“Vẻ đẹp của một xứ sở hào hoa!”. Xứ sở nào vậy? Phải chăng là xứ sở triết học, bộ môn khoa học và văn chương khởi đầu cùng cuộc sống con người và chỉ kết thúc khi hành tinh này không tồn tại?
Không! Xứ sở hào hoa là đất nước Việt Nam ta!
Cuốn sách gồm 13 chương với 427 khúc, mở đầu bằng Chương I. Tổ quốc, và khép lại với Chương XIII. Thiên nhiên. Khúc mở đầu Chương I dẫn lời Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do, phương châm và mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc”. Khúc cuối Chương cuối lại trở về với Tổ quốc: “Trong nghiên cứu và phân loại sắp xếp vẻ đẹp của thiên nhiên, các nước đã chọn mười nước có thiên nhiên đẹp nhất. Việt Nam được xếp thứ tư” (Khúc 29 Chương XIII).
Dài nhất là Chương III. Văn hóa với 59 khúc, ngắn nhất là Chương IX. Quyền lực, 19 khúc. Tôi lặng người tâm đắc và bái phục. Quyền lực là thứ ngắn ngủi nhất trong cuộc sống con người. Vua Tần Thủy Hoàng nước Trung Hoa xưa là một người có tài (ông lập nên chế độ phong kiến tập quyền tồn tại 2000 năm ở nước đông dân nhất thế giới) nhưng đam mê quyền lực và ham muốn đến tột bậc được trường sinh bất tử để nắm giữ dài lâu quyền lực, cuối cùng rồi cũng xuôi tay nằm xuống như tất cả mọi người, đã thế triều đại ông sáng lập tồn tại chưa trọn hai đời đã bị lật đổ. Trong khi đó, văn hóa là lĩnh vực mênh mông bao quát. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Khúc 1), “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Khúc 2).
Tác giả quan tâm đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong đời sống văn hóa: “Văn hóa không phải chỉ là vẻ đẹp phù hoa, trang trí” (Khúc 4), “Văn hóa cộng đồng là văn hóa nền của một dân tộc nhưng trên cái nền chung phải có đỉnh cao của văn hóa dân tộc, nhất là sự thăng hoa của tài năng cá nhân” (Khúc 11), “Chuẩn mực cao nhất của văn hóa là giá trị nhân bản gắn bó với con người, vì con người” (Khúc 20).
Từ một khúc triết luận của Giáo sư Hà Minh Đức, người đọc say mê có thể luận giải thành một chương sách, một cuốn sách, một pho sách. Càng non tay càng thích nói dai viết dài. Biết vậy nhưng tôi không thể không nhân đây chia sẻ thêm một cảm nghĩ: Sự trượt dốc dài dài của văn hóa, nỗi trăn trở đau đáu của mọi người Việt Nam hiện nay từ nhà lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường, là vấn đề nóng hơn cả trong đời sống dân tộc, có lẽ chỉ sau vấn đề Biển Đông. Nhiều mỹ tục từ xưa truyền lại theo chân nhau dần dà biến mất trong khi hệ thống giá trị văn hóa mới, con người mới trong xã hội mới lại chậm định hình. Trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta, dường như ta nói nhiều làm ít, làm nhiều những việc mang lại lợi ích tức thời, làm ít hoặc không làm những việc có tính nhân bản, thể hiện tầm nhìn xa. Lại nhớ đến nỗi đau của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một phần tư thế kỷ trước, khi ông còn tại thế: “Nếu môi trường ô nhiễm theo chiều hướng hiện nay thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sống với ai và sống để làm gì?”. Giáo sư Hà Minh Đức suy ngẫm: “Người có văn hóa, có tầm nhìn xa không bị cái trước mắt, cái hữu hạn che khuất và ngăn chặn. Lãnh đạo văn hóa phải có văn hóa. Không chỉ một kinh nghiệm, một nguyên tắc mà cao hơn là một chân lý” (Khúc 18).
Với kiến thức uyên bác, Giáo sư Hà Minh Đức tìm nguồn cảm hứng triết luận của mình từ các bậc hiền triết, thức giả, nhà khoa học Đông - Tây cổ kim, ông quan tâm nhiều hơn lời các anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa Việt Nam từ Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… qua Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… đến những người cùng thời cùng lứa với tác giả: các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Dù khiêm nhường tự ví “như con thuyền nhỏ trước cơn sóng lớn, như cánh chim bay lượn trong không gian hẹp của làng quê” ông suy ngẫm về những điều cao xa vượt lên không gian và thời gian, nhưng không quên nhiều lần trở lại với cuộc sống thường ngày. Chương I. Tổ quốc mở đầu cùng chân lý muôn đời Không có gì quý hơn độc lập tự do, và kết thúc bằng lời cảnh báo: “Tổ quốc hôm nay rạng rỡ trong những kỳ tích của công cuộc đổi mới, và vị thế chính trị với các dân tộc. Tuy nhiên (…) Mỗi cá nhân phải sẵn sàng chờ nhật lệnh, phải luôn lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình” (Khúc 29).
Tôi lâng lâng đọc lời Giáo sư Phan Trọng Thưởng giới thiệu tập triết luận của Giáo sư Hà Minh Đức: “Xét về một phương diện nào đó, cuốn sách này được ví như túi càn khôn tri thức, có thể trở thành hành trang tinh thần cho mỗi cá nhân, mỗi thế hệ. Tùy theo từng hoàn cảnh, từng tình huống mà nó được sử dụng như một túi càn khôn cần thiết (…) Có thể xem đây là một loại ấn phẩm đặc biệt mới cả nội dung và hình thức. Nếu từ đây loại sách này trở thành phổ biến thì ngôi vị người mở đường, người đi tiên phong đương nhiên thuộc về Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức”.
Trên Trái đất vốn không có đường, người ta đi mãi thì thành đường - người xưa đã nói. Nhiều nước đã có con đường triết luận, nước Việt Nam ta chưa, và Giáo sư Hà Minh Đức qua “Vẻ đẹp của một xứ sở hào hoa” là người đi trước mở đường. Cũng là điều tự nhiên. Tại châu Âu, triết luận có từ thời thượng cổ với nền văn minh Hy Lạp, vậy mà nước Pháp, một trong những quốc gia được coi là văn minh nhất thế giới phải chờ hai nghìn năm, đến sau thời kỳ Phục hưng mới xuất hiện triết luận qua ngôi sao Blaise Pascal (1623-1662). Từ tác phẩm “Pensées” (Suy tưởng) của ông, xuất bản lần đầu năm 1670, ra đời một thể loại mới trong văn chương Pháp từ bấy đến nay.
Từ thuở xa xưa, trên Trái đất bất kỳ đâu cũng có những nơi không có đường, nhờ nhiều người đi trở thành đường. Dù vậy vẫn phải chờ đến thế kỷ 20, khi nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm mạnh hơn mình cả trăm lần về binh lực mới xuất hiện Đường mòn Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và Đường Hồ Chí Minh trên biển. Điều hiển nhiên là lối mòn do bộ đội và dân công hỏa tuyến ta đi trước mở đường tại rừng xanh núi hiểm nay đã trở thành con đường xuyên Việt Hồ Chí Minh, trên đó các loại xe cơ giới bon bon ra bắc vào nam, góp phần phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, bảo vệ biên cương đất biển trời của Tổ quốc.
Thể loại triết luận tại nước ta chắc rồi sẽ đi trên con đường dân tộc ta đã đi.