Miền Tây quay quắt KHÁT

Tiền Giang - tỉnh đầu tiên ở miền Tây vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước. Những ngày cao điểm mùa khô, hạn mặn bủa vây này, người dân của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân hứng nước tại một điểm cho nước ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Người dân hứng nước tại một điểm cho nước ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Là tâm điểm của tình trạng thiếu nước ngọt do nhiều nhà máy cung cấp nước bị nhiễm mặn, ngày 5/4, tỉnh Tiền Giang, đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện cù lao Tân Phú Đông.

Khốn khổ vì thiếu nước

Hiện có hơn 44.000 người đang thiếu nước ngọt sử dụng với nhu cầu tương đương 10.270 m3/ngày đêm, trong khi nguồn tự cung cấp của huyện Tân Phú Đông chỉ là 2.500 m3/ngày đêm.

Ngoài Tân Phú Đông, hàng nghìn hộ dân ở huyện Gò Công Đông cũng đang trong tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều người phải thức đêm, xếp hàng nhận nước ngọt từ các xe bồn cung cấp miễn phí mỗi ngày. Tại các xã Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước từ sáng đến tối, ở các điểm lấy nước công cộng người dân xếp hàng dài để chờ lấy nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, đặc điểm của huyện Gò Công Đông và một phần thị xã Gò Công là khoan giếng không có nước ngọt. Do đó, tỉnh đã đầu tư Nhà máy nước BOO Đồng Tâm kéo nước ngọt về khu vực này. Do hệ thống ống nước chưa đều khắp khu vực nên hằng năm, khu vực này thường xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Tương tự, tại Cà Mau, nhiều kênh rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, nước dự trữ trong các ao mương cũng dần hết nên việc thiếu nước sinh hoạt đang là nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến 2.620 hộ gia đình tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh thiếu nước, không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau, địa phương đã chuẩn bị kế hoạch, giải pháp ứng phó tình trạng thiếu nước ngọt và hạn hán đang diễn ra gay gắt. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã thống nhất sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để mua dụng cụ chứa nước hỗ trợ người dân khó khăn, nối dài đường ống và xây dựng các trạm cấp nước. Những khu vực có trạm cấp nước thì cấp luân phiên cho người dân để bảo đảm tất cả đều có nước ngọt sinh hoạt. Những nơi không có trạm cấp nước thì bơm nước vào bồn rồi đặt tại các nhà văn hóa ấp, xã để người dân đến lấy về phục vụ sinh hoạt.

Ngoài sự chủ động của các đơn vị cấp nước, người dân ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tranh thủ khi con nước ròng lấy nước ngọt trên các sông, kênh rạch tích trữ bổ sung vào các ao, mương, lu, khạp. Ông Vu Suổi ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi vẫn được bảo đảm thông qua hệ thống ống cấp nước sạch của cơ quan chức năng và các bồn lưu chứa nước tôi đã chuẩn bị từ trước. Tôi đang tranh thủ khi con nước ròng lấy nước bổ sung vào các mương và bồn để tích trữ bảo đảm phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng như tưới mát cho cây trồng".

Giải pháp nào vượt qua mùa hạn mặn?

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như không mưa. Cũng từ tháng 12/2023 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn.

Dự báo từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện ba đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13/4, từ ngày 22 đến 28/4 và từ ngày 7 đến 11/5/2024).

Thiếu nước do hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo ước tính mỗi năm mức độ sụt lún ở khu vực này từ 0,5cm đến 3cm, trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm, dẫn đến ngập nước, ô nhiễm khó kiểm soát. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng đặt câu hỏi: "Khai thác nước ngầm khiến đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng lún, có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Vậy sau này lấy nước ngọt ở đâu là vấn đề nan giải?". Theo ông Nam, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng với việc xây dựng một số mô hình trữ nước cộng đồng cho từng hộ gia đình, cụm dân cư có sẵn như ao, hồ,… thì vấn đề cần quan tâm hiện nay là đầu tư công nghệ xử lý nước bảo đảm đạt chuẩn. Đây là giải pháp về lâu dài để có nguồn nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân châu thổ Cửu Long. "Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách trung ương và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo", ông Nam đề nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hạn mặn và phèn đang gây ra một nghịch lý ở Đồng bằng sông Cửu Long đó là sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Khoảng 18.000 - 19.000 giếng khoan khắp đồng bằng hiện nay đã khiến cho nước mặn ngấm xuống tầng nước ngầm, nước ngầm không còn là của để dành. Câu hỏi khó là mặn bao lâu, độ mặn thế nào, cần phải có những tính toán tổng thể để bảo đảm cung cấp nước cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.