Hà Nội

Giải bài toán hạ tầng tháo gỡ ùn tắc giao thông

Theo "Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20-26% cho đô thị trung tâm. Để quy hoạch đi vào đời sống, đòi hỏi nỗ lực cao độ của các cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội kiên trì các giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: SƠN LÊ
Hà Nội kiên trì các giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: SƠN LÊ

Ùn tắc giao thông trong đô thị chỉ là phần ngọn của vấn đề, cái gốc nằm ở việc quy hoạch và phát triển đô thị, bao gồm việc bố trí dân cư tại mỗi khu vực trong thành phố, quy hoạch mạng lưới giao thông, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, bãi đỗ xe, công viên…

Những nghịch lý dai dẳng

Theo nhận định của TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng ùn tắc kéo dài là do số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi hạ tầng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu người dân; tỷ lệ quỹ đất cho giao thông ở Hà Nội trong nhiều năm chỉ khoảng 8% và gần đây lên được 10% diện tích đất đô thị, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, trong khi tỷ lệ phương tiện cơ giới chưa tính vãng lai đã ở mức xấp xỉ 750 xe/1.000 dân.

Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, ùn tắc giao thông còn do ý thức người tham gia giao thông chưa được nâng cao, quy hoạch đô thị và bố trí dân cư chưa hợp lý; nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt đường; các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế. Đó là chưa kể đến quá trình ô-tô hóa đang diễn ra nhanh chóng. Một ô-tô chiếm dụng mặt đường cao gấp năm đến tám lần một xe máy. Rất nhiều khu vực ô-tô cá nhân chiếm gần hết lòng đường, làm cho mức độ ùn tắc càng trở nên trầm trọng.

Những năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp, chống ùn tắc giao thông như: phân làn, xóa các điểm đen ùn tắc; xén dải phân cách, mở rộng lòng đường; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; quy hoạch xây dựng đường vành đai 3; cầu vượt, hầm chui; vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cuối năm 2021; tăng mật độ mạng lưới và chất lượng dịch vụ xe buýt, nâng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng từ khoảng 10% (năm 2018) lên hơn 18% (năm 2023), đang xúc tiến xây dựng đường vành đai 4,… Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, việc thực hiện các giải pháp hợp lý, song tốc độ triển khai vẫn chậm, nguồn vốn có hạn nên hiệu quả của các giải pháp chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Quyết liệt kéo giảm mật độ dân cư khu vực trung tâm

Trở lại với "Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh được xác định đạt 3-4%; tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50-55% tổng nhu cầu đi lại và sau năm 2030 đạt 60-70% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, nhưng làm sao để triển khai lại là câu hỏi hóc búa.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: "Bây giờ, mật độ nhà cửa ở khu vực trung tâm là dày đặc, để mở rộng, tăng diện tích đất cho giao thông chỉ có mỗi cách là phải kéo giảm mật độ nhà, hạn chế xây chung cư trong trung tâm. Điều này chúng ta đã biết từ nhiều năm, song chưa giải quyết được".

Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh chỉ ra thực tế: "Thời gian qua, việc chấp hành quy định di chuyển các trường học, cơ quan bộ ra khỏi nội đô chưa cao. Thêm nữa, không ít nhà máy trước đây đã buộc phải di dời khỏi nội đô, nhưng lại để chung cư chen vào đó, điều ấy càng làm tăng số dân, tăng áp lực cho giao thông vùng lõi. Nếu cơ quan chức năng thành phố không bền bỉ với các mục tiêu, các giải pháp được cho là hợp lý, thì chưa biết bao giờ tình trạng ùn tắc mới được giải quyết".

Bàn về giải pháp lâu dài, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng phục vụ hiệu quả; phấn đấu phục vụ 21,5-23% nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, phải tiếp tục trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng tiên tiến và thân thiện môi trường...

Rõ ràng, bài toán giảm ùn tắc giao thông ở thành phố khoảng 10 triệu dân như ở Hà Nội chưa bao giờ dễ dàng. Do vậy, rất cần sự quyết tâm của bộ máy quản lý cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm phát triển đúng hướng, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại.

Hà Nội xác định sẽ kiên trì phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, ưu tiên cho đường sắt đô thị. Điều này sẽ được luật hóa trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).