Mục tiêu nào cho bước phát triển mới?

Ngành giáo dục và đào tạo đang xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045" và tổ chức lấy ý kiến thảo luận, góp ý. Nhiều băn khoăn, đề xuất và yêu cầu mới đã được ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo dục và đào tạo cần những chiến lược dài hạn. Ảnh: HẠ AN
Giáo dục và đào tạo cần những chiến lược dài hạn. Ảnh: HẠ AN

MỚI đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Tọa đàm khoa học về "Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá". Bên cạnh những ý kiến khẳng định, ghi nhận những kết quả đạt được, còn có nhiều băn khoăn và cả những đề xuất, yêu cầu mới. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, một số vấn đề cần quan tâm toàn diện, đó là diễn biến chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, các thành phố lớn, khu vực thành thị với nông thôn, giữa các nhóm thí sinh, làm sao để học sinh phát triển tư duy sáng tạo và đổi mới, tránh việc học tập thụ động. Ông cũng đề nghị, phải chấn chỉnh nạn học giả, bằng giả; phải tham mưu, có tiếng nói để tránh tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho học sinh. Bên cạnh đó, cần quan tâm chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; làm thế nào cho nền giáo dục nước nhà phát triển, hội nhập, đạt trình độ quốc tế. Cùng đó, ông cũng nêu đề xuất, về chất lượng đào tạo, làm sao để bảo đảm không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, mà còn phù hợp xu hướng phát triển của xã hội; khuyến khích sự đa dạng trong cơ hội học tập; làm thế nào để hội nhập công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập; đẩy mạnh khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo, khám phá và giải quyết những vấn đề trong học tập,...

Trước đó, những nội dung trên cũng đã được không ít các chuyên gia, nhà giáo, đại biểu Quốc hội đề cập trong các phát biểu, cho ý kiến về dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045" đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Theo nội dung Dự thảo, Chiến lược xác định 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là: Phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

CŨNG như hơn 10 năm trước và trong từng giai đoạn, ngành giáo dục đã luôn vạch ra những kế hoạch, tầm nhìn, song vẫn còn đó không ít những bất cập, chưa kể trên thực tế, nhiều mục tiêu đặt ra, đến hạn đã không đạt được. Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải chung sức, chung trách nhiệm. Bởi vậy, thời gian tới, để thực hiện được những mục tiêu trên, cần bảo đảm cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, thực chất; cùng đó, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Với giáo dục-đào tạo, chúng ta cần những chiến lược mới, phù hợp thực tiễn, song cần có những bước đi được nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng, không thể nóng vội và duy ý chí! ■