Do việc làm báo căng thẳng và bận rộn, lại phải lo mưu sinh nữa, thi thoảng anh mới làm thơ, có bài đem đăng báo hoặc là tự phổ nhạc, có bài để đấy, có bài đọc lại không thấy thích nên bỏ đi. Anh cho hay rằng mình không có duyên thơ, cũng không vướng nghiệp thơ (như đã viết trong Lời tựa), nên một đời in một tập cũng là phải lẽ.
Anh là người tự biết mình lắm. Tri túc tri chỉ, tri kỷ tri bỉ. Anh nói: Chúng ta (chỉ anh và tôi) chỉ là hạt bụi trong đời. Vốn đã nhỏ nhoi hạt bụi lại mất 80% sức lực vì sinh kế, có đâu sức lực, thời gian để chuyên chú văn chương. Cho nên Mây xanh tóc trắng của mình chỉ là hạt cát, may chi có chút lấp lánh riêng để ánh mắt tri âm có thể nhận ra. Cái tự mãn của mình là mình nói lên được điều mình nghĩ, không giả, không vụ danh, vụ lợi... Và nếu con cháu có đọc, chúng sẽ thấy thêm một con người khác của cha, ông chúng. Thế thôi. Rồi cát bụi lại trở về cát bụi...
Mây xanh tóc trắng có hai phần, phần Việt ngữ và phần Hán ngữ.
Trước hết cảm nhận về thơ Việt ngữ. Lấp lánh đầu tiên tôi cảm nhận được là sự dụng công, là “thuật” dùng từ. Khi viết báo, Thế Văn đã không chịu dùng lại từ ngữ cũ, kể cả của mình. Làm thơ càng vậy. Làm thì nhiều mà không được bao nhiêu: Xới chữ tung tóe trang viết/ Châng hâng mùa lắm cỏ may. Nói về thiếu nữ thôn quê dấn thân kiếm sống nơi phố thị, anh gieo quẻ Quầng sáng ảo mờ xa ngái/ Con gái phiêu linh phồn hoa. Ði Chùa Hương, anh nghĩ đến đường đời chênh vênh vô định, có đấy mà không đấy: Chấp chới mây/ Ðuôi Én/ Khỏa không/ Miền mơ Hương...
Nếu bắt được tư duy của anh, thì như nhìn thấy cả con đường mà mỗi từ là một cọc tiêu sáng dẫn dắt, được đặt đúng chỗ; nếu không bắt được ý tứ thì dễ coi là rời rạc, cầu kỳ.
Ta về bú mẹ Âu Cơ là một bài thơ tái hiện được không khí tưng bừng Lễ hội Ðền Hùng. Rất nhiều, rất nhiều liên tưởng, sợi dọc, sợi ngang, sợi xưa, sợi nay xoắn bện, đan xen “mười tám tia ngũ sắc” dưới Chói lói bánh xe mặt trời ở giữa rạng rỡ, chắc bền như trường tồn dân tộc, có sức cuốn hút mọi tâm hồn Việt ở khắp bốn phương trời hướng về nguồn cội. Câu chữ và hình ảnh xoắn bện vào nhau, cái tĩnh ôm chứa cái động: Sóng ngã ba sông/ Chập chờn hạc trắng/ Vòm Hy Cương/ Phập phồng bọc trứng/ ...Làng mạc nối nhau dải yếm Mỵ Nương/ Sắc tộc nắm tay nhau/ Căng mặt trống đồng/Sẻ đôi bánh dày/ Bánh chưng chia bốn/ Cau non bổ năm/ Bắn nỏ/ Múa khiên/ Ðua thuyền/ Hát ghẹo...
Thế Văn ít viết lục bát. Nhưng đã viết thì kỹ. Tình và ý nhịp nhàng 6-8. Thường người ta ra ngõ mới biết có, biết nhớ ngôi nhà của mình. Qua ải Chi Lăng, anh viết:
Ải thiêng ai đã đi qua
Biết mình có một sơn hà trong tim!
Ðó là một câu thơ thần tình về lòng yêu nước. Câu Ðêm trôi vào cõi mông lung/ Bỗng ran tiếng dế ấm nồng đất đai trong bài Ðêm quê rất Việt Nam tình cảm mà cũng rất Ðường thi triết lý. Viết về một người thân yêu đã xa Xa như câu hát sang đò/ Xưa như lau lách lơ thơ cuối trời thì không nói nhớ tiếc mà rất nhiều nhớ tiếc. Tình tại ngôn ngoại là thế!
Thế Văn là một người rất hiền. Thời trẻ tài hoa bóng chuyền, bóng đá, sáo trúc, đàn bầu, ghi-ta rộn vui sân 71 Hàng Trống những năm 70 thế kỷ trước. Ðôi khi “khoa trương” một chút rồi lại lặng lẽ góc riêng ẩn sĩ. Ấy vậy mà thơ tình sao mà cũng đằm, cũng da diết lắm.
Em có đứng canh chừng nụ hé
Ðợi một sớm mai cây thắp lửa đầu cành
Vườn trái chín ửng một trời thương nhớ
Gọi anh về uống mát dưới vòm xanh
(Khoảng vườn xanh)
Tăng gô cho em là một bài thơ tình hay, anh đã tự phổ nhạc, Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chọn đưa vào album Thầm lặng một tình yêu quãng 30 năm trước (khúc tăng-gô này được ca sĩ Thanh Thúy trẻ măng thời đó hát).
Viết về mẹ là điều dễ nhất đối với mọi người vì mẹ cho ta cảm xúc mạnh mẽ, dâng trào nhiều cung bậc nhất. Nhưng viết về mẹ cũng là khó nhất vì khó có từ ngữ nào sánh với tình mẫu tử. Tôi từng gặp cái khó ấy khi viết về Tổ quốc nên có câu Không nói được thành lời, thì gọi Tổ quốc ơi! Thế Văn có cách gọi mẹ thật tài tình: Trên thế gian này/ Khi còn lời ca/ Trên thế gian này/ Khi còn tiếng nói/Thì trên vành môi/ Còn lời gọi mẹ/Thì trên vành môi/Còn lời gọi mẹ/Mẹ của con ơi! (Mẹ của con).
Thế Văn dụng công tìm tòi trong thơ, từ cấu trúc đến ngôn từ. Nhưng điều đáng nói nhất là anh có cách tư duy khác biệt.
Hầu như bài thơ nào cũng ẩn một thông điệp dưới tầng câu chữ. Và đó là một triết lý nhân sinh, hướng đến cái thiện, cái thật, cái hay, cái đẹp.
★
Phần thơ Hán ngữ của Thế Văn có 22 bài, 10 bài viết trong chuyến đi Trung Quốc vào tháng 10-2000, gọi là Bắc hành thập vịnh và 12 bài lấy cảm hứng trong nước gọi là Lãng du hứng tác.
Biết chữ Hán đã khó, làm thơ bằng chữ Hán càng khó gấp bội. “Nhập gia tùy tục”, làm thơ chữ Hán phải thuộc và theo được luật lệ của cổ thi, luật thi. Nếu không, nó sẽ bật ra ngoài thành một xa lạ. Thế Văn nói rằng đây là người Việt hiện đại làm thơ nói chí, nói ý, nói tình người Việt, chỉ mượn văn tự Hán làm phương tiện chuyên chở thôi mà, đâu phải thơ của ông đồ thuở trước câu nệ đủ thứ niêm với luật. Thế nhưng vẫn có một số bài gợi phong thái cổ thi như Mai lệ, Cố cung, Di hòa viên... Nhược điểm của nó là ý tứ không thoát ra khỏi hơi hướng ý tứ của người xưa. Thế Văn có cái may là thông qua bè bạn mà mấy bài cổ thi này tới tay nhà đại thư pháp Trung Quốc Lỗ Nguyên. Lỗ tiên sinh do hào hứng với cổ thi nên đã đem Di hòa viên viết ra bức thư pháp khổ lớn gửi tặng tác giả.
Do chỉ mượn văn tự Hán thôi, nên tác giả đã có thể rộng tay hơn trong việc chọn chữ để dùng. Thậm chí có bài như “Minh thành” (Thành nhà Minh) không phải thể thơ bác học mà thuộc thể thơ dân gian Trung Quốc (ta gọi là vè), 3 chữ , dân gõ mõ 3 tiếng một “cốp cốp cốp” cùng lúc với đọc lời vè. Minh thành cố/ Minh triều hung/Lân bang khổ/ Hán dân cùng…
Thơ Thế Văn vì thế mà thú vị, và có ích. Xin chúc mừng và cảm ơn anh!
(★) NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tháng 11-2019