Những "điểm chạm" xây dựng thương hiệu nhân văn

Làm sao để thương hiệu đi vào lòng người và đóng góp cho những giá trị nhân văn cao đẹp? Đây có lẽ là câu hỏi thường trực của những doanh nghiệp phát triển bền vững và thật sự mong mỏi góp phần tạo ra những giá trị xã hội tốt đẹp nhất cho đời sống con người.
0:00 / 0:00
0:00
Cocoon là hãng mỹ phẩm Việt Nam đã xây dựng thương hiệu của họ theo định hướng thân thiện với môi trường, tận dụng, khuyến khích nông sản Việt Nam. Ảnh: Cocoon
Cocoon là hãng mỹ phẩm Việt Nam đã xây dựng thương hiệu của họ theo định hướng thân thiện với môi trường, tận dụng, khuyến khích nông sản Việt Nam. Ảnh: Cocoon

QUÁ trình xây dựng thương hiệu gắn liền với các hoạt động marketing nhằm gửi các thông điệp của doanh nghiệp và nhãn hàng tới mọi người, từ khách hàng của thương hiệu, các đối tác của đơn vị làm chủ thương hiệu, cho tới công chúng nói chung. Trong quá trình truyền thông ấy, có rất nhiều "điểm chạm" giữa thương hiệu với cộng đồng tiếp xúc với thương hiệu đó.

Các hoạt động truyền thông tiếp thị vô cùng phong phú, gồm: quảng cáo, tổ chức sự kiện… Đặc biệt hiện nay sức mạnh của công nghệ đang giúp cho các hoạt động này trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc sáng tạo nội dung truyền thông chính là quá trình giúp tạo nên những thông điệp, hình ảnh đầy nhân văn cho thương hiệu.

Theo ông Philip Kotler, người được mệnh danh là cha đẻ của ngành Tiếp thị hiện đại, marketing xã hội có thể được hiểu là việc truyền bá hình mẫu cuộc sống, giúp con người sống tốt hơn (thí dụ: Sống khỏe mạnh hơn khi tiêu thụ thực phẩm an toàn, thể thao lành mạnh,...) hoặc tuyên truyền giúp con người từ bỏ các thói quen có hại cho bản thân và mọi người chung quanh (thói quen hút thuốc lá, hoặc sử dụng các chất kích thích độc hại…). Người làm nội dung truyền thông không chỉ cần sáng tạo những content cuốn hút, những hình ảnh đẹp, những bài hát hay, tổ chức sự kiện thật vui… mà còn cần có một vốn hiểu biết dày dặn về xã hội, để đưa ra các nội dung thật sự hữu ích và nhân văn. Thương hiệu tạo được cảm xúc tốt và sự tin cậy sẽ được yêu mến lâu dài.

Cửa hàng to đẹp, nhân viên khéo léo và ân cần, sản phẩm bắt mắt, quy trình mua bán tiện lợi, chương trình ưu đãi hấp dẫn... Đó có thể là những yếu tố giúp việc bán hàng thuận lợi, cũng chính là những "điểm chạm" quan trọng sẽ xuất hiện ngay sau khi thương hiệu thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Tại những "điểm chạm" ấy, thương hiệu có cơ hội lớn để thể hiện thành ý đóng góp cho những hoạt động nhân văn. Đó là khi bạn chọn thể hiện thương hiệu trên nhãn mác, bao bì bằng chất liệu thân thiện với môi trường hơn, chọn trang trí cửa hàng thông minh giúp tiết kiệm năng lượng hơn. Đó là khi bạn có một chương trình ưu đãi giúp gắn kết thương hiệu với một hoạt động xã hội tốt đẹp.

Khi thương hiệu đã mở được "cánh cửa trái tim" của khách hàng nhờ truyền thông, nhờ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ làm hài lòng họ, là lúc xuất hiện thêm rất nhiều "điểm chạm" quan trọng. Bởi, sự đồng hành lâu dài của khách hàng với thương hiệu chính là điều chắc chắn các doanh nghiệp phát triển bền vững đều hướng tới.

Một lá thư cảm ơn, lời nhắn chúc mừng năm mới, những cuộc khảo sát về sản phẩm, dịch vụ… đều là cơ hội để thương hiệu truyền tải những thông điệp tốt đẹp tới khách hàng. Toàn bộ trải nghiệm khách hàng xuyên suốt từ "điểm chạm" đầu tiên với thương hiệu cho đến những "điểm chạm" ở giai đoạn chăm sóc khách hàng, sẽ mang lại vô số cơ hội cho thương hiệu ở lại trong lòng khách hàng lâu hơn, bền vững hơn.

MỘT thương hiệu nhân văn như một người tốt làm những việc tử tế sẽ "đại diện" toàn bộ đơn vị cũng như cả bộ máy tạo ra nó, thậm chí có thể "thay mặt" cho các khách hàng yêu mến thương hiệu đó, để đóng góp những điều tử tế và cao đẹp cho xã hội.