Một công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính có nhiều nét mới

Một ngày cuối năm dương lịch 2023, nhà thơ, TS Nguyễn Sĩ Đại đến thăm và tặng tôi "đứa con tinh thần" vừa ra đời trong năm 2023: "Nguyễn Bính - hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Tiểu luận, phê bình) do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, bìa được trình bày nền nã, bắt mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm nhiều tâm huyết, lôi cuốn người đọc. Ảnh: Văn Học
Một tác phẩm nhiều tâm huyết, lôi cuốn người đọc. Ảnh: Văn Học

Trong văn chương, độ dày, mỏng của cuốn sách chưa thể coi là căn cứ khẳng định chất lượng, mà là vấn đề được đề cập trong cuốn sách cùng cách thể hiện, đặc biệt là những điểm mới có sức cuốn hút người đọc. Vì quá bận nhiều việc, không đọc được một mạch, nhưng khi gấp lại trang cuối, cảm nhận đầu tiên là sức viết, sức đọc của anh còn rất "thanh xuân", ngồn ngộn câu từ, hình tượng ví von, tạo sức lôi cuốn người đọc ngay từ trang đầu cho đến trang cuối.

Tập phê bình, tiểu luận chỉ 133 trang in khổ 14,5x20,5cm, nhưng có nhiều điểm mới. GS, NGND Hà Minh Đức, người thầy dạy anh ở khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, từng có công trình nghiên cứu rất sâu về Nguyễn Bính, đã xuất bản tập sách "Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê". Ngược dòng thời gian, đã có hàng chục người nghiên cứu viết về thơ Nguyễn Bính, từ Hoài Thanh, Hoài Chân- những nhà nghiên cứu văn học uyên thâm của Việt Nam, đến các nhà nghiên cứu có uy tín trong giới phê bình văn học, như: Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ, Lại Nguyên Ân, Mã Giang Lân... Còn bây giờ đến Nguyễn Sĩ Đại thì sao đây? Tôi chắc rằng, đặt bút viết tập sách này, Nguyễn Sĩ Đại đã tự hỏi mình câu ấy, cân nhắc nhiều ngày đêm. Đúng như lời tâm sự của anh ở phần cuối sách: "Tôi chưa từng có ý định nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính. Tôi chỉ yêu thơ ông như một phần máu thịt của mình. Cảm hứng này bắt đầu từ việc đọc lại bài "Mưa xuân" trong mùa xuân 2023, khi tôi bước vào tuổi 70. Tuổi 70 mà đọc Nguyễn Bính vẫn thấy lòng trẻ còn như cây lụa trắng, còn thấy điều gì phơi phới như một tình yêu. Thơ Nguyễn Bính quả có một điều gì thật thần diệu..." (trang 127). Với tám vấn đề, tôi tạm gọi là tám phần nhỏ trong cuốn sách này, như: Một tâm hồn trong trẻo, bình dị; Một tính cách khẳng khái; Thi sĩ của thương yêu; Nguyễn Bính, người viết về làng Việt hay nhất; Lỡ bước sang ngang - trường hợp chị Trúc; Lý giải hay phán đoán về sự độc đáo và cái hay của thơ Nguyễn Bính; Thi pháp hay là một số nét đặc trưng của nghệ thuật thơ Nguyễn Bính; Khơi dậy truyền thống, đi lên từ truyền thống. Lướt qua tám vấn đề tưởng như những người viết về Nguyễn Bính trước đó đã đề cập, nhưng đọc kỹ, tôi trân trọng những nét khám phá mới của anh về thơ Nguyễn Bính, về con người và nội tâm Nguyễn Bính, về vị trí thơ Nguyễn Bính trong làng thơ Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

Với phong cách nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, chỉn chu, lại được hỗ trợ bằng vốn Hán văn sâu sắc, TS Nguyễn Sĩ Đại đã có được nhiều nguồn tư liệu quý giá để làm nên "hương sắc" Sĩ Đại qua tập sách này. Những tư liệu ấy đầy dần từ những năm tháng học ở phổ thông, rồi lên đại học; từ những câu chuyện phẩm bình của các chàng thanh niên còn "máu" sinh viên đã nằm lòng nhiều câu thơ hay của Nguyễn Bính. Cùng với những bài thơ tình của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ..., lớp nhà thơ nổi đình đám trong phong trào Thơ mới trước năm 1945, đã thổi vào tâm hồn chàng sinh viên ngọn gió tình yêu lãng mạn, sau này được khúc xạ qua thơ Nguyễn Sĩ Đại, làm nên sự mượt mà, bay bổng, ẩn chứa những thông điệp từ con tim, khiến bao nàng cùng thời sinh viên cũng như hôm nay mê mẩn chép tay, các anh chàng dùng nó như "cánh chim" chuyển lời yêu tới các nàng thơ ở các miền xa thẳm. Tôi nhấn mạnh điều này để ghi nhận rằng, chính hồn thơ dào dạt ấy đã giúp Nguyễn Sĩ Đại thẩm thấu đến tận đáy những bài thơ của Nguyễn Bính, đã tạo nên "sức hút" mới trong các trang viết của tập tiểu luận, phê bình này. Đúng như cảm nhận của anh: "Tôi đọc thơ Nguyễn Bính như được đi trên đồng cỏ mát, tít tắp chân trời. Đồng cỏ ấy dẫn tôi về miền thơ ấu với những kỷ niệm thần tiên, với những gì thân yêu, gần gũi nhất, mà cũng dẫn tôi về miền mơ ước, theo một hướng đúng trên con đường nghệ thuật: Hồn dân tộc!" (nhấn mạnh - người viết).

Tôi chia sẻ với tác giả, khi viết cuốn sách này, đã phải vượt qua một "bức tường" cao với hàng thép gai tua tủa - đó là hàng chục cây bút nghiên cứu tài danh đã "cày xới" trên cánh đồng thơ Nguyễn Bính. Tôi chung vui với anh vì đã vượt qua được thử thách nghiệt ngã đó, bởi không "lặp lại" những ý tưởng, những câu chữ của họ, mà anh đôi chỗ có nhắc lại chỉ nhằm làm giàu thêm sự so sánh, đối chiếu với các đánh giá về thơ Nguyễn Bính; từ đó anh trình bày những cảm nhận mới từ cách tiếp cận mới của mình. Ví như câu thơ đã đi vào trí nhớ bao lớp người yêu thơ Nguyễn Bính, như: "Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê". Qua lăng kính Nguyễn Sĩ Đại, câu thơ ấy cũng như nhiều câu hay viết về làng quê, về lễ hội, về tình yêu, tình người, tình đời..., anh coi đó chính là hồn dân tộc.

Với lớp nhà thơ cùng trang lứa, Nguyễn Sĩ Đại có thế mạnh là tự trau dồi vốn Hán văn phong phú, giúp anh đọc và khai thác được nhiều bài thơ, nhiều triết lý về thơ, từ Trang Tử, Khổng Tử, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Lý Thương Ẩn, v.v... Anh đã tự dịch nhiều bài làm cơ sở so sánh cái hay, cái thâm thúy trong nhiều bài thơ Nguyễn Bính. Trong phần phân tích về thi pháp thơ Nguyễn Bính, anh dẫn bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Trung Quốc Viên Mai nổi tiếng đời nhà Thanh: "Thơ hay nghe khách chợt ngâm nga/ Như bóng giai nhân thoảng gót qua/ Vốn biết cùng ta duyên chẳng bén/ Nhưng lòng tơ tưởng khó quên mà" (trang 98). Rồi bài thơ ngắn của Vương Duy đời Đường: "Ngày ngày thêm già mãi/ Năm năm xuân lại về/ Cùng nhau vui chén rượu/ Cánh hoa bay tiếc gì" (trang 113); từ đó anh khẳng định cái đặc sắc, cái ngát hương ở thơ Nguyễn Bính là cái tự có trong tâm hồn Nguyễn Bính, chứ không hề vay mượn, bởi sau này khi vào miền nam công tác, Nguyễn Bính mới có dịp mượn "Tam quốc chí", "Hồng lâu mộng"… để đọc. Từ cách khảo sát ấy, Sĩ Đại đã khẳng định: "Nguyễn Bính có một quan niệm rất rõ ràng về thơ. Thơ phải mang sắc thái và phong cách Việt. Thơ phải giản dị, nhưng không tầm thường. Thơ là tiếng nói của trái tim phải làm trái tim người khác rung động. Thơ phải được nhân dân truyền khẩu. Nguyễn Bính đã làm được điều ấy" (trang 105).

Có lẽ vì quá yêu, quá say, nhưng trên hết là sự trân trọng và tôn vinh những nét hay, cái đặc sắc trong thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Sĩ Đại viết lời gan ruột: "Nếu đem đọ ở bất cứ cuốn sách đoạt giải Nobel nào với Truyện Kiều, với thơ Hồ Xuân Hương, với thơ Nguyễn Bính, tôi chắc chắn rằng, tôi sẽ chọn Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính, và tôi cũng không hoàn toàn ngạc nhiên khi một ngày nào đó, Nguyễn Bính được giải Nobel hay được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới" (trang 95).

Anh đưa ra sự đánh giá ấy trên cơ sở nghiền ngẫm nhiều bài thơ, nhiều câu thơ in dấu ấn trong công chúng yêu thơ. Anh nhận định, "Nguyễn Bính không chỉ "chân quê" mà chính là hiện đại trong sự chân quê ấy". Cùng với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Nguyễn Bính đã "xây nên một bảo tàng làng quê Bắc Bộ trong thơ", là hiện thân "của tình làng, của hồn quê Việt". "Những bài thơ của Nguyễn Bính đã chở cái đẹp giản dị mà thẳm sâu của con người và cảnh vật nước Việt đến với mọi thời đại, mọi tầng lớp. Nó không chỉ xuyên qua, bỏ lại phía sau mọi sương mù, mọi định kiến, những khói lửa chiến tranh và từng thời kỳ lịch sử để bền chặt, lắng mãi trong hồn người, hồn nước" (trang 75). "Thơ Nguyễn Bính có nỗi buồn nhưng đó cũng là tình cảm nhân văn gieo mầm và chuốt ngọc hồn ta, làm ta yêu quý cuộc sống hơn; trân trọng hơn hạnh phúc của mình đang có" (trang 83). Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành thơ ca kháng chiến ở Nam Bộ, mà bài "Tiểu đoàn 307" được phổ nhạc sống mãi với thời gian. Về con người Nguyễn Bính, anh cho rằng, đó là con người "đa nhân cách" với tình yêu, tình người, tình đời cháy bỏng; "một tâm hồn trong trẻo bình dị"; "một tính cách khảng khái"; "dũng cảm và trung thực", là "thi sĩ của thương yêu", là tấm lòng son sắt với cách mạng và Bác Hồ...

Đương nhiên, mỗi nhà phê bình có cách nhìn, cách tiếp cận riêng về nội dung, hình thức của từng tập thơ của tác giả cụ thể; từ đó đưa ra những nhận định, những tâm nguyện của mình.

Vì lẽ đó, tôi trân trọng, đánh giá cao năng lực và bản lĩnh của Nguyễn Sĩ Đại khi viết cuốn tiểu luận, phê bình này.

Hà Nội, 10/1/2024

N.H.V