Hài hòa trong chính sách tăng lương

Chính sách cải cách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 sắp tới sẽ có tác động đến hàng chục triệu người lao động. Đặc biệt, nhiều người hưởng lương hưu hồi hộp chờ đợi sự quyết định của cơ quan chức năng, bởi thực tế đang có hai luồng ý kiến, tăng lương hưu ở mức 8% hay 15%.
0:00 / 0:00
0:00
Người nghỉ hưu mong mỏi mức lương tăng thêm có thể bù trượt giá. Ảnh: THU HIỀN
Người nghỉ hưu mong mỏi mức lương tăng thêm có thể bù trượt giá. Ảnh: THU HIỀN

Còn nhiều ý kiến

Thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, từ ngày 1/7/2024 tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung viện dẫn, Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ ra, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau cải cách.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại đề xuất mức tăng 8%, bởi điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi. Cùng với đó, Bộ Tài chính cho biết, ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước năm 2024 tăng thêm so dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024. Cụ thể, mức dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa là 7.430 tỷ đồng, với mức chi theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng kinh phí là... 17.276 tỷ đồng.

Trước hai luồng ý kiến này, rất nhiều người nghỉ hưu ở thời điểm cải cách tiền lương mong mỏi mức lương nên bằng một nửa mức tăng của công chức, viên chức. Ông Đặng Văn Hiệp, cán bộ hưu trí ở phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, trong khi mức tăng bình quân của cán bộ, công chức, viên chức là khoảng 30%, thì mức tăng cho người nghỉ hưu phải ở mức 15% mới tương đối cân bằng nếu chưa nói là còn thấp, đồng thời mức đó mới chỉ đủ bù trượt giá.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội nêu quan điểm, mức đề xuất tăng lương hưu 15% là hợp lý. Người đang hưởng lương hưu thấp sẽ muốn mức tăng nhiều hơn. Nhưng mức tăng phải phù hợp khi cân đối trong khả năng của ngân sách. "Khi điều chỉnh lương hưu ở mức 8% thì việc cải thiện đời sống của người nghỉ hưu không được nhiều. Nếu Bộ Tài chính cho rằng mức tăng này sẽ dẫn đến việc vượt khả năng cân đối của ngân sách thì có thể giảm ở mức phù hợp từ 11-13%", ông Huân bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, phân tích thêm: Tăng lương hưu từ ngày 1/7 tới các cơ quan chức năng phải đặt trong mối quan hệ với mức lương thấp nhất của công chức, viên chức và tính toán vấn đề cân đối nguồn ngân sách và quỹ bảo hiểm xã hội. Mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1.800.000 đồng. Sắp tới sẽ bỏ mức lương cơ sở, theo đó có thể tính lương hưu thấp nhất bằng lương tối thiểu bình quân bốn vùng. Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh 8% là rất thấp, không bằng mức lương tối thiểu bình quân của bốn vùng hiện nay.

Cần sự tính toán hợp lý

Trước hai luồng ý kiến về vấn đề tăng lương hưu, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện cải cách tiền lương khu vực công sẽ tác động trực tiếp đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên tại thời điểm ngày 1/7/2024, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Giáo dục, Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn hiệu lực, chưa có văn bản thay thế. Do đó, để bảo đảm tính pháp lý, thống nhất trong thực hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, đưa ra phương án hợp lý nhất.

Nhiều năm nghiên cứu vấn đề an sinh xã hội, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, tiền lương phải đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và phải bù được trượt giá. Việc tăng trưởng kinh tế là sự đóng góp của cả một thế hệ. Nền kinh tế phát triển thì người dân, kể cả người đang làm, đang cống hiến và người hưởng lương hưu đều phải được hưởng lợi. "Tôi đề xuất mức tăng lương cho người về hưu khoảng 10-15% là hợp lý", TS Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

Còn đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, cần xây dựng chính sách để người lao động có thêm niềm tin, bảo đảm mức sống khi về hưu, ổn định an sinh xã hội, giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tăng lương nói chung là một việc làm nhân văn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với đời sống của người dân và bảo đảm an sinh xã hội. Việc tăng lương hưu để cải thiện đời sống cho người nghỉ hưu phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ở góc độ vĩ mô là việc làm sao để Quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư sinh lời được nhiều hơn, nền kinh tế tăng trưởng, như vậy mới có điều kiện tăng lương hưu cho mọi người dân.