<p>Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính</p>

Những nguy cơ tiềm ẩn

NDO - Những năm gần đây, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng, chữa và điều trị, nâng cao chất lượng sống cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT). Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc phòng, chống và phát hiện sớm để giảm số người mắc căn bệnh này đang là thách thức không nhỏ...
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang có chiều hướng tăng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang có chiều hướng tăng.

Nguyên nhân và cảnh báo

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trong các loại bệnh trên thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số người mắc bệnh sẽ tăng lên ba đến bốn lần từ nay đến năm 2020, và BPTNMT sẽ đứng hàng thứ ba nguyên nhân gây tử vong trong các loại bệnh. Trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới từ năm 1990 đến năm 2020, chỉ có tỷ lệ tử vong do BPTNMT, tai nạn giao thông và ung thư phổi tiếp tục tăng, trong khi đó các loại bệnh gây tử vong khác có xu hướng ổn định hoặc giảm dần.

Một trong những nguyên nhân gây BPTNMT là do thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường. Các hóa chất trong khói thuốc lá làm viêm, xơ hóa hoặc tạo thành sẹo và phá hủy tính đàn hồi làm phổi co thắt lúc thở, gây hại tới phế nang, các túi khí nhỏ ở cuối đường hô hấp nơi ô-xy hấp thụ vào máu... Ðặc biệt, những người hút thuốc lá bị mắc BPTNMT nhanh hơn và tiên lượng bệnh nặng hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc và có tỷ lệ tử vong do BPTNMT cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Bên cạnh đó, còn do nhiều nguyên nhân khác như: hút thuốc lá thụ động, phơi nhiễm bụi lao động, ô nhiễm không khí trong phòng làm việc, đun bếp (than, củi, rơm, rạ); hóa chất, ẩm thấp, bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh (dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản)... Những tổn thương của phổi dẫn đến BPTNMT thường rất khó phát hiện vì bệnh tiến triển và triệu chứng không rõ ràng, "tiềm ẩn" khoảng 20 năm, kể từ khi phổi bắt đầu bị tổn thương. Bệnh thường xuất hiện vào lúc chuyển từ mùa thu sang mùa đông, do không khí lạnh tăng và độ ẩm cao, dễ nhiễm lạnh, cảm cúm, sau đó là bội nhiễm vi khuẩn, gây tổn thương cho phổi dẫn đến nhiễm trùng phổi, có thể dẫn tới tử vong.

 PGS,TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp cho biết, hiện nay, căn bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng qua các phác đồ điều trị có thể làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, hỗ trợ tăng cường thể lực, cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Muốn phòng, chống BPTNMT, cần có các biện pháp quyết liệt ngăn chặn sử dụng thuốc lá, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với người hút thuốc cũng là yếu tố quan trọng. Cần có bảo hộ lao động cho những ai làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm. Duy trì việc luyện tập thường xuyên để giữ cho phổi khỏe mạnh. Một điều quan trọng nữa là, những người mắc BPTNMT cần được tiêm vắc-xin cúm hằng năm để phòng, chống các tác nhân gây bệnh viêm phổi, vi khuẩn gây sưng phổi, khám bệnh theo định kỳ. Khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cũng là một yếu tố cần thiết...

Ðẩy mạnh phòng, chống

Năm 2011, Bộ trưởng Y tế đã ký Quyết định số 595/QÐ-BYT triển khai Dự án Phòng, chống BPTNMT. Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này. Năm 2012, dự án được triển khai tại mười tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Nam Ðịnh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Bắc Giang và Hưng Yên và đã đạt được nhiều kết quả: Ðào tạo cán bộ y tế về công tác quản lý và điều trị BPTNMT; chuẩn hóa, cập nhật kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế trong phát hiện sớm, điều trị và dự phòng; xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới quản lý BPTNMT trên toàn quốc; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về BPTNMT; triển khai rộng rãi hoạt động của trang web và phần mềm quản lý BPTNMT; tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và quản lý BPTNMT... Năm 2013, dự án tiếp tục mở rộng mạng lưới quản lý BPTNMT ở 15 tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, Chương trình phòng, chống BPTNMT đã đạt được nhiều kết quả. Bên cạnh đó còn không ít khó khăn như: thiếu cán bộ trong công tác phòng, chống BPTNMT; kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn. Ðể công tác phòng, chống bệnh tiếp tục được phát triển một cách đồng bộ, mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố, cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông, nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về BPTNMT; vận động, tăng cường cam kết chính trị - đầu tư nguồn lực của các địa phương vào công tác phòng, chống; kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng, chống BPTNMT; đặt công tác phòng, chống BPTNMT là một trong những ưu tiên...

* Theo số liệu của Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai: Kết quả nghiên cứu dịch tễ học BPTNMT ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc BPTNMT là 4,2% (7,1% nam và 1,9% nữ). Trong đó, tỷ lệ mắc BPTNMT của người dân tại thành phố Hà Nội là 2% (3,4% nam, 0,7% nữ); Hải Phòng là 5,65% (7,91% nam và 3,63% nữ). Tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân mắc BPTNMT vào điều trị là 25,1%, đứng đầu các bệnh lý về phổi.