Học làm người, học làm cách mạng qua "Nhật ký trong tù"

Giáo sư, nhà thơ Hà Minh Đức là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học đã in đậm tên mình trên những thành tựu nghiên cứu, giảng dạy về văn học Việt Nam hiện đại. Ông còn giữ chức Viện trưởng Văn học, Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia) ngày đầu thành lập (năm 1995).
0:00 / 0:00
0:00
Học làm người, học làm cách mạng qua "Nhật ký trong tù"

Năm nay, tròn tuổi 90 (tuổi ta), ông cho xuất bản cuốn sách thứ 93 "Nhật ký trong tù - thiên cẩm nang của cách mạng, cuốn sách giáo khoa của đời sống xã hội" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội). Sách chưa đầy 150 trang chính văn nhưng là kết tinh của cả 66 năm nghiên cứu Nhật ký trong tù, kể từ khi tác phẩm này được xuất bản lần đầu, năm 1960.

Ông từng tâm sự: "Tôi có cảm giác là, người trong nước, nhất là các thế hệ trẻ chưa hiểu hết giá trị to lớn của Nhật ký trong tù bằng những học giả nước ngoài".

Điều đó có lý do khách quan vì nguyên bản vốn bằng chữ Hán, việc giảng dạy và nghiên cứu trước đây có phần thiên lệch vì một số quan điểm cứng nhắc.

Bởi thế, trong cuốn sách này của GS Hà Minh Đức đã cố gắng đưa ra một cách tiếp cận toàn diện hơn, đồng thời nhấn mạnh vào những giá trị vĩnh cửu của tác phẩm.

★★★

Trước hết là về văn bản. GS Hà Minh Đức là người được đọc trực tiếp Nhật ký trong tù từ trong nguyên bản được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng.

Năm 1998, ông Lê Hữu Mục, nguyên giáo sư văn chương tại Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Sài Gòn có viết bài "Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký". Bài viết gây ồn ào dư luận một thời, cho đến nay vẫn có một số người trong nước a dua. Mục tiêu của Lê Hữu Mục là rất rõ, như chính ông ta kể lại trong phỏng vấn của Hội Văn hóa Việt hải ngoại đăng trên Tinh vệ ngày 22 Jun 2003: "Kịp đến khi tôi sang đến Canada, gặp lúc Văn Bút Việt Nam đang thời kỳ tái lập ở hải ngoại. Anh em Văn Bút lúc đó hoạt động hăng lắm… Anh em giục giã tôi viết… Anh em ở hải ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh, chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa lớn quốc tế do UNESCO công nhận. Dạo đó có phong trào "No HO" nổi lên đòi hủy bỏ vụ tuyên dương vô lý này. Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong. Tôi gửi loạt bài này đăng trên tạp chí Làng Văn của nhà báo, nhà thơ Cung Vũ Nguyễn Hữu Nghĩa và nhà báo Nguyên Hương".

Bằng so sánh văn bản, bản gốc ở Bảo tàng Cách mạng và "bản" mà Lê Hữu Mục đọc được, GS Hà Minh Đức đã lật tẩy sự dối trá của Lê Hữu Mục.

Nguyên bản là cuốn nhật ký bìa mầu vàng nhạt và 134 bài thơ chứ không phải mầu xanh và chỉ có 100 bài thơ như Lê Hữu Mục miêu tả. GS Hà Minh Đức viết: "Sai lầm của Lê Hữu Mục còn thể hiện ở chỗ kém hiểu biết về văn hóa. Những điều bịa đặt do tưởng tượng và dụng ý xấu nên lộn xộn, vô lý. Ông thực chất không hiểu biết gì về Nhật ký trong tù, cho dù là bản thảo. Đây là tập thơ viết theo thể nhật ký có ghi lại theo ngày tháng, địa chỉ nơi đến, nơi ở và sáng tác. Người bị bắt ngày 29-8-1942 nhập lao Tĩnh Tây cùng ngày. Ngày bị giam cầm là 29-8-1942 đến 10-9-1943 tất cả là 388 ngày… Thời gian đầu ở lao Tĩnh Tây, Người viết nhiều, sau thưa thớt dần do hoàn cảnh, ốm đau. Thời gian nghệ thuật trùng với thời gian bị cầm tù".

Lê Hữu Mục cho rằng, tập thơ này là của một người Trung Quốc, một tướng cướp bị giam chung với Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Victoria ở Hồng Công năm 1932. Và lý lẽ của ông là "Sau nữa là khi tôi (Lê Hữu Mục) bị tù về tội vượt biên, trong trại tù lập một tủ sách, có cuốn nhật ký đó, tôi mượn về đọc vì có in chữ Hán trong đó. Những bạn tù người Hoa (Trung Quốc) đọc xong và họ ngạc nhiên lắm. Họ nói giọng văn thơ này là của người Tàu, không phải lối viết, lối nói của người Việt".

Quả thật, khi đã có mưu đồ chính trị nhằm hạ bệ thần tượng để đổi lấy một suất cư trú hay một chút tiếng tăm khỏi người đời quên mất, thì một nhà giáo có kiến văn rộng, từng có uy tín về học thuật vẫn có thể nhắm mắt làm ngơ trước một phong cách nghệ thuật thống nhất trong toàn tập thơ Nhật ký trong tù; nhắm mắt làm ngơ trước những chứng cứ rõ ràng như bài thơ khóc Dương Đào, một nông dân Trung Quốc dẫn đường cho Bác; viết về Nehru, một người bạn Ấn Độ của Bác; làm ngơ trước những bài như "Việt Nam có bạo động"… để nói rằng tập thơ này không phải của Bác Hồ mà là của một ông Trung Quốc nào đó hoặc là Hồ Chí Minh chỉ viết thêm một số bài!

★★★

Điểm nhìn và mục tiêu hướng tới của GS Hà Minh Đức trong cuốn sách này có tính toàn diện và thời sự hơn. Toàn diện là không chỉ dừng lại ở thiên kiến ở tầng nghĩa tố cáo chế độ nhà tù của Tưởng Giới Thạch, ở sự cần phải đánh đổ cái chế độ đã bị đánh đổ. Toàn diện và thời sự ở chỗ, ông chú tâm vào những vấn đề có tính vĩnh hằng và hướng tới lợi ích cách mạng trong việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, khẳng định tư tưởng và con đường Bác Hồ đã chọn để đưa Việt Nam thành một nước phát triển, ngang tầm với các cường quốc năm châu.

Cần phải trở lại giá trị của Nhật ký trong tù. Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược của Trung Quốc viết: "Nó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử bằng thơ"; Nhật ký trong tù "có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào những tập thơ của những thi nhân Đường Tống, thì cũng khó mà phân biệt được" (Tạp chí Văn học, 12/1960). GS Pháp G. Boudarel khi giới thiệu Nhật ký trong tù bản dịch ra tiếng Pháp đã có cảm nhận chính xác về con người cách mạng và con người chiến sĩ ở Hồ Chí Minh: "Người chiến sĩ đấu tranh cho độc lập của Việt Nam, diễn đạt ý nghĩa cảm xúc của mình bằng hình ảnh một cách tự nhiên, với cốt cách của một thi nhân. Ở tác giả, con người cách mạng cộng sản và con người nghệ sĩ kiểu mới chỉ là một". Nữ sĩ Blaga Dimitrova của Bulgaria nhìn thấy Hồ Chí Minh là niềm hy vọng lớn nhất của bản thân, đồng thời của tương lai nhân loại. Nhận xét về Nhật ký trong tù, bà viết: "Những bài thơ mà Người viết trong nhà tù chứa đầy ánh sáng dịu hiền và khát vọng".

Nhà thơ Việt Nam Hoàng Trung Thông diễn đạt bằng thơ về vẻ đẹp và ý nghĩa sâu sắc của Nhật ký trong tù: Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình…

Theo nhà thơ Liên Xô Pavel Antokolsky, Nhật ký trong tù không chỉ thể hiện sự khỏe khoắn về mặt tinh thần và đạo đức qua chất hài hước luôn ở bên mình; qua tình yêu thương thấm đẫm đối với mọi hạng người, kể cả những đồ vật tầm thường nhất mà còn có một tầm nhìn rộng mở của một người cộng sản kiên cường, một nhà dân chủ ấp ủ niềm mơ ước về hạnh phúc của toàn thể nhân loại.

Và trước hết là của dân tộc Việt Nam, cách mạng Việt Nam.

Lý tưởng đó được nung nấu từ trước để năm 1911, Người quyết tâm vượt biển tìm đường cứu nước.

Lý tưởng đó được Bác trả lời phỏng vấn của báo nước ngoài năm 1946, khi Bác được bầu làm người đứng đầu Chính phủ: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Đọc lại Nhật ký trong tù vào những năm 20 của thế kỷ 21, GS Hà Minh Đức trong "Nhật ký trong tù - thiên cẩm nang của cách mạng, cuốn sách giáo khoa của đời sống xã hội" đã tổng kết thành sáu bài học. Đó là bài học "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; bài học gian nan rèn luyện bền bỉ hướng tới thành công; bài học về luyện thêm chất thép cho người, cho thơ, cho nghệ thuật cách mạng; bài học về xây dựng đường lối cách mạng và nhạy bén nắm bắt thời cơ; bài học về lạc quan và nương theo quy luật tự nhiên; bài học về nghệ thuật biểu hiện.

Tôi tin bạn đọc sẽ đồng cảm sâu sắc với GS Hà Minh Đức về những phát hiện, kiến giải mới về Nhật ký trong tù trong cuốn sách này.

Riêng tôi, mỗi lần đọc Nhật ký trong tù, lại không khỏi liên tưởng đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Bác Hồ nói "Ngâm thơ ta vốn không ham", không tự nhận mình là nhà thơ; Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều bằng hai câu Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh, ấy vậy mà những tác phẩm ấy càng nhìn càng thấy lớn, thấy sáng. Chúng thật sự là những cuốn sách gối đầu giường, những cuốn sách làm nên con người và văn hóa Việt Nam!