Để thị trường sách giáo khoa cạnh tranh lành mạnh

Dù còn gần năm tháng nữa mới chính thức bước vào năm học mới 2024-2025, cũng là năm học hoàn chỉnh triển khai Chương trình và sách giáo khoa Giáo dục phổ thông 2018 với những lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12), song ngay thời điểm này, thị trường sách giáo khoa đã rất sôi động. Định giá sách và phương thức cạnh tranh tiếp tục là hai chủ đề nóng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đang được triển khai trên thực tế, song còn nhiều bất cập.
Chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đang được triển khai trên thực tế, song còn nhiều bất cập.

Đây là câu chuyện không mới nhưng chưa khi nào hết nóng, nhất là đến hẹn lại lên, tình trạng chậm, thiếu hoặc tăng giá sách bất hợp lý vẫn xảy ra làm đau đầu các bậc cha mẹ học sinh và người học.

TẠI một cuộc tọa đàm mới đây, đề cập vấn đề "định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào", chia sẻ ở góc nhìn người trong cuộc, PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phân tích: Trong những chi phí Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát để giảm giá sách trong năm nay, có hai chi phí quan trọng. Thứ nhất là chi phí tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế (sản lượng phát hành thực tế này lớn hơn sản lượng dự kiến), nên chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống. Thứ hai là chi phí khâu lưu thông tiếp tục được Nhà xuất bản tiết giảm theo hướng giảm chi phí bán hàng và chi phí phát hành thêm 2,5%.

Cùng thời điểm năm ngoái, đơn vị này cũng đưa ra thông cáo báo chí, khẳng định: "Giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thấp hơn trung bình 20% so giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác".

Theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân cuối tuần, nhiều cơ sở giáo dục, trường học mới đây đã nhận được hồ sơ "chào hàng", trong đó kèm Bảng so sánh giá sách giáo khoa năm học 2024-2025, kê chi tiết tỷ lệ chênh lệch, so sánh cụ thể từng đầu mục, minh chứng giá sách bộ Cánh diều có nhiều sách cao hơn bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

GS, TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từng thẳng thắn: "Tôi biết là giai đoạn đầu bộ sách Cánh diều là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất trong năm bộ sách giáo khoa. Nhưng tôi cũng được biết là có những chuyện không được hay lắm trong cạnh tranh. Nhiều tỉnh, thành phố đã đảo ngược kết quả lựa chọn của cơ sở, làm giảm tỷ lệ chọn Cánh diều".

Từ góc độ những người làm bộ sách giáo khoa Cánh diều, thông tin được cung cấp cho thấy, sau thời gian được đưa vào giảng dạy cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bộ sách được khoảng 28.000 trường học tin dùng và nhận được nhiều phản hồi khác nhau từ giáo viên cả nước.

Lý giải với phóng viên Nhân Dân cuối tuần về giá sách thế nào là hợp lý, Tổng chủ biên - GS, TS Nguyễn Minh Thuyết lập luận, "giá sách giáo khoa so chi phí đầu vào sản xuất hiện giờ là không cao, khi theo thị trường, phần lớn các mặt hàng đều tăng giá. Càng không thể so sánh giá sách cũ với sách giáo khoa mới được".

Để cạnh tranh, các Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam mới đây cũng ra thông báo giảm 20% giá bìa bộ sách Cánh diều đối với Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc đơn vị, cá nhân mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Đồng thời, đơn vị phát hành sách cũng công bố hệ sinh thái Cánh diều hỗ trợ cho giáo viên và học sinh sử dụng miễn phí hơn 400 đầu sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, hơn 2.000 kế hoạch bài dạy để giáo viên tham khảo; ngân hàng hơn 4.000 câu hỏi theo chương trình học; sách được số hóa 70.000 hình ảnh, 4.000 audio, 1.200 video minh họa - bộ công cụ dạy học tiện lợi, giáo viên và học sinh có thể làm bài tập trực tiếp trên sách điện tử.

Nêu quan điểm về vấn đề định giá sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, để mỗi năm học đến, ngành giáo dục không phải đối mặt với nhiều dư luận xã hội về giá sách, "chúng ta dần hướng tới việc không bị chi phối nhiều bởi việc giá sách giáo khoa cao hay thấp mà chuyển sang quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sách có bảo đảm để thực hiện mục tiêu đổi mới hay không".

Ở phía người dạy, cô Vũ Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Phú Cường, TP Hưng Yên (Hưng Yên) cho rằng: "Chúng tôi ưu tiên chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn sách. Song giá sách cũng là yếu tố cần được xem xét trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh".

DỰ thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, chương trình còn có điểm chưa hợp lý, phải điều chỉnh; việc thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa còn một số bất cập, nhất là vấn đề về giá sách giáo khoa, cung ứng sách giáo khoa.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2023, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, các tổ chức sản xuất kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức giá do Bộ quy định.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ xây dựng một hướng dẫn thực hiện quy định về định giá của Bộ để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản, trên cơ sở đó định ra giá sách giáo khoa của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại sách giáo khoa đó. Đây là một nhiệm vụ nặng nề bởi việc phải làm thế nào để kiểm soát được giá sách giáo khoa, hướng đến đa mục tiêu, bảo đảm nhu cầu cho người học và phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản phát hành sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".