Sức cuốn hút của những con chữ

Đọc "Tiếc nuối hoa hồng" - du ký của Phan Quang (*)

Tôi dành trọn mấy ngày liền đọc tập du ký của nhà báo, nhà văn Phan Quang với 50 bài viết và phần Phụ lục trích cảm nhận của bạn đọc và đồng nghiệp về một số bài viết trong tập sách dày 690 trang khổ rộng (18x24cm) ấn loát công phu với tờ bìa có năm, sáu bông hồng trên nền xanh thắm bắt mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Đọc "Tiếc nuối hoa hồng" - du ký của Phan Quang (*)

Tôi và không ít người bị tác giả "dẫn dụ" theo hành trình dọc dài Trái đất, từ Paris-"kinh đô ánh sáng" của thế giới; để rồi từ đó, theo tác giả khám phá những vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của các nước Moldavia, Gruzia, Bulgaria; ngược lên phía bắc thăm "mùa thu vàng" nước Nga, đi dọc sông Đông êm đềm; sau đó vượt Đại Tây Dương sang chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy ở một số nước phía tây bán cầu như Cuba, Ecuador, Peru, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Lại tiếp tục theo tác giả bay đến Ai Cập - đất nước của những kim tự tháp kỳ vĩ; sang nước Gabon thuộc châu Phi xích đạo nổi tiếng về xuất khẩu dầu mỏ; rồi bay về dải Gaza ở Trung Đông "nhúng mình" trong hồ nước mặn mang tên "Biển Chết"; tiếp tục bay xuống Australia-xứ sở của chuột túi kangaroo; bay về Indonesia thăm các chùa chiền Phật giáo mang nhiều huyền thoại; rồi lại bay ngược lên các nước Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên; và dừng lâu ở nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc để khám phá cái vĩ đại của các kỳ quan, như Vạn lý trường thành, Di Hòa Viên, Tây Hồ thơ mộng…

Thật ra, nhiều địa điểm kể trên, tôi đã từng đến, thậm chí đến gần chục lần như Moscow, Paris, Bắc Kinh, Phnom Penh… Vậy mà đọc tập du ký này, tôi bị cuốn hút kỳ lạ bởi những con chữ tài hoa miêu tả chiều sâu của cảnh vật, đời sống thường nhật, các hiện tượng, sự kiện chính trị, xã hội, mà ở một số quốc gia, những biểu hiện ấy từng làm rung chuyển chế độ chính trị, báo hiệu một hệ quả, một sự thay đổi có tính bước ngoặt của một quốc gia, dân tộc. Nói một cách khái quát: bằng những con chữ lúc lạnh lùng, lúc trào dâng cảm xúc, đan quyện quá khứ và hiện tại, Phan Quang đã miêu tả sinh động không những đặc trưng của nền văn hóa ở từng vùng đất đã tác động trực tiếp tới tính cách, lối sống của các lớp người cũng như sự thăng trầm trong lịch sử mỗi dân tộc, giúp chúng ta hiểu bạn để hiểu mình hơn. Sức hút của con chữ Phan Quang là ở trí tuệ uyên thâm, ở cái nhìn biện chứng trong sự thể hiện hồn nhiên và thuyết phục mỗi khi đề cập hàng loạt phạm trù: quá khứ và hiện tại, mặt nổi và chiều sâu, hiện tượng và bản chất, quốc gia và quốc tế… Điều ấy lý giải vì sao tôi và nhiều người đã từng đến nơi ấy, từng thăm, từng chứng kiến, từng viết một số bài báo, bài thơ, mà vẫn ngỡ ngàng, cảm phục những trang viết có hồn, có sức dẫn dụ người đọc cùng nghĩ, cùng hành động với tác giả qua tập Du ký có sức lan tỏa lâu bền, có những bài viết từ những thập niên 80 của thế kỷ 20 cho đến hôm nay, khi đất nước ta đang mạnh bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Paris, Thủ đô của nước Pháp-nơi tôi và nhiều người đã tới nhiều lần, thăm tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Điện Luxembourg, Vườn Thượng viện...; từng ngồi lâu ở nhiều quán cà-phê thưởng ngoạn đường phố Paris vào buổi sáng hoặc buổi đêm náo nhiệt, nhưng dưới ngòi bút Phan Quang, bằng sự quan sát tinh tế, bằng vốn tri thức văn hóa đã được tích lũy bao năm nhờ sự ghi chép có hệ thống và vốn tiếng Pháp, tiếng Anh siêu việt, ông đã giúp chúng ta nhìn nhận một Paris đời thường vẫn còn người ăn mày, kẻ thất nghiệp sống lang thang cơ nhỡ, đĩ điếm giữa một Paris quý phái, nơi sản sinh và nơi thu hút các nhà chính trị, văn hóa lừng danh, từ nhà cách mạng thiên tài V.I. Lenin và người thanh niên yêu nước - nhà báo Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1921, đến các trí thức lừng danh, như nhà văn E. Hemingway, các họa sĩ Van Gogh, Paul Cezanne; văn sĩ Emile Zola; các nhà thơ lừng lẫy một thời như Leconte de Lisle, Aragon, Eluard, Paul Fort, v.v…

Tôi đọc rất kỹ bài "Paris có gì lạ không anh?". Đây là câu Bác Hồ hỏi nhà văn, nhà báo Jean Lacouture, tác giả cuốn tiểu sử đầu tiên người nước ngoài viết về Bác Hồ, trong đó kể lại một kỷ niệm đặc biệt: năm 1967, giữa những đợt máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền bắc, ông sang thăm nước ta nhằm hoàn thành cuốn tiểu sử "Hồ Chí Minh". Khi ông đang phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một căn nhà ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đột ngột xuất hiện và thân tình hỏi: "Thế nào, Paris có gì lạ không hở anh bạn?". Qua trang viết, bằng những tư liệu cụ thể, hấp dẫn, Phan Quang khẳng định, ngoài sự đổi thay của đời sống xã hội nước sở tại, "Paris không lạ" vì những công trình văn hóa vẫn bền vững tồn tại đến hôm nay. Điều thú vị là, khi miêu tả kiến trúc của Khải Hoàn Môn, tác giả đã khám phá một "góc khuất" ở gần đấy - đó là truyện ngắn nguyên văn viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhan đề "Paris" kèm dòng phụ đề "Những bức thư gửi cô em họ" đăng lần đầu trên nhật báo L’Humanité số ra ngày 30 và 31/5/1922.

Nước Nga "mùa thu vàng", nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên đến thành phố Saint Petersburg ngày 30/6/1923, rồi đi xe lửa về Thủ đô Moscow; và trong đêm khi đọc xong Luận cương về dân tộc và thuộc địa của V.I. Lenin, đã một mình reo to trong phòng: "Đây là cái cẩm nang cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng dân tộc chúng ta!". Nước Nga có sông Đông chảy qua tỉnh Voronezh anh hùng nằm ở trung tâm vùng đất đen nổi tiếng; nơi nhà văn Nga vĩ đại Sholokhov viết tác phẩm "Sông Đông êm đềm" từng làm mê đắm nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Cảm nghĩ ấy càng được thắp sáng trong tôi khi đọc các bài "Chiếc vòng huyền diệu" về Cuba; "Hoàng hôn trên sông Mississippi" về nước Mỹ; "Gặp lạnh dưới xích đạo" về nước Gabon; "Dưới bóng tượng nhân sư" về Ai Cập; "Biển Chết liệu có hồi sinh" về dải Gaza; "Từ một xứ lưu đầy" về Australia; "Xây công viên nơi chưa có bóng người" về Hàn Quốc và Triều Tiên; "Những cái Tết tha phương" về Jordan và Vương quốc Anh; "Borobodur, Nam mô A di đà Phật!" về Indonesia; "Cách một mái chèo" về Myanmar; "Tiếng trống Điện Thiên hoàng" về Nhật Bản; cùng một loạt bài về Trung Quốc, như "Tây Hồ mùa thu", "Thăm ngôi nhà cũ của Lỗ Tấn", "Triều sông Tiền Đường", "Thượng Hải một thời chưa xa", "Đường vào đất Thục khó hơn đường lên trời", "Trầm ngâm bên mộ vua Tần", v.v… Thăm Vạn lý trường thành, tác giả cảm nhận: "Thăm Trung Quốc tôi thường có cảm giác ngờ ngợ là cái gì xa xưa của bạn thì mình cảm thấy gần gũi, còn cái gì đương đại tại đây thì mình lại thấy có sự cách biệt, mà sự cách biệt này dường như đang doãng thêm ra cùng ngày tháng" (tr. 650) - một cảm nhận thâm trầm ngầm nói lên cách nhìn của người viết về đất nước láng giềng gần gũi mà xa xôi.

50 bài viết trong tập sách này là kết quả những chuyến đi công tác hoặc chuyến thăm riêng của gia đình tác giả. Dù ở dạng thức nào, Phan Quang đều viết với tinh thần khách quan, trung thực, trách nhiệm trước bạn đọc.

Vậy đó, phong cách viết báo, viết văn của Phan Quang là sự chuẩn bị kỹ lưỡng tư liệu chuẩn xác cho mỗi chuyến đi; là sự vận dụng những tri thức uyên bác được hình thành từ sự tự học, tự trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống ngồn ngộn sự kiện; là sự "chưng cất" và "tiêu hóa" khoa học vốn hiểu biết của mình để phục vụ chủ đề. Ông từng nêu công thức thành công của một bài viết gồm bốn yếu tố cơ bản: Đọc-Đi-Nghĩ-Viết, ta có thể khẳng định, các bài viết trong tập sách này, việc nghiên cứu, tích lũy tư liệu chiếm khoảng 70% sự thành công của từng bài viết, bởi khi tác giả đặt chân tới một địa bàn cụ thể nào thì các tư liệu ấy lập tức ùa về, hòa vào mạch văn mượt mà, tuôn chảy, lửa báo và hơi văn hòa thấm vào nhau. Cần nói thêm rằng, những "tư liệu" ấy bao gồm nhiều mặt, trong đó tư liệu ảnh đóng vai trò không kém phần quan trọng, do chính ông khai thác tại các thư viện hoặc tìm kiếm ở những nơi ông đến (như lần thăm Bảo tàng Bến Brandy, Paris); và có không ít ảnh do tác giả tự ghi hình, làm cho các trang sách sinh động và hấp dẫn hẳn lên!

Xin nồng nhiệt chúc mừng những giá trị đích thực của tập Du ký "Tiếc nuối hoa hồng" của nhà báo, nhà văn Phan Quang!

Hà Nội, tháng 7/2022

N.H.V

(*) Nhà xuất bản Văn học liên kết Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, 2022.