Chính cái sự khác ấy đã là phá cách rồi. Ðỗ Quảng trả lời tôi: “Người Do Thái coi tinh thần sáng tạo là năng lượng sống của họ. Nên chi cái dân tộc ấy cứ hừng hực mà sống, nhiều bác học lắm. Dân Việt mình cũng sáng tạo chứ. Không thì làm sao có “Tứ bất tử”. Ông Hải Ðường ơi, nói riêng về người viết thì chả có thằng nào thiếu sự sáng tạo mà viết nổi một bài báo cho ra hồn. Sáng tạo là như thế, là như có con sói đuổi sau lưng ấy. Không nhanh là nó vồ mình. Toi! Và với tôi, sáng tạo, nhưng sáng tạo khác người chính là phá cách”.
Phá cách! Thật gọn và hay. Tôi đi học viết phóng sự, nhà văn Nguyễn Ðình Thi bảo: “Nội dung mới tự nó sẽ tìm đến hình thức mới”. Nghĩa là anh đừng có quá loay hoay về hình dáng cái chiêng, cái trống. Phải thể hiện sao cho tiếng chuông, tiếng trống nó ngân vang, ngân xa. Ðến khi nghe Ðỗ Quảng nói thì thấy là chiêng, trống của ông đã kêu thanh, kêu vang và hình dáng của nó cũng thật là chuẩn chỉ. Ðiều ấy đã được chứng minh qua cuốn 30 năm phóng sự, qua Sống thật như máu, và mới nhất là Nước mắt nụ cười, do Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra lò đầu năm 2020.
Phá cách với nhà báo Ðỗ Quảng chính là dấn thân, là không chấp nhận sự công thức, hời hợt, vâng dạ tăm tắp như một anh công chức, là hôm nay phải khác hôm qua, bài này phải khác bài trước. Thiên phóng sự “Âm mưu của kẻ thù và số phận những người trốn bỏ Tổ quốc” đăng liền 10 kỳ trên báo là điển hình của sự phá cách. Từ cái cách làm sao có thể gặp được những người vượt biển, di tản, hay nói thẳng ra là bỏ Tổ quốc mà đi. Làm sao tiếp cận được các nhà chức trách với bàn tay bắt lỏng và cái lắc đầu nhẹ mà dứt khoát: tuyệt đối bí mật, nhà báo thông cảm! Viết thế nào đây để thấy rõ âm mưu kẻ thù mà không gây kích động, chia rẽ, góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Và cuối cùng là làm thế nào để đăng được? Bởi sự kiện này lúc bấy giờ quá nhạy cảm, không khéo sẽ gây hiệu ứng ngược. Nếu thờ chữ “nhàn” chắc nhà báo đã phải gác bút. Nhưng Ðỗ Quảng đã kiên trì bám sự kiện, đã viết bằng niềm say mê nghề nghiệp, sự tỉnh táo, có khi viết bằng linh cảm. Bài phóng sự đặc biệt ấy sau này đã được tặng Giải nhất Báo chí toàn quốc năm 1983.
Kể về sự kiện này, trong “Tôi viết điếu văn cho tôi” - một phóng sự in trong tập sách mới nhất này, Ðỗ Quảng viết ngắn gọn: “Khi tôi được nhận giải nhất về thể loại phóng sự, năm 1983, tôi sung sướng đến trào nước mắt, hạnh phúc vô vàn, hơn cả khi nhận Huân chương, Huy chương. Cảm ơn Báo Nhân Dân. Nhờ Báo Nhân Dân mà tôi có cái bút danh Ðỗ Quảng”. Tập phóng sự Nước mắt, nụ cười có 27 tác phẩm, trong đó “Tôi viết điếu văn cho tôi” dài 45 trang (viết tay) được tác giả đặt ở cuối sách. Từng dòng, từng chữ “nặng như máu” ấy được viết không liền mạch trước và sau khi ông phải lên bàn mổ điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Khi hội chẩn, mấy bác sĩ ái ngại bảo nhau: Ông nhà báo nổi tiếng này chắc “tạnh” rồi! Ông nghe thấy và ông nghĩ, mình phải sống, quyết sống. Ðể quyết sống ông bắt đầu bằng việc tự viết điếu văn cho mình. Lại là phá cách! Vì xưa nay những người đã nằm trong quan tài nhiều khi đã phải nghe quá nhiều lời nói dối. “Cả một kiếp người, khi nhắm mắt xuôi tay về với trời đất, cả người ra đi và người ở lại - cái giây phút thiêng liêng ấy đều không được nghe những lời nói chân thật” (trang 259). Nghĩ như thế nên ông tự viết Ðiếu văn cho mình, không theo một cái “phom” nào cả. Lời Ðiếu, không mang tính “tiểu sử”, không phải những lời ngợi ca, chỉ là những lời trò chuyện với bè bạn, với những người thân yêu ở lại. Những lời trò chuyện ấy, thiêng liêng nhất, nặng tình nhất, cảm động nhất vẫn là kể về nghề chữ nghĩa của mình, của bạn bè, đồng nghiệp. Qua câu chuyện của người ra đi mà người ở lại sống với nhau tốt hơn, bao dung, nhân nghĩa hơn. Thế giới không có nơi tận cùng, nhưng con người lại có nơi tận cùng, đó là sự tử tế, là “lòng tốt quên mình như bóng mát”.
Nhiều phóng sự trong tập sách này tôi đã đọc trên báo trong khoảng dăm, mười năm nay. Có thể tạm gọi đó là những phóng-sự-đời-thường. Toàn những chuyện diễn ra trước mắt ta thôi. Ai cũng thấy và tưởng như ai cũng có thể viết được. Nhưng rồi, chỉ có Ðỗ Quảng viết được. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp tả, thuật và bình. Từ đề tài đến cách hành văn, đến chữ nghĩa trong văn, và quan trọng nhất là chi tiết đều nhất quán một phong cách. Chi tiết nhỏ làm nên nhà báo, nhà văn lớn. Hai người phạm nhân trong nhà tù nhìn qua cửa sổ, người này chỉ thấy mênh mông cõi chết, người khác thấy những vì sao. Ðó là hai thế giới khác nhau. Với hàng loạt tác phẩm: Mùa đông thương nhớ Khâm Thiên, Những xe tắc-xi chạy vào Hỏa Lò, Danh dự cảnh sát giao thông, Quà quê, Vũ trường đêm đêm, Nước mắt người giàu, Ðục nước béo cò… tác giả đã dựng lên bức tranh sống động đất nước thời mở cửa, “hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang”. Nói như mấy anh lính biên phòng là mở cửa nhưng chớ để ruồi muỗi vào theo quá nhiều.
Tuổi đã chạm ngưỡng tám mươi, nhưng nhà phóng sự vẫn lặn lội đi dọc, đi ngang đất nước. Ông viết về những thương binh nặng của Công ty Hòa Bình vào thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Ðường Chín, từng trang, từng trang ngấn lệ. Ði viếng đồng đội là những thương binh, có người cụt cả hai chân, mất cả hai tay, có anh không còn nhìn thấy ánh mặt trời, “Có anh chẳng còn một cọng tóc, sẹo dọc sẹo ngang trên đầu nhẵn thín, cái sọ não bóp thở phập phồng” (trang 232); “Người thương binh như anh tự ví mình như trái ủng trên cây, chỉ cần cơn gió mạnh là rụng” (trang 233). Nhưng đến được với đồng đội “mới thấu hiểu tột cùng những đau khổ, những niềm vui và hạnh phúc ở đời” (trang 240). Cái triết lý bình dị mà nhói lòng mà âm vang như từ sâu thẳm.
Rất thích cách ông vào chuyện, cứ như toàn là sự tình cờ, như là Thượng đế bày cỗ; cách ông dựng cảnh; cách ông tả tình; cách ông đẩy sự việc đến đỉnh điểm và bất ngờ hóa giải mâu thuẫn; cách ông chọn ra những câu nói đắt giá, “lời ai đặt đúng mồm người ấy”. Ông gọi mấy anh làm ẩu, làm để… dọa, là “đốt đít nồi không nước”; trước những sự nhiễu nhương thì “đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái”; đến Khâm Thiên, nơi tháng Chạp năm 1972 đế quốc Mỹ đưa máy bay B52 rải thảm giết hại dã man dân lành, ông thấy “gió thổi hu hu trên mấy vòm cây đại già”; kinh nghiệm lái xe đường dài thì vô tận nhưng ông chỉ khía ra một câu “chớ có bao giờ chẹt chết rắn bò qua đường”; về thăm quê ông thấy các nhà báo được dân yêu và đem tặng “một vốc ớt chỉ thiên lẫn lộn trái xanh, trái đỏ”… Ði viết, khối anh nhìn mà không thấy. Còn Ðỗ Quảng, nhờ có “con mắt thứ ba” mà ông đã thấy và thấy rất tường minh.
Đọc tập sách mới này của một nhà báo - nhà văn, tôi có dịp thêm hiểu về cuộc đời, về con người, về nghề chữ nghĩa. Ðặc biệt là cuốn sách ấy đánh dấu một thời điểm đặc biệt của Ðỗ Quảng: Ông vừa vượt lên, vừa chiến thắng số phận khi ở lứa tuổi “bát thập tiến sĩ đồng”. Người xưa quan niệm tám mươi tuổi là được Trời ban cho bằng Tiến sĩ. Nhưng người trai làng Mọc, Quan Nhân, Hà Nội ấy, từ khi còn trẻ đã vốn không mấy mặn mà với chuyện bằng cấp, không để ý làm như thế này là “khôn” hay “dại”. Ông thích sự thực học, thích cái trí thật, danh thật, không ưa sự phù du, hão huyền. Cái cách ông trả nợ cuộc đời là lặng lẽ ngồi vào bàn viết.
Xuân Phương, 3-2020