Bay qua rào cản trên đôi cánh công nghệ

Tính đến tháng 4/2023, Việt Nam có hơn bảy triệu người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm đến 28,9%. Thực tế này đang đặt ra một thách thức không nhỏ đối với xã hội và Nhà nước, về nhu cầu bức thiết cải thiện hệ thống hạ tầng bảo đảm thân thiện, khả năng tiếp cận công bằng và toàn diện, cho bất cứ ai.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ được trải nghiệm thiết bị gõ chữ nổi hiện đại. Ảnh: MSD Việt Nam
Các em nhỏ được trải nghiệm thiết bị gõ chữ nổi hiện đại. Ảnh: MSD Việt Nam

Thực trạng đầy thách thức

Hiện nay, ở Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện với người khuyết tật còn chưa được kiện toàn. Do đó, rất khó có thể hướng đến giải quyết nhu cầu giải trí, dịch vụ cho người khuyết tật. Trên thực tế, 90% số các công trình lớn sau khi có bộ quy chuẩn xây dựng vẫn không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho người khuyết tật. Đơn cử, theo báo cáo được công bố của Sở Xây dựng Hà Nội tại buổi Tọa đàm Tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng với người khuyết tật: Thực trạng và giải pháp, những chặng đường dốc cho người khuyết tật ở các nơi công cộng vẫn chưa bảo đảm, tạo nên vô cùng nhiều nguy cơ "tai nạn" bất ngờ, như lật xe lăn, hay đâm vào gốc cây, cột điện.

Cũng tại buổi tọa đàm này, Trưởng phòng Kỹ thuật hạ tầng thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Vũ Quý Kiên cho biết: Rất ít công trình công cộng phục vụ cho việc đi lại của người khuyết tật được thi công bảo đảm tính tiếp cận.

Các nỗ lực từ cộng đồng

Mua sắm cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người, bao gồm cả người khuyết tật. Doanh nghiệp start-up LBS Tech đến từ Hàn Quốc, một công ty phát triển các ứng dụng thành phố thông minh cho người khiếm thị, đã phối hợp với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Trung tâm vì người mù Sao Mai và Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để thực hiện thí điểm hệ thống tiếp cận mua sắm cho người khiếm thị - cửa hàng thân thiện với người khuyết tật. Các cửa hàng đó đều sử dụng G-EYE+, là ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khiếm thị đặt hàng trên điện thoại. Sau đó, đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến người bán hàng.

Cụ thể, lần đầu vào năm 2022, đã có sáu cửa hàng lắp đặt và thử nghiệm hệ thống, 45 người khiếm thị đã được trải nghiệm mua sắm thú vị này. Đến năm 2023, LBS Tech tiếp tục phối hợp cùng doanh nghiệp xã hội MSD United Way Vietnam mở rộng quy mô, hỗ trợ 24 người khuyết tật trải nghiệm tại 22 cửa hàng thân thiện với người khuyết tật trên địa bàn Quận 1, 3 và 5, Thành phố Hồ Chí Minh, với sản phẩm đặt hàng và dẫn đường dành cho người khiếm thị. Các cửa hàng được chứng nhận thân thiện với người khuyết tật ghi nhận doanh thu tăng đáng kể, sau 137 lượt trải nghiệm.

Hơn thế, cửa hàng thân thiện với người khuyết tật chỉ là một hợp phần trong chuỗi Dự án Giải pháp tương lai Shinhan, được tài trợ bởi Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan, điều phối bởi MSD Việt Nam - về ứng dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp xuyên biên giới, giúp công dân kết nối với các nguồn lực sẵn có và cơ hội mới để thành công trong tương lai. Dự án hỗ trợ các nhóm cộng đồng yếm thế khác nhau tại Việt Nam, qua ba mô hình: Thúc đẩy đào tạo nghề và việc làm chất lượng; Thành phố thông minh không rào cản cho mọi người; Môi trường và sức khỏe cộng đồng bền vững. Dự án Cửa hàng thân thiện với người khuyết tật nằm trong mô hình Thành phố thông minh không rào cản cho mọi người.

Chuỗi dự án còn có sự tham gia của start-up Overflow, công ty chuyên phát triển và sản xuất các thiết bị và phần mềm hỗ trợ người khiếm thị. Overflow được MSD Việt Nam kết nối và làm việc cùng Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), để cung cấp giải pháp Flowy - kính lúp kỹ thuật số hiện đại hỗ trợ người khiếm thị. Bên cạnh đó là start-up Rivo, công ty phát triển sản phẩm bàn phím thông minh kết nối bluetooth dành cho người khiếm thị. Họ sẽ phối hợp cùng ba tổ chức Vietnam and Friends, Hội Người mù thành phố Hà Nội và Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cung cấp bàn phím thông minh Rivo2 cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Lê Vũ Hồng Minh – Giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt của các tổ chức xã hội, viện, trường và các doanh nghiệp khởi nghiệp để phát triển các sản phẩm và ứng dụng đổi mới sáng tạo cho người khuyết tật. Tuy nhiên, khi tiến trình kết nối thông qua công nghệ đã và đang được thúc đẩy, chính những người khuyết tật như chúng tôi cũng phải tự gỡ bỏ các rào cản đến từ chính bản thân mình".

Cũng cần nhắc lại, các biện pháp công nghệ chỉ có thể phát huy hiệu quả, khi việc tiếp cận giao thông, các công trình công cộng cho người khuyết tật trở nên thân thiện hơn. Ông Vũ Quý Kiên đề xuất: Muốn giải quyết được vấn đề này, các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và quyết liệt bắt tay hành động.

Đại diện MSD Việt Nam cũng đồng tình: Các công trình mới cần được bảo đảm và cải tạo tuân thủ đúng quy chuẩn thân thiện dễ tiếp cận với người khuyết tật. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Quan trọng hơn hết là việc giáo dục, tăng cường nhận thức cho tất cả mọi người về quyền lợi của người khuyết tật, nhằm bảo đảm một môi trường sống bình đẳng và dễ tiếp cận hơn, cho mọi người.