Niềm hy vọng cho những người yếm thế

Hình ảnh những chiếc xe cồng kềnh, chiếm phần lớn làn đường giao thông có lẽ là hình dung của phần lớn chúng ta về hệ thống giao thông công cộng nói chung, và về xe buýt nói riêng. Theo khảo sát của Bogotá Cómo Vamos vào năm 2022, 41% số dân hiện sinh sống tại Bogota (Columbia) không hài lòng với hệ thống xe buýt nhanh.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Claudia Lopez, Thị trưởng Bogota
Bà Claudia Lopez, Thị trưởng Bogota

Năm nay, điều đó đã thay đổi. Những nỗ lực của bà Claudia Lopez, Thị trưởng Bogota, đã cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng, khẳng định bà có thể thật sự làm được nhiều việc hơn, không chỉ dừng ở danh xưng "nữ thị trưởng đầu tiên".

Những bóng hồng trên xa lộ

Luisa Ramirez-một TikToker (người làm nội dung trên nền tảng TikTok), đã thu hút 79.000 người theo dõi và hơn 360.000 lượt thích nhờ các đoạn video ngắn ghi lại công việc hằng ngày của cô - sau tay lái xe buýt. Nội dung video nhận được nhiều tương tác nhất là tâm sự của cô về một ngày làm việc được cho là mệt mỏi nhất, kéo dài đến bảy giờ đồng hồ, do tắc đường.

Ramirez cũng thu hút thành công được thêm một lượng công dân lớn lựa chọn xe buýt thay cho phương tiện cá nhân, bởi lý do "muốn được ngồi sau tay lái của hot TikToker". Và cô ấy không phải người phụ nữ duy nhất tại Bogota đang làm công việc điều khiển những "hung thần xa lộ".

Năm 15 tuổi, Diana Ruiz trở thành mẹ đơn thân, phải bỏ học, bán hàng rong để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Những người có trình độ học vấn thấp như Ruiz cũng sẽ rất khó để có thể kiếm được một công việc chính thức và ổn định. Thế nhưng, cuộc sống của cô đã hoàn toàn thay đổi sau 14 năm. Ruiz được tuyển làm lái xe chính thức cho hệ thống xe buýt điện của Công ty xe buýt công cộng La Rolita.

La Rolita không chỉ cung cấp việc làm cho người lao động (nhiều người trong số đó là mẹ đơn thân), mà còn tập trung đào tạo nâng cấp giấy phép lái xe và cho phép nhân viên tiếp cận an sinh xã hội, gồm cả lương hưu. Các lái xe sẽ kiếm được khoảng 1,7 triệu peso/tháng (tương đương 376 USD), trong khi mức lương tối thiểu hằng tháng trên cả nước là 1,16 triệu peso.

Diana Ruiz bộc bạch: "Cơ hội tuyệt vời này không chỉ làm thay đổi cuộc sống của tôi, mà còn có thể thay đổi rất nhiều quan điểm cũ về hệ thống giao thông công cộng ở Bogota". Hiện nay, tại La Rolia có tới 48% số lái xe là nữ.

Dự án trên nằm trong một phần kế hoạch phát triển Thủ đô do Thị trưởng Bogota Claudia Lopez xây dựng, và được kỳ vọng có thể thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân về giao thông công cộng.

Mới chỉ là khởi đầu

Ngày 2/1/2020, bà Claudia Lopez trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của Bogota, đã phá vỡ truyền thống khi tổ chức lễ tuyên thệ tại công viên Simon Bolivar trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Phát biểu tại đây, bà đã đề ra chương trình hành động trong nhiệm kỳ bốn năm, tập trung vào việc chống bất ổn an ninh, tắc nghẽn giao thông, thúc đẩy việc làm, bảo đảm chất lượng giáo dục và miễn học phí. Bà cũng cam kết duy trì một Bogota "xanh" hơn trong nhiệm kỳ của mình.

Thực tế, hành trình vươn tới thành công của chính bà cũng là một "thỏi nam châm" khổng lồ thu hút các cử tri trẻ tuổi.

Xuất thân trong một gia đình gồm sáu anh chị em và lớn lên trong khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở Thủ đô Bogota, Lopez hiểu rõ: Một người phụ nữ không có gia cảnh thuận lợi sẽ phải đương đầu với những rào cản lớn như thế nào.

Trong buổi tuyên thệ, bà khẳng định: "Chiến thắng này là sự ghi nhận thành quả lao động của tôi trong nhiều năm qua, là kết quả đấu tranh chống bất bình đẳng giới của nhiều thế hệ, của nhiều phụ nữ. Chính họ đã dẫn đường cho tôi đến đây và đạt được vị trí này. Tôi hy vọng có thể xóa bỏ định kiến về phụ nữ trong xã hội, và đem lại nhiều thay đổi cho đất nước. Vị trí này sẽ giúp tôi làm điều đó".

Nổi tiếng trong giới hoạt động xã hội ngay khi còn là sinh viên, năm 1989, bà Lopez tham gia liên tục vào các phong trào thanh niên. Có lẽ chính từ quá trình đó, bà nhận ra: Muốn một thành phố thay đổi, cần bắt đầu từ thượng tầng.

Sau đó, Lopez làm quản gia cho một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu để kiếm tiền học lên cao hơn. Bà lấy bằng thạc sĩ ngành Quản trị công và Chính sách đô thị tại Trường đại học Columbia ở New York (Mỹ). Sau đó, bà bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại Trường đại học Tây Bắc ở Chicago (Mỹ).

Trước khi trở thành thị trưởng, bà Lopez cũng từng là cố vấn cho Liên hợp quốc, được bầu vào Thượng viện Colombia năm 2014 và làm việc tại đó trong bốn năm. Trên chặng đường này, bên cạnh việc phải đối mặt các khó khăn trong công việc, Lopez không may mắc ung thư vú. Chiến đấu với bệnh tật vẫn can trường như trên chính trường, bà khỏe lại nhanh chóng sau ca phẫu thuật, trấn an người ủng hộ bằng dòng trạng thái trên trang mạng xã hội cá nhân: "Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ tại Colombia, có đến sáu phụ nữ chết mỗi ngày do căn bệnh này, đó là lý do tôi cam kết: Phải triển khai một mô hình chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó nhấn mạnh các đặc điểm về giới!".

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Claudia Lopez Hernandez chính là nguồn động lực rất lớn, dành cho những người yếm thế đang cảm thấy mình bị gạt sang bên lề.

Niềm hy vọng cho những người yếm thế ảnh 1
Bà Lopez tuyên thệ tại công viên.

Một dự án, nhiều mục tiêu

Quay trở lại chính sách của bà thị trưởng, ngoài tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực giao thông công cộng, xưa nay vốn là do nam giới thống trị, việc thành phố tập trung vào xe điện cũng thúc đẩy các cam kết chống biến đổi khí hậu của Bogota.

Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã vinh danh Bogota trong thử thách bền vững vào năm 2022 khi trích dẫn kế hoạch hành động về khí hậu của Thị trưởng Lopez.

Kế hoạch này tìm cách giảm 15% lượng khí thải của thành phố từ năm 2020-2024, 50% vào năm 2030, và cuối cùng là đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Theo một phần kế hoạch, một nửa đội xe buýt nhanh của Bogota sẽ chạy bằng điện vào năm 2030. Đến năm 2050, thành phố đặt mục tiêu toàn bộ đội xe chạy bằng điện. Trong đó, La Rolita cũng sẽ tiếp tục các kế hoạch triển khai cáp treo công cộng và thí điểm xe buýt trường học chạy bằng điện.

"Thật tuyệt khi một nhà lãnh đạo đang chú trọng vào chất lượng dịch vụ, đối xử tốt với mọi người, và đáp ứng mong đợi", Dario Hidalgo- Giáo sư vận tải và hậu cần tại Đại học Javeriana nhấn mạnh.

Và tất cả những điều đó, như Claudia Lopez Hernandez tuyên bố, cũng mới chỉ là những thành công bước đầu, trên một hành trình dài đầy tham vọng.