Tỉnh táo trong lựa chọn!

Dù chưa kết thúc năm học, ồ ạt các bài quảng cáo trại hè cho trẻ đã xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội, các hội nhóm của cha mẹ học sinh. Điều đáng lo ngại, đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo liên quan đến các hoạt động sinh hoạt hè!
0:00 / 0:00
0:00
Cứ mỗi dịp hè Đoàn Thanh niên sẽ tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ trên địa bàn. Ảnh: Đoàn Thanh niên tỉnh Đắk Nông
Cứ mỗi dịp hè Đoàn Thanh niên sẽ tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ trên địa bàn. Ảnh: Đoàn Thanh niên tỉnh Đắk Nông

Chiêu thức mới

Đầu tháng 4 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác (như Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...) đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới, các nhóm tội phạm sử dụng hình ảnh của công an, quân đội, hãng hàng không để quảng cáo, tư vấn các khóa trại hè.

Các tài khoản lừa đảo đội lốt Trại hè kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân; Trại hè Học kỳ Quân đội; Trại hè hướng nghiệp hàng không;... với giao diện, thông tin về địa chỉ, số điện thoại gần giống với thông tin của các cơ quan chức năng trên toàn quốc, thậm chí trong phần mô tả có đính kèm đường link dẫn tới trang web chính thức. Thấy hình ảnh và các thông tin "uy tín" như vậy, không ít phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia chương trình. Khi đó, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển cho học viên, cùng số điện thoại tư vấn, để điều hướng người tham gia sang nền tảng khác nhằm tránh bị truy vết. Khi đã đăng ký đầy đủ thông tin, chúng lại yêu cầu phụ huynh đóng tiền tạm ứng cho khóa học. Hệ quả, các nạn nhân không chỉ mất tiền vì khóa học ảo, mà còn lộ lọt thông tin cá nhân.

Điều đáng nói, các trang mạng giả mạo này được đầu tư, thiết kế công phu, chạy quảng cáo liên tục, thường xuyên xuất hiện, khiến các bậc phụ huynh khó lòng phòng bị.

Nắm được tình hình, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số khuyến nghị với người dân, khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp để yêu cầu về việc cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh về tính hợp pháp của đơn vị và việc được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.

Nhận được những cảnh báo này, chị Nguyễn Thị Ngọc có con đang là học sinh Trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, càng băn khoăn: "Đúng là khá khó khăn cho phụ huynh khi phải lựa chọn giữa nhiều mời chào, nào lo về giá tiền, nào lo về chất lượng. Nhưng đáng sợ hơn là lo bị sập bẫy lừa, tiền mất đã đành, có khi còn khiến con trẻ trở thành nạn nhân". Kinh nghiệm của chị lúc này là "trước khi quyết định mình thường lên các hội nhóm cha mẹ, để đọc và hỏi mọi người về kinh nghiệm và trải nghiệm của họ!".

Nhưng ngay cả việc cẩn thận hỏi han đó cũng chỉ giải tỏa phần nào tâm lý của các phụ huynh. Còn tồn tại một thực tế, chất lượng của các trại hè hiện nay chưa được kiểm soát. Bạn Trần Khánh Linh (sinh viên mới ra trường, đang sống tại Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của bản thân khi ứng tuyển làm cộng tác viên tại một trung tâm tổ chức trại hè cho trẻ: "Họ phỏng vấn khá qua loa, không yêu cầu bằng cấp, cũng không tổ chức tập huấn hay chuẩn bị mà chỉ hẹn tôi đúng ngày có mặt là lên đường đi với các em!". Thấy khâu tuyển dụng có vấn đề, Linh quyết định từ chối cơ hội công việc dù đã được tuyển.

Cần có bộ lọc giám sát chất lượng

Trước thực trạng này, PGS, TS Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khuyến nghị: "Cần thêm những bộ lọc để giám sát chất lượng các đơn vị tổ chức khóa học, trại hè. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể tìm hiểu kỹ càng và đủ kiến thức để "chấm điểm" các trung tâm, cơ sở giáo dục. Trong khi nhiều nơi có thể vay mượn giáo trình từ nước ngoài về, rồi dán nhãn quốc tế trong khi chất lượng giáo viên, người hướng dẫn lại thả nổi". Trước khi có một thang đo tiêu chuẩn nhất định để phụ huynh có thể đánh giá, lựa chọn các trại hè cho con, biện pháp hiệu quả có thể làm ngay lúc này, đó chính là thiết lập một "mạng lưới" nhiều thành phần để cùng hỗ trợ phụ huynh sàng lọc các trung tâm uy tín.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất: Hãy tham khảo những người quen có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, các giáo viên hoặc cộng đồng đã trải qua dịch vụ của các trung tâm. PGS, TS Trần Thành Nam lưu ý thêm: "Với các trung tâm cung cấp dịch vụ hè cho trẻ em cần được cơ quan chức năng nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát chuyên môn của các hiệp hội nghề nghiệp. Thí dụ, với những nơi có khóa học dạy kỹ năng, tâm lý thì ở nước ngoài luôn có giám sát của hiệp hội xem những người hành nghề đó có vi phạm đạo đức, có nguy cơ gây hại gì cho cộng đồng hay không".

Một lựa chọn nữa cho mùa hè của trẻ chính là tham gia các hoạt động bổ ích ngay tại địa phương do Đoàn Thanh niên tổ chức như: Câu lạc bộ bơi lội, Câu lạc bộ đọc sách,...