Viện phí mới "tính đúng, tính đủ"

Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế, với hướng tính đúng, tính đủ, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với viện phí tính đúng tính đủ, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn lực để nâng cao dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật cho người bệnh bằng robot. Nguồn: Bệnh viện Bình Dân
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật cho người bệnh bằng robot. Nguồn: Bệnh viện Bình Dân

10.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá

Tại Hội nghị giám đốc các bệnh viện khu vực phía bắc mới đây, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích bốn yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế mới sắp tới.

Theo đó, dịch vụ y tế có: Chi phí nhân công gồm tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định; chi phí trực tiếp gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh. "Chi phí quản lý là yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế vừa được đưa thêm vào giá viện phí, theo hướng tiến đến tính đúng tính đủ giá dịch vụ. Trong chi phí quản lý có cả phần chi cho công nghệ thông tin trước đây chưa được tính", đại diện Cục Quản lý giá thông tin.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, việc định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo đảm các nguyên tắc: Bù đắp chi phí thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp quy định; hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh. Đồng thời, rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh có ba loại, gồm: Các dịch vụ do bảo hiểm y tế thanh toán; do ngân sách nhà nước thanh toán; và dịch vụ y tế không do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Hiện nay, theo Bộ Y tế, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, mới chỉ gồm các yếu tố là thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp... Trước đó, theo văn bản của Bộ Y tế phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành đối với lộ trình điều chỉnh giá khám, chữa bệnh, nếu tính chi phí khấu hao trang thiết bị y tế, tài sản thì giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng cao.

Cần hài hòa khả năng chi trả của người dân

Theo các chuyên gia, việc ban hành giá theo hướng tính đúng tính đủ là hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể áp theo quy định nhằm tính giá viện phí, đặc biệt là giá dịch vụ và khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Khi viện phí được tính đúng tính đủ, người bệnh cũng sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay. Viện phí tính đúng, tính đủ vì thế sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.

Theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nếu viện phí được tính đúng tính đủ chắc chắn sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ do bệnh viện có nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và đãi ngộ y, bác sĩ. Đương nhiên, do khả năng cân đối của quỹ và chi trả của người dân, việc điều chỉnh này sẽ có lộ trình. Trong cơ cấu viện phí sắp tới sẽ có phần đầu tư cho công nghệ thông tin của các bệnh viện. "Đầu tư cho công nghệ thông tin tốt hơn sẽ quản lý khám, chữa bệnh tốt hơn, thuận lợi cho người bệnh, liên thông giữa các cơ sở y tế sẽ liên thông được kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, tiết kiệm được chi phí. Dữ liệu bệnh viện tốt hơn cũng có thể kết nối được với cơ sở y tế ở nước ngoài để nâng chất lượng điều trị", ông Cơ chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, cần phải hiểu tính đúng tính đủ không phải là tăng thêm viện phí. Đây thực chất là điều chỉnh chi phí viện phí cho hợp lý với các khoản chi phí mà bệnh viện bỏ ra để duy trì hoạt động nhưng chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Theo ông Việt, việc xây dựng lại danh mục giá mới cho 10.000 dịch vụ y tế của Bộ Y tế là điều mong chờ, song cần lưu ý các cấu phần tạo ra giá này vẫn chưa mang tính chất đầy đủ. Cần phải có quy định chuẩn về cách tính phí mới có thể xây dựng cơ cấu giá phù hợp cho các loại dịch vụ.

Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội bày tỏ băn khoăn, với những khu vực thành phố được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn nếu tính đủ chi phí thì viện phí sẽ rất cao. Vì vậy, cần tính toán kỹ và có những quy định cụ thể và khung giá cho các vùng miền. Tuy nhiên, vẫn phải chờ chi tiết hướng dẫn quy định, cách xây dựng giá mới có căn cứ để thực hiện và từng bước khắc phục nếu gặp vướng mắc.

Hơn bao giờ hết, việc điều chỉnh viện phí đòi hỏi phải cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ.

Từ ngày 1/7/2024, các cơ sở y tế phải thực hiện công khai thông tin về giá dịch vụ y tế tại đơn vị mình trên trang điện tử (nếu có) hoặc hình thức thích hợp và cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập tự quyết định giá dịch vụ khám, chữa theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ theo yêu cầu. Cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.