Vì sao ở Hà Nội, ông lại in ở Đại học Vinh? Vì đó là ngôi trường đặt trên quê hương ông, ngôi trường mà ông đã làm thầy giáo Khoa Văn từ năm 1959 đến năm 1976 cùng với những thầy giáo nổi tiếng cả nước khác như GS Huỳnh Lý, Lê Bá Hán, Hoàng Tiến Tựu, Lương Duy Thứ… với biết bao kỷ niệm thân ái và đẹp đẽ trong thời gian khổ nhất, trước khi ra dạy Trường ĐH Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội và làm Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giáo dục.
Nguyễn Khắc Phi là chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc, văn học trung đại Việt Nam, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực văn học so sánh ở nước ta.
Tác phẩm của ông không đồ sộ về số lượng nhưng có độ cao vững vàng về chất lượng. Giáo trình Lịch sử văn học Trung Quốc mà ông chủ biên không chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn dạy ở các trường ĐHSP mà còn được học tập trong nhiều trường đại học khác. Mối quan hệ giữa Văn học Việt Nam và Văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh (NXB Giáo dục- 2000) đã được tái bản là cuốn sách yêu thích của các nhà nghiên cứu, là một cẩm nang cho các giáo viên văn học ở bậc cao.
Người hiểu và yêu văn học dân tộc mình một cách sâu sắc, chắc chắn là một người yêu nước. Trong Lời tác giả ở đầu sách Văn học trung đại Việt Nam, tác giả khiêm nhường coi mình “không phải là chuyên gia văn học Việt Nam” và những bài viết ở đây là “có phần trái tay” (theo cách nhìn của giới học thuật, thì “tay phải” của GS Nguyễn Khắc Phi là văn học Trung Quốc, lĩnh vực chuyên môn ông được phân công giảng dạy). Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng, văn học trung đại Việt Nam mới là điều tâm huyết nhất của GS Nguyễn Khắc Phi, và từ điểm nhìn của một người yêu nước, một người có điều kiện so sánh văn học Việt Nam với văn học thế giới, ông là người luôn gợi ra những vấn đề mới trong nghiên cứu văn học trung đại và có những kiến giải sâu sắc về tác giả, tác phẩm.
Văn học trung đại Việt Nam là cuốn sách nghiên cứu và bình luận văn học trung đại Việt Nam ở cấp tác phẩm cụ thể, gắn liền với những tranh luận trong đời sống văn học những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Bởi thế, nó rất cơ bản và rất thời sự, gây hứng thú đặc biệt cho người xem. Ở tác phẩm này, Nguyễn Khắc Phi đã thể hiện được sự kết tinh của nhà nghiên cứu với những cứ liệu phong phú, những luận giải khoa học và nhà nghệ sĩ với những cảm thụ tinh tế, những trang văn giàu tình yêu và cảm xúc. Nó là một thứ trầm đã lên hương của suốt một đời nghiên cứu và giảng dạy văn học; của kiến thức xưa nay, kim cổ rộng lớn.
Cũng nói thêm, sở dĩ GS Nguyễn Khắc Phi có một kiến văn rộng lớn, một lý tưởng công hiến khoa học một cách cao đẹp vì ông sinh ra trong một gia đình đại trí thức. Anh trai ông là học giả Nguyễn Khắc Viện. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, vừa mới đỗ Tiến sĩ xong đã trình lên vua Thành Thái kế sách Tứ tôn châm để trị nước:
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy.
Tạm dịch: Tôn thờ gia tộc, dân tộc ắt hẳn thiên hạ quy về một mối; đề cao bổng lộc, địa vị, coi vật chất trên hết là mối nguy lớn; coi trọng hiền tài, ắt đất nước cường thịnh; chạy theo bọn siểm nịnh thế nào cũng suy vong.
Những phương châm ứng xử nói trên, đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trung thực, liêm khiết, khiêm tốn, tôn thờ nghĩa cả, thẳng thắn, để bảo vệ lẽ phải thì không sợ chết..., đó là truyền thống gia đình họ Nguyễn Khắc.
Để tìm hiểu chữ “đằng lạc” trong bài “Quốc tộ” của Thiền sư Pháp Thuận Quốc tộ như đằng lạc/Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh Nguyễn Khắc Phi đã viện dẫn các trường hợp xuất hiện đằng lạc trong văn học, y học, sinh vật học và quan sát thực tế để khẳng định “đằng” là một cây thân mộc lớn - cây tử đằng chứ không phải là loại dây leo. Từ đó, hiểu câu thơ theo nghĩa: Vận (ngôi) nước thời Lê Đại Hành là tươi sáng chứ không phải rối bời.
Về chữ “vâng” hay “vàng” trong câu Kiều 647-648 Cò kè bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã giá ... ngoài bốn trăm- GS Nguyễn Khắc Phi đã qua thống kê các văn bản Kiều cổ, nguyên tác mà Nguyễn Du dựa vào để viết Truyện Kiều, qua khảo sát chữ Nôm, thông lệ mua bán bằng bạc ngoài đời và trong cả Truyện Kiều để khẳng định đây là chữ “vâng” và giá mua Kiều là hơn bốn trăm lạng bạc chứ không phải vàng! Bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung Quốc của GS Hoàng Dật Cầu và GS Triệu Ngọc Lan đều dịch là “tứ bách lưỡng ngân” - tức 450 lạng bạc. Cho nên GS Nguyễn Khắc Phi khẳng định chữ thứ 5 của câu Kiều 648 là “vâng” Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm. Cái “vâng” này là “đành vâng chịu” vì hoàn cảnh bó buộc, gã họ Mã kia lại biết cách ép giá vì Thúy Kiều “sắc đành đòi một, tài đành họa hai” là “giá đáng nghìn vàng”. GS Phi viết: “Rõ ràng, giá cô Kiều càng thấp - tất là trong giới hạn lựa chọn - thì sức tố cáo trong tác phẩm càng cao và sự thương xót, đồng tình của hậu thế đối với nàng Kiều càng sâu sắc, thấm thía”.
GS Nguyễn Khắc Phi là người viết chết chữ. Nghĩa là ông viết đến vấn đề gì, chữ gì cũng có căn cứ, đi đến tận cùng và có khẳng định chắc chắn. Những bài viết trong tập sách này của ông về các tác phẩm văn học lớn của nước nhà như Nam quốc sơn hà, Chiếu dời đô, Bình Ngô đại cáo, Chinh phụ ngâm, Thơ Bà Huyện Thanh Quan... đều lấp lánh ánh vàng của những phát kiến mới, những gợi mở khoa học.
Chúng ta thường nói tới học tập cha ông. Di sản văn hóa thành văn của chúng ta vô cùng đồ sộ. Nhiều thứ chúng ta đã dịch nhưng trong nhiều tác phẩm, một chữ chúng ta cũng khó hiểu, không hiểu. Không hiểu một chữ thì không thể hiểu cả bài, không hiểu thông điệp người xưa. Lại còn cả kho tàng Hán Nôm nằm trong các kho, trong dân gian chưa được biết đến.
Văn học là bộ phận tinh hoa của văn hóa. Làm sao để có và hiểu được diện mạo đầy đủ của nền văn học Việt Nam để từ đó hiểu và phát huy sức mạnh truyền thống của dân tộc, không chỉ là khát vọng của các nhà nghiên cứu văn học mà cần phải là một ý chí, một quyết tâm chính trị.
Chúng ta phải hiểu rõ cha ông mình, không thể chỉ nhìn thấy hình bóng mờ nhạt và sai lệch. Cuốn sách của GS Nguyễn Khắc Phi Văn học trung đại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả theo hướng đó.