Những viên gạch xếp tương lai

Thay vì xây dựng các phòng học bằng các viên gạch chất liệu truyền thống, công ty khởi nghiệp Colombia Conceptos Plasticos đã mang đến giải pháp tái chế rác thải nhựa thành vật liệu có khả năng chống lại động đất, lũ lụt hay thời tiết nắng nóng tại châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh vui chơi bên ngoài lớp học mới làm bằng gạch nhựa ở Abidjan, Bờ Biển Ngà.
Học sinh vui chơi bên ngoài lớp học mới làm bằng gạch nhựa ở Abidjan, Bờ Biển Ngà.

Đây không chỉ là những khối nhựa đơn giản, mà sẽ trở thành dự án có tác động mạnh mẽ đến xã hội, môi trường và sự phát triển nhiều khía cạnh trong đời sống con người. Nhà máy của Conceptos Plasticos sẽ thu mua các loại nhựa khó phân hủy do người dân nghèo thu thập, nấu chảy và đóng thành những viên gạch để xây dựng phòng học, nhà ở phục vụ cộng đồng"- Nhà sáng lập Oscar Andrés Méndez giới thiệu ý tưởng của mình.

Loại vật liệu tái chế này cho thấy khả năng cách nhiệt tuyệt vời và độ bền gấp hai lần so vật liệu xây dựng thông thường. Không những vậy, nó có thể được lắp đặt, tháo dỡ hoặc nâng cấp một cách dễ dàng.

Trung bình, việc tái chế khoảng năm tấn nhựa phế thải sẽ cung cấp đủ số lượng gạch để xây dựng một phòng học. Thời gian lắp đặt mất khoảng bốn ngày và tiêu tốn khoảng 14.500 USD, tiết kiệm 2.000 USD so việc dùng xi-măng thông thường. Giá thành thực tế đã giảm đi 20% sau khi Conceptos Plasticos xây dựng nhà máy tái chế ở địa phương.

Abidjan là thành phố lớn nhất ở Bờ Biển Ngà, cũng là nơi xả ra môi trường gần 300 tấn rác thải nhựa mỗi ngày. Bắt đầu từ nỗ lực tái chế khoảng 5% trong số đó, Méndez kỳ vọng sẽ giải quyết hơn 9.600 tấn rác thải nhựa mỗi năm cho thành phố này. Hiện tại, hơn 100 ngôi nhà và khoảng 350 phòng học đã được dựng lên từ loại gạch mới ở khu Gonzagueville (ngoại ô Abidjan) và hai ngôi làng nông nghiệp Sakassou và Divo.

Conceptos Plasticos đã phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện mục tiêu xây dựng 528 phòng học cho khoảng 26.400 học sinh ở Bờ Biển Ngà. Đây vốn chỉ là con số vô cùng nhỏ bé so nhu cầu khoảng 15.000 phòng học ở quốc gia Tây Phi này.

"Chẳng ai nghĩ rằng, rác thải nhựa-cơn khủng hoảng của cuộc sống hiện đại lại mang đến nguồn lợi cho người dân cũng như cung cấp nền tảng cải thiện công tác giáo dục. Bây giờ, nhựa cũng có thể mở ra cả bầu trời tương lai"-Giám đốc Trường Sakassou Joachim Koffi Konan chia sẻ.