“Đổi mới là nền tảng của chúng tôi. Tính bền vững là cốt lõi của PlasticRoad. Vì vậy, việc tham gia vào dự án tạo ra một con đường không có nhựa đường, không có bê-tông, chỉ có rác thải nhựa sau tiêu dùng không chỉ là thách thức, mà còn là trải nghiệm thú vị nhất trong sự nghiệp của tôi”, Marcel Jager, Trưởng phòng Kỹ thuật Dự án PlasticRoad, chia sẻ.
Nguyên mẫu thử nghiệm PlasticRoad dài 30 m chứa lượng rác thải tương đương hơn 218.000 cốc nhựa. Chúng bao gồm các module có bề mặt làm hoàn toàn từ nhựa tái chế, được lắp đặt trong vài tuần thay vì vài tháng, có tuổi thọ gấp khoảng ba lần và chi phí chỉ bằng một nửa so với nhựa đường truyền thống. Giai đoạn thi công tại chỗ giảm, cũng như thời gian bảo trì ngắn, giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn mỗi khi sửa chữa đường bộ. Đây là bước tiến trong nỗ lực cắt giảm sử dụng vật liệu truyền thống, hướng tới mục tiêu “xanh hóa” hệ thống giao thông.
Dù sử dụng vật liệu tái chế, PlasticRoad có khả năng chịu được nhiệt độ khắc nghiệt, từ âm 40 độ C đến 80 độ C. Thành phần và cấu trúc mới giúp loại bỏ nguy cơ bị rạn nứt, sụt lún hay hình thành ổ gà. Thiết kế rỗng cung cấp giải pháp tích hợp cho các đường ống và cáp chạy ngầm bên trong.
Cấu trúc thấm của vật liệu tái chế không chỉ cho phép nước thừa thoát ra nhanh chóng mà còn giúp hấp thụ tiếng ồn khi xe lưu thông. Từ ý tưởng này, các nhà khoa học đang hướng tới phát triển hạ tầng giao thông có hệ thống sưởi ấm với bề mặt đường siêu yên tĩnh.
PlasticRoad được thử nghiệm dành cho xe đạp. |
Trước đó, nhóm nghiên cứu PlasticRoad đã lặng lẽ lắp đặt một con đường thử nghiệm bên ngoài trụ sở công ty. Các phương tiện như ô-tô và xe tải nhỏ đã lưu thông qua đây liên tục mà không gặp bất cứ vấn đề gì.
Thành công này đã thuyết phục chính quyền thành phố Zwolle cho phép lắp đặt những con đường thử nghiệm trước tiên dành cho xe đạp, đi kèm các cảm biến theo dõi hiệu suất (như nhiệt độ, số lượng xe đi qua và độ bền tương ứng theo thời gian).
Hiện tại, chỉ 14% lượng rác thải nhựa trên thế giới được tái chế. Quá trình sản xuất và thi công nhựa đường tạo nên 1,6 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Do đó, dự án PlasticRoad đã tạo nên giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giúp con người có thêm lựa chọn thoát khỏi mối lo chất thải nhựa dư thừa.