Lùi lại, để tiến lên

Sau thắng lợi “chưa từng có” dành cho phe cực hữu tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, những chuyển động tiếp nối từ cánh tả đang thể hiện cả nỗ lực tột cùng qua những hành động mang tính “hy sinh”, đồng thời cũng khắc họa những nỗi bất an mỗi ngày một hằn lên trong nội tại tâm trạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Sự trỗi dậy của phe cực hữu đã làm bật mở những nỗi lo lắng tận cùng đối với cử tri cánh tả Pháp. Ảnh: NPR
Sự trỗi dậy của phe cực hữu đã làm bật mở những nỗi lo lắng tận cùng đối với cử tri cánh tả Pháp. Ảnh: NPR

“SỰ trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy là mối nguy hiểm cho đất nước cũng như cho châu Âu, cho vị trí của nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới”. Khi thốt lên lời cảnh báo đó để thực thi một quyết định đầy mạo hiểm là giải tán Quốc hội và tiến hành tổ chức bầu cử sớm bất thường, có lẽ chính đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không hình dung hết được những khó khăn mà ông cùng những người ủng hộ mình sẽ phải đối mặt.

Nối tiếp những gì đã diễn ra tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, kết quả cuộc bỏ phiếu vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp ngày 30/6 đánh dấu bước tiến mạnh mẽ nhất của phe cực hữu Pháp, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo đó, với 33% số phiếu bầu, đảng Tập hợp quốc gia (RN) do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã bỏ xa liên minh Mặt trận Bình dân mới/NFP (chỉ đạt 28%) và phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (chỉ đạt hơn 20% số phiếu bầu).

Rõ ràng, những số liệu thống kê ấy cho thấy sự chia rẽ không thể che lấp, cũng như những nhu cầu đổi thay mãnh liệt, trong quan điểm của các khối cử tri.

TUY nhiên, cuối cùng, viễn cảnh phe cực hữu có thể mở toang những cánh cửa quyền lực, và nắm lấy cơ hội định đoạt các chính sách của nước Pháp cũng đủ đáng sợ để lay động, và hơn thế là siết chặt cánh tả cũng như phe trung dung, trong những nỗ lực đoàn kết đáng ngạc nhiên.

Hơn 200 ứng cử viên từ phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và liên minh cánh tả đã rút lui để tránh chia nhỏ phiếu bầu. Gạt bỏ những khác biệt về quan điểm, họ chấp nhận từ bỏ cơ hội, hay đúng hơn là nhường cơ hội cho những người thích hợp, với mục tiêu duy nhất là không để phe cực hữu gom được 289 ghế cần thiết để giành đa số tại Quốc hội Pháp.

Cho đến ngày 2/7, khi thời hạn từ bỏ vị trí ứng cử kết thúc, chỉ còn lại chưa đầy 100 ứng cử viên của cánh tả cũng như phe trung dung. Đó hiển nhiên là những sự rút lui có chủ đích. Thậm chí, NFP trước đó còn cam kết rút tất cả các ứng cử viên đứng ở vị trí thứ ba trong vòng đầu tiên. Thí dụ, Leslie Mortreux, một ứng viên sáng giá của NFP, đã “bước sang một bên”, tại một khu vực bầu cử ở phía bắc. Trong khi đó, liên minh “Chung sức vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Macron cũng kêu gọi những người ủng hộ họ ngăn cản phe cực hữu lên nắm quyền, bằng mọi biện pháp nghị trường khả thi.

Cho đến hiện tại, thực tế, với những sự từ bỏ mang tính chất “hy sinh” để thúc đẩy sự kết nối của phe trung dung với cánh tả, các cuộc đua ba bên lúc đầu đã chỉ còn là một cuộc đua song mã, giữa phe cực hữu và bất kỳ ai còn cơ hội ở lại đường đua.

ĐIỀU này mở ra những cơ hội thay đổi cục diện, tại vòng bỏ phiếu thứ hai, ngày 7/7, cho dù chưa nhà phân tích quốc tế nào có thể chắc chắn về chiều hướng của “ván cờ tất tay” ấy.

Tuy vậy, khi RN đã có thể tiến xa đến như thế, và khi bà Marine Le Pen tuyên bố không úp mở rằng đảng của bà sẽ vẫn tìm cách thành lập chính phủ, ngay cả khi không đạt được đa số tuyệt đối trong Quốc hội 577 ghế, mọi nỗ lực dù là nhỏ nhất của phe trung tả cũng đều đáng giá.

Đơn giản, cục diện “éo le” có thể xảy ra - khi một thủ tướng cực hữu phụ trách chương trình nghị sự trong nước và một tổng thống theo chủ nghĩa tự do giám sát các vấn đề đối ngoại- đang trở thành một nỗi ám ảnh đầy hăm dọa đối với mọi cử tri trung tả Pháp. Đến mức độ, ngay cả đương kim Tổng thống Macron cũng hé lộ: Ông sẵn sàng hỗ trợ các thành viên của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) nếu cần thiết, cho dù một số thành viên trong đảng của ông có phản đối.

Cho dù thế nào, những bước “lùi để tiến” ấy vẫn tốt hơn sự ganh đua giữa cánh tả và trung dung, trước sự khuếch trương thanh thế mạnh mẽ hiện tại từ phe cực hữu.