Nỗi ám ảnh mang tên "đói"

Cuộc xung đột tại Đông Âu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang phát triển, với việc giá lương thực sẽ tăng hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm, trong khi những quốc gia khác có khả năng rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ. Những đánh giá u ám trong bản báo cáo mới nhất ngày 1/8 của Ngân hàng Thế giới (WB), một lần nữa, lại làm hằn rõ thêm nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00

Có những thí dụ cụ thể, sinh động và gây choáng váng bởi các con số đi kèm đã được đưa ra.

Theo đánh giá của WB, Lebanon là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là sau vụ nổ kho ngũ cốc ở cảng Beirut cách đây hai năm- sự cố làm tê liệt khả năng dự trữ cũng như phân phối ngô và lúa mì cho 6,8 triệu người dân của họ. Lạm phát lương thực tại đây tăng vọt lên mức 332% trong sáu tháng đầu năm nay, cao hơn mức tăng 255% của Zimbabwe và 155% của Venezuela. Một quốc gia khác, Thổ Nhĩ Kỳ (không thể xem là nước nghèo) đứng thứ tư với tỷ lệ lạm phát lương thực là 94%.

Trong khi đó, các quốc gia Nam Á cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, do giá thực phẩm cũng như năng lượng tăng cao đe dọa làm suy yếu nền tài chính quốc gia. Đã có những nước phải đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ, điển hình là Bangladesh vào tuần trước. Sri Lanka cũng đã đề nghị một gói cứu trợ từ quỹ, sau khi hết tiền mặt để mua các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Không chỉ IMF còn buộc phải khôi phục gói cứu trợ trị giá sáu tỷ USD cho Pakistan vào tháng 6 vừa qua.

Không còn nghi ngờ gì nữa, với hiện trạng này, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đã và đang hiện diện mỗi lúc một rõ ràng hơn, theo đà diễn biến tình hình tại các điểm nóng địa chính trị thế giới cũng như tiến trình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt-điều tạo nên tình trạng diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp một cách chóng mặt.

Không chỉ những nước nghèo, đến lúc này, cả các quốc gia đang phát triển cũng phải chịu những áp lực rất lớn, khi giá lương thực (cũng như năng lượng) tăng phi mã và liên tục lập các đỉnh lạm phát. Đến cả những nước có thu nhập bình quân đầu người tương đối cao, chuyện chi phí sinh hoạt trở nên mất kiểm soát cũng đã khiến không ít các chính phủ sụp đổ, thí dụ như tại Italy.

Tỷ lệ các nước thu nhập cao vật vã chống chọi với lạm phát và ghi nhận giá lương thực tăng vọt, theo WB, đã lên tới khoảng 78,6%. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở châu Phi, Mỹ latin, Nam Á, Trung Á, châu Âu và cả Bắc Mỹ.

Trong những thập niên vừa trôi qua, giá lương thực thấp là nền tảng quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Song, cũng chính bởi đã quen với sự dễ dàng đó, khi những ngọn gió đổi thay thổi tới, mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ. Nói cách khác, thế giới chưa chuẩn bị cho việc đối diện với thách thức "miếng ăn" ở quy mô diện rộng như hiện tại.

Những nỗ lực giải ngân các gói cứu trợ khổng lồ mà nhiều chính phủ thực hiện, đơn cử như nước Mỹ, xét cho cùng, cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn có thể làm những tác động thêm trầm trọng. Bởi, "bơm" thêm tiền vào thị trường trong khi các chuỗi cung ứng vẫn càng lúc càng thu hẹp, thì sự mất cân bằng lại càng trở nên rõ rệt.

Đâu là lối thoát cho thế giới, trước hiện trạng mịt mù bởi sự thiếu hụt nhu cầu cơ bản nhất này? Thật ra, trên lý thuyết, có lẽ không cần phải là một chuyên gia nghiên cứu hay các chính trị gia, bất cứ ai cũng có thể tự trả lời.

Đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, ngừng lại mọi cuộc xung đột và chiến tranh nhằm bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, khống chế đà tăng dân số nhằm tránh nạn nhân mãn, và hơn hết, thiết lập những cơ chế hợp tác đa phương toàn cầu vì sự tồn vong chung…, những hướng đi này đã được đề cập từ rất lâu.

Vấn đề là, từ lý thuyết đến thực tế, do tác động của các lợi ích riêng chồng chéo, khoảng cách bao giờ cũng hun hút, như đáy vực Mariana…