Tỉa cây lấy gỗ

Nếu những cánh rừng trên khắp thế giới chính là những "lá phổi xanh", thì kỹ thuật lâm nghiệp cổ xưa của Nhật Bản - daisugi - lại giống như "bài tập thể thao" hữu ích, vừa giúp cải thiện sức sống cho cây, vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Cắt tỉa cành tuyết tùng đỏ tại đồn điền Kitayama (Nhật Bản).
Cắt tỉa cành tuyết tùng đỏ tại đồn điền Kitayama (Nhật Bản).

Daisugi là kỹ thuật làm vườn Nhật Bản tương tự cắt tỉa bonsai nhưng ứng dụng trên các cây gỗ có kích thước lớn. Người trồng sẽ chăm sóc những gốc cây tuyết tùng để kích thích chúng nảy ra tới cả trăm chồi non. Sau đó, chỉ những nhánh thẳng nhất được giữ lại.

Trong suốt quá trình trưởng dưỡng cây, người trồng sẽ thực hiện việc cắt tỉa bằng tay khoảng hai năm một lần để bảo đảm các thân mọc thẳng. Chúng sẽ mất trung bình khoảng 20 năm để đạt đủ tiêu chuẩn khai thác gỗ. Khi ấy, thay vì đốn hạ cả cây, người Nhật chỉ cần chặt những nhánh thẳng đứng, giữ nguyên phần gốc và rồi tiếp tục thực hiện kỹ thuật daisugi cho một vòng tăng trưởng mới.

Với tuổi thọ từ 200-300 năm, đường kính những gốc cây tuyết tùng được chăm sóc tốt có thể phát triển lên tới 15m. Chúng sẽ cung cấp cho người trồng rừng số lượng gỗ nhiều hơn đáng kể so việc khai thác từ một thân cây đơn lẻ. Không chỉ tăng sản lượng, chất lượng của những nhánh mới từ phần gốc cổ thụ cũng có độ đặc và bền hơn gấp hai lần, độ linh hoạt cao hơn 140% so loại gỗ tuyết tùng thông thường.

Xuyên suốt nhiều thế kỷ, daisugi đã trở thành kỹ thuật lâm nghiệp độc đáo, cung cấp nguồn vật liệu xây dựng bền vững cho các công trình kiến trúc Nhật Bản. Thậm chí, những thân cây thẳng đứng, với khả năng chống bão đáng nể, thường được lựa chọn làm phần mái và xà nhà.

Theo Báo cáo tình trạng rừng thế giới (SOFO) trong giai đoạn 1990-2015, diện tích rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,8%. Mỗi năm thế giới mất 13 triệu ha rừng. Cứ mỗi phút trôi qua, ngành lâm nghiệp và khai thác gỗ trên toàn cầu sẽ lấy đi một khoảnh rừng tương đương diện tích 30 sân bóng đá.

Do đó, kỹ thuật daisugi có thể gợi mở giải pháp hiệu quả cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp toàn cầu. Bằng cách nghiên cứu và ứng dụng hướng đi này, chúng ta có thể từng bước hạn chế chặt phá rừng, tăng cường khả năng chống chịu của rừng đối với biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như kéo giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.