho GV dựa trên sức lao động bỏ ra cùng với áp lực nghề nghiệp là đòn bẩy tâm lý tạo được động cơ, trách nhiệm nghề nghiệp và vị thế xã hội của họ.