Lả tả bay trên thành phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên.
Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy
Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.
Tôi nhớ, trên lầu 7, dưới một đêm sao trời vằng vặc Nha Trang, một cán bộ du lịch đã mê mệt bài thơ này, liền chạy về nhà đón cả vợ con cùng nghe. Sau đó, mấy ngày liền, anh ta tình nguyện chở anh Trang đi thăm thú những cảnh đẹp của Khánh Hòa, mong anh Trang viết được bài thơ hay về quê hương mình. Nhưng thơ ca đâu có dễ! Tôi không biết anh Trang có bài nào “khả dĩ” về Nha Trang không, nhưng chắc chắn không thể hay bằng Tro tàn quá khứ. Vì đó là gan ruột của anh. Đây là bài thơ tình nhưng tôi cũng cảm nhận đó là bài thơ chính trị. Hồi đó, nhiều người đòi xét lại quá khứ, thậm chí muốn phủ nhận kháng chiến, thờ ơ, lạnh lùng với xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Trong nghiên cứu, cũng có xu hướng phủ nhận hoặc xem nhẹ văn học chống Mỹ.
Bài thơ của Lê Quang Trang đã làm ấm lại tình người, thắp sáng lại quá khứ hào hùng.
“Có những điều đốt mãi chẳng thành tro” - để viết được câu thơ ấy, trước hết, những giá trị của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc chiến đấu mà Lê Quang Trang trực tiếp tham gia, phải không chết trong anh; phải càng ngày càng ngời sáng, thành một tín điều, một sức mạnh để vượt qua những cám dỗ tầm thường, những thử thách nghiệt ngã để sống đẹp ngay cả khi hoàn cảnh chưa tươi sáng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt đến mức, vĩ đại đến mức, dù ai chỉ sống một ngày trong đó cũng không bao giờ quên được. Lê Quang Trang có cả thời sinh viên sơ tán, học đại học dưới tầm bom giặc; đặc biệt, năm 1970, khi ra trường, anh đã xung phong vào Nam, đi bộ dọc Trường Sơn vào tận Nam Bộ để làm báo văn nghệ kháng chiến. Thế thì làm sao mà quên được!
Con đường Trường Sơn, con đường giải phóng ấy, với anh, với thế hệ các anh là cả cuộc đời. Nó là niềm tự hào. Là điểm tựa. Nhưng cũng là những ký ức đau thương. Những vết thương rỉ máu không bao giờ lành... Tất cả những điều ấy đồng hiện khá trọn vẹn trong tập trường ca mới của anh “Trên con đường ấy, Trường Sơn” (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2018).
Thêm một lần, Lê Quang Trang có những câu thơ hào sảng ngợi ca chiến thắng, tri ân các thế hệ chống Mỹ, xây nên tượng đài kỳ vĩ của thế kỷ 20:
Dù các anh các chị ở nơi đâu
Hãy về đây vui cùng đất nước
Trong chiến thắng hào hùng hôm nay
có được
Trên con đường dân tộc đi qua
Có máu xương các anh chị đổ ra
Có nhiều lắm những hy sinh mát mát
Như hạt cát cùng xây nên cột mốc
Thành tượng đài của thế kỷ 20
Để có được tượng đài chiến thắng, con đường Trường Sơn ấy đã đi qua bao nhiêu cái chết. Đây là một cái chết mà Lê Quang Trang đã “chụp ảnh” được:
Có người giữa đường hành quân mệt lả
Tạt ven đường mắc võng nghỉ chân
Định một chút thôi mà thiếp đi luôn
Đồng đội gặp, trên võng là hài cốt!
Trong tập thơ, có rất nhiều những “bức ảnh” có sức gợi nghĩ, xa xót, day dứt như thế.
Và tác giả tự nói với mình, cũng là gửi gắm tới bạn đọc và các thế hệ mai sau:
Nhớ ngày qua lại mong ước bao nhiêu
Thế hệ mới thêm một lần trở lại
Cùng chiêm nghiệm về một thời kỳ diệu
Cùng suy tư trên các nẻo rừng già
Chuyện hôm nay hòa lẫn chuyện hôm qua
Khơi gợi lại những ân tình nghĩa cả
Xanh như lá và nhiều như lá
Để đất nước mình có được hôm nay.
Chúng ta không bao giờ mong muốn có thêm cuộc chiến tranh nào nữa. Nhưng, thế hệ trẻ sẽ đọc trong lịch sử, sẽ đọc về văn học chiến tranh để hun đúc thêm lòng yêu nước, thừa kế những phẩm chất anh hùng mà dựng nên những con đường Trường Sơn huyền thoại mới, giữ vững biên cương, hải đảo; giữ cho đất nước này luôn xanh thắm trong hòa bình, xanh thắm tình yêu!
Chúng ta mong muốn và hy vọng nhà thơ Lê Quang Trang cũng như các nhà văn thế hệ chống Mỹ sẽ còn viết tiếp nhiều tác phẩm hay, để lại những di sản tinh thần cao đẹp cho thế hệ sau.