Áp lực từ bài toán dân số

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 1/12/2023, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,3 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm hơn 12% dân số. Với tốc độ già hóa dân số như vậy, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng sống người dân đang là mục tiêu cần sớm có giải pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cần thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cần thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện 49 chương trình, đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Theo đó, tại chỉ tiêu phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại thành phố giai đoạn 2021-2030, chỉ tiêu chung đến năm 2025, tuổi thọ trung bình người dân thành phố là 76,8 (năm 2020 là 76,6 tuổi, năm 2023 là 76,5 tuổi).

Tuổi thọ cao nhưng chất lượng sống chưa cao

ThS Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn gia tăng với tốc độ khá nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 1/12/2023, thành phố có hơn 1,3 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm hơn 12% dân số. Trong đó, thành phố Thủ Đức là địa phương có số người cao tuổi nhiều nhất là 127.019 người... với tuổi thọ bình quân là 76,5 (cao hơn so cả nước là 73,7).

Ông Trung cho biết, mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình tăng là nguyên nhân khiến Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người hơn 60 tuổi dao động từ 10-20% được gọi là già hóa dân số, và nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già. Tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay sẽ là thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng được với xu hướng già hóa dân số nhanh. Môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài. Hiện thành phố có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân. Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chỉ hơn 0,5%, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng. Những cơ sở hạ tầng đô thị như lối đi, thang máy, xe buýt... dành cho người cao tuổi cũng chưa được chú ý phát triển.

TS Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù có tuổi thọ trung bình cao nhưng người cao tuổi tại Thành phố vẫn chưa có được chất lượng sống tốt. Nhiều người không có lương hưu hoặc lương hưu thấp khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Người cao tuổi khó kiếm được việc làm phù hợp với sức khỏe, một bộ phận còn phải làm công việc nặng nhọc quá sức so với tuổi như giúp việc nhà, làm công việc tay chân… Chi phí khám chữa bệnh là một gánh nặng mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt.

Kiến nghị, thí điểm và chính sách ưu tiên

Để nâng cao chất lượng sống người dân, thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp, kiến nghị thay đổi về chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho phù hợp với xu hướng già hóa dân số hiện nay.

Điển hình như tại Hà Nội, thành phố có nhiều văn bản, đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với người cao tuổi; chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 29/12/2022 về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi thành phố Hà Nội". Thành phố cũng chỉ đạo các cấp Hội người cao tuổi phối hợp các trung tâm y tế, bệnh viện và các trung tâm chăm sóc người cao tuổi thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe, phấn đấu 100% số người cao tuổi trên địa bàn được khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý sức khỏe.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ThS Phạm Chánh Trung cho biết, sẽ đề xuất mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi, theo các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới. Thành phố sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi, xây dựng các câu lạc bộ... Trong năm 2024, thành phố sẽ khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi để xác định mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, ngành y tế sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.

Cùng đó, các chuyên gia cho rằng, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân. TS Huỳnh Thành Lập đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi với tinh thần phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, phù hợp, thích ứng với già hóa dân số. Cần xem xét xây dựng một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho người cao tuổi, bao gồm cả trợ cấp xã hội và lương hưu cho người cao tuổi. Quan trọng không kém là tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi, nhất là với những người cao tuổi không có lương hưu hoặc lương hưu thấp. Thành phố nên xây dựng một vài cơ sở chăm sóc người cao tuổi kiểu mẫu và dần nhân rộng trong cộng đồng, khuyến khích tư nhân tham gia bằng các chính sách ưu đãi như phí thuê đất, mặt bằng, thuế…

Nhìn rộng hơn, theo quan điểm của TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, từ năm 2024 trở đi, thành phố nên tập trung cải thiện những vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân, và đó cũng chính là môi trường thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong nước, mà cả từ nước ngoài cho phát triển kinh tế. Đó là hạ tầng, môi trường, việc làm, thu nhập... Thành phố nên ưu tiên cho khu vực tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vào hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao song song với các khu đô thị trong tương lai.