Cách đây 35 năm, diện tích đất liền ở Nam Cực được bao phủ bởi thực vật chỉ rộng chưa tới 1 km2. Thế nhưng, con số này đã tăng lên hơn 10 lần, tương đương kích thước 2.000 sân bóng đá tiêu chuẩn trong thời điểm hiện tại.
“Mức độ xanh hóa đạt hơn 1.000%. Tốc độ phát triển của thảm thực vật tăng khoảng 33% mỗi 5 năm. Chẳng mấy chốc, những bán đảo ở Nam Cực sẽ chuyển sang mầu xanh. Số liệu này đã mang đến những cú sốc đích thực”, tiến sĩ Thomas Roland (Đại học Exeter, Vương quốc Anh), nhấn mạnh.
Thông thường, quá trình phủ xanh đồi trọc ở các châu lục khác luôn mang đến tin tốt. Đó là tín hiệu của sự sống, thiên nhiên dần hồi sinh.
Song, hiện tượng “xanh hóa” nếu xảy ra ở Nam Cực lại đồng nghĩa thảm họa. Thực vật sinh sôi chứng tỏ lớp băng không còn. Hàng tỷ người trên thế giới sẽ phải chống chịu hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu.
“Cảnh quan Nam Cực gần như vẫn bị chi phối hoàn toàn bởi tuyết, băng và đá. Chỉ có một phần nhỏ bị thảm thực vật xâm chiếm. Thế nhưng, phần nhỏ ấy đã gia tăng diện tích đáng kể. Rõ ràng, vùng đất hoang dã rộng lớn và biệt lập này cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề”, tiến sĩ Roland nhận định.
Chim cánh cụt chạy nhảy trên thảm cỏ xanh ở Nam Cực. |
Nam Cực vốn là vùng đất ẩn mình với thế giới trong suốt những năm qua. Địa hình nơi đây chủ yếu là băng, đất nghèo hoặc đá. Khi bị thực vật xâm chiếm, chúng sẽ bổ sung chất hữu cơ và tạo điều kiện hình thành đất. Điều này làm tăng nguy cơ xâm lấn của các loài thực vật không phải bản địa, do du khách hoặc các nhà khoa học vô tình mang tới nơi đây.
Giáo sư Andrew Shepherd, Đại học Northumbria, Vương quốc Anh, cũng chia sẻ những phát hiện thú vị của mình khi tới thăm Larsen Inlet - một điểm thực địa trên bán đảo Nam Cực. Đoàn nghiên cứu đã hạ cánh trên một bãi biển từng bị thềm băng Larsen chôn vùi dưới chân. Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện một con sông với tảo xanh phát triển trong đó.
Cách đây vài năm, các chuyên gia đã cảnh báo về hiện tượng xanh hóa diễn ra ở Bắc Cực khi những giọt mưa, chứ không phải tuyết, lần đầu rơi trên đỉnh tảng băng khổng lồ của Greenland. Và hiện tượng đáng báo động này đã lan dần tới nam bán cầu.