Lưu dấu "Hoa đời mùa sau"

Chân thành, giản dị, sắc sảo, tươi trẻ, hồn nhiên… là những "từ khóa" mà các đại biểu, bằng hữu, bạn đọc dành để nói về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh tại buổi gặp mặt, giới thiệu tập thơ mới của ông. Và, cuộc "hội thảo" đặc biệt ấy còn để lại những dư ba như câu thơ ông viết: "Trang sách đời chưa kết/ Thơ vang khúc nhạc đầu/Hạt ủ thầm trong đất/Nở hoa đời mùa sau!...".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc gặp mặt.
Quang cảnh cuộc gặp mặt.

NGÀY 11/11 vừa rồi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức cuộc gặp mặt trang trọng để giới thiệu tập thơ "Hoa đời mùa sau" của tác giả Nguyễn Hồng Vinh. Tham dự cuộc gặp mặt có các đồng chí đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo đại diện các cơ quan báo chí; đoàn cán bộ của tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; đông đảo các văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đồng nghiệp thân thiết, bạn đọc và người thân trong gia đình tác giả.

Tập thơ "Hoa đời mùa sau" dày gần 270 trang, gồm hai phần, phần 1 là dung lượng dành cho 71 tác phẩm chọn lọc, lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày, những thi liệu được tác giả gom nhặt trên nhiều chặng đời, chặng đường công tác sôi nổi của mình; phần 2 - Phụ lục gồm 19 bài viết của các tác giả như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, nhà báo Phạm Quốc Toàn, các tác giả Hạnh Nguyên, Thanh Sơn, Lan Nguyễn, Thế Duy, Lưu Thị Hằng, Cao Văn, Đặng Huy Giang, Lê Hữu Bình, Vương Duy… bình luận, đánh giá, trao đổi về thơ và cả về nhà thơ của "Hoa đời mùa sau".

CẦM trên tay tập thơ mới này lên sân khấu buổi gặp mặt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) bày tỏ lời cảm ơn tác giả đã tin tưởng lựa chọn Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam để gửi gắm những sáng tạo mới nhất; đồng thời khẳng định đây là cột mốc mới trong chặng đường sáng tác thi ca của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. "Ông từng là nhà báo, nhà quản lý báo chí, người làm công tác lý luận, tư tưởng của Đảng dễ khiến người ta nghĩ ông là người khô khan, nguyên tắc. Nhưng không, tôi thật sự bất ngờ khi đến một ngày ông mở rộng hai bàn tay đón nhận thi ca. Có thể nói, thơ ca đã chọn ông như một lẽ tự nhiên. Với 12 tập thơ, tôi hình dung ông có hai bản lý lịch, một là nhà báo, nhà lý luận, tư tưởng của Đảng và một là tâm hồn bỏng cháy, dễ rung động, run rẩy trước vẻ đẹp của cuộc sống", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Bày tỏ niềm vinh dự khi được tham gia buổi giới thiệu sách, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh (Nam Định), thay mặt đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo tỉnh Nam Định, nồng nhiệt chúc mừng nhà thơ Hồng Vinh, khẳng định: "đất Thành Nam tự hào có một người con ưu tú như thế". Ông là người luôn dành tình yêu sâu sắc, trách nhiệm đặc biệt và luôn dõi theo, đồng hành với từng bước phát triển của quê hương Nam Định và chính mảnh đất này cũng đã gợi nguồn thi hứng trong ông.

Tiếp đó, nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, cho rằng, chất thơ và chất chính trị song hành, gắn bó, bổ sung cho nhau tạo nên chất con người Hồng Vinh, vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Chính tâm hồn cởi mở, phóng khoáng đã giúp người thơ giữ được sự an nhiên, tươi trẻ, đôn hậu, chan hòa cùng tình nghĩa bạn bè, người thân. Với 12 tập thơ đã xuất bản, nhà thơ Hồng Vinh đã xác lập được vị trí xứng đáng trong đời sống thơ ca Việt Nam đương đại.

Còn nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái (nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân), người có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà thơ Hồng Vinh đã bày tỏ xúc động và những ấn tượng về tập thơ mới xuất bản lần này. "Phẩm chất cởi mở, gần gũi bạn bè, đồng nghiệp đã giúp ông hấp thụ được những năng lượng tích cực từ cuộc đời và con người ở các thế hệ khác nhau, trở thành chất liệu quan trọng tạo nên thành công cho tập thơ", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Là người đã phổ nhạc tới 14 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc trong hành trình gắn bó với tác giả. Vị nhạc sĩ này lưu tâm nhiều đến chất trữ tình trong thơ Hồng Vinh - nguồn cảm hứng lớn để các nhạc sĩ khai thác, khắc họa hình tượng nghệ thuật qua ngôn ngữ âm nhạc. "Điều này bật lên ở từng khúc thơ, từng đoạn rất nhỏ chứ không phải là trữ tình dào dạt hay tình yêu chung chung, ở đây được khai thác rất nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương làm cho mỗi bài thơ đều có chất mới, tôi luôn tìm những điều mới mẻ đó để phổ nhạc" - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Đã có hơn mười nhạc sĩ phổ nhạc tới hơn 60 tác phẩm thơ Hồng Vinh và hầu hết đã được nhiều ca sĩ thể hiện trên sóng phát thanh, truyền hình Trung ương và một số địa phương. Với số lượng như vậy, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ mong muốn, một đêm nhạc phổ thơ Nguyễn Hồng Vinh sẽ được tổ chức vào một ngày không xa.

LÀ một nhà nghiên cứu, đã có nhiều bài viết về thơ Nguyễn Hồng Vinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội) trong nội dung phát biểu của mình đã phân tích những tìm tòi, đổi mới trong "Hoa đời mùa sau". Ông khẳng định, với 12 tập thơ xuất bản trong 13 năm, tập sau hay hơn tập trước, ghi nhận một chặng đường bền bỉ sáng tạo xuất phát từ tình yêu thơ sâu nặng, dùng thơ để trải lòng mình, thể hiện bản lĩnh và chủ kiến rõ ràng trước cái tốt và cái xấu, trước nhân tình thế thái còn bộn bề trái ngang, song vẫn gửi tin yêu về phía tương lai. "Anh viết nhiều về các tầng lớp, là bộ đội, là cô giáo, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, là công nhân, doanh nhân... của ngày hôm nay. Có lẽ anh là người đầu tiên làm thơ về "tẽ ngô" - một công việc rất bình thường trong cuộc sống lao động của người dân nghèo, nhưng được khúc xạ qua một tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, hình tượng đi vào thơ rất gây dấu ấn. Phải là người nhà quê, thấu hiểu công việc vất vả, tảo tần của những người mẹ mới có những nhận xét đúng và tinh này: "Ngày nối ngày/Mẹ còng lưng tẽ ngô/Bao nhiêu thúng/Bấy nhiêu nỗi khổ/Dầu dãi nắng mưa/Trút lên vai gầy mẹ!" (Tẽ ngô-đời mẹ). Hình tượng "mẹ" như một sự chứng minh cho quy luật thẩm mỹ, thơ là tiếng lòng của cảm xúc chân thành cất lên từ đời sống" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú bình luận thêm bên hành lang buổi tọa đàm.

Có một thời gian dài được gắn bó, làm việc với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (Báo Nhân Dân) ghi nhớ nhiều kỷ niệm sâu sắc về ông khi cùng công tác. "Đến với thơ khi đã hoàn thành xuất sắc những trọng trách được giao, sống giữa chân tình của bè bạn và người thân, ông đã phát huy triệt để vốn sống phong phú của mình để chưng cất thành những vần thơ đặc sắc", nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

Cùng đó là các ý kiến nhận định, đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Hữu Ước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương), nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà thơ Lê Hữu Bình, nhà báo, nhà thơ Đỗ Phú Nhuận,… Tất cả đều chung nhận xét, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là người viết khỏe, viết nhanh, đa dạng về đề tài, thể loại, tự nhiên, tươi mới, mang đậm hơi thở cuộc sống, ngôn ngữ dung dị, thấm đẫm tình đời, tình người. Thơ Nguyễn Hồng Vinh luôn truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực, tin yêu, hy vọng cho công chúng yêu thơ, cho bạn đọc. Các đại biểu cũng bày tỏ tin tưởng và chờ đợi tác giả Nguyễn Hồng Vinh tiếp tục khẳng định tên tuổi và gửi tặng bạn đọc nhiều tác phẩm mới hấp dẫn trong thời gian tới.

NGẮN gọn và khúc chiết, không đao to búa lớn khi nói về mình, về tập thơ thứ 12 này, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh bày tỏ niềm xúc động, cảm ơn các vị khách quý, bạn bè và người thân đã đến tham dự buổi gặp mặt và đón nhận tác phẩm mới của ông thật nồng nhiệt, chân thành. Đó vừa là động lực, vừa là áp lực để ông tiếp tục ra mắt nhiều tập thơ có giá trị hơn nữa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh sinh năm 1945 tại xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Trưởng ban Thường trực ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI…