Trong hành trình đến với văn chương, nghệ thuật, mỗi người đều chọn cho riêng mình một đích đến. Với nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, trong suốt hành trình thủy chung những dòng thơ giản dị mà ấm áp ân tình, được tác giả chắt lọc từ nguồn kiến thức phong phú, thấm đẫm chất liệu cuộc sống dưới cách tiếp cận của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm, bằng sự tao nhã trong cách thể hiện về tình yêu, nỗi nhớ, cảm xúc chông chênh cùng nỗi trăn trở về những vùng đất đã đi qua, đã nếm trải với nhiều trạng thái vui buồn... Tôi đọc được những nghĩa từ ẩn kín trong thơ ông, mang lời tạ ơn cuộc đời này, với những niềm hạnh phúc chừng như bé nhỏ hàm chứa ý nghĩa lớn lao, có một sức hút mãnh liệt bởi những tâm hồn tri âm, tri kỷ.
Đọc thơ ông, biết rằng Nguyễn Hồng Vinh sống nghĩa tình, bởi ông nhận ra, trong cuộc đời dù có nhiều nỗi buồn, nhưng được khỏa lấp nhờ sự cảm thông sâu sắc về cuộc đời, tình bạn, tri âm, tri kỷ, thì tự tâm hồn bật lên những câu thơ rực lên mầu xanh sự sống.
Từ ý niệm ấy, ông viết những câu thơ cô đọng trong bài thơ “Xanh mãi” - là tựa đề của cả tập thơ: “Thời gian như bóng câu/ Đầu cả hai điểm bạc/ Lời nguyện ước năm nào/Tim vẫn xanh sắc thắm!”....
Sự thủy chung trong lời thề hẹn, hay nói đúng hơn, tình cảm son sắt thủy chung luôn hiện hữu dù thời gian vẫn trôi tuần hoàn theo quy luật tự nhiên, không thể cưỡng lại. Đôi khi, nhà thơ tiếc nuối rồi hồi hộp như trái tim thời trai trẻ đã từng một đôi lần lỗi nhịp trước một ánh mắt, một bờ vai… Như trong bài thơ “Khấp khởi xuân”, nhà thơ viết: “Chiếc lá cuối cùng rơi/ Khấp khởi một chồi xuân đang ủ”...
Mạch nguồn tình yêu đó, chảy trong tâm hồn thơ Hồng Vinh, như ý niệm thời gian chưa bao giờ ngừng trôi giữa muôn vàn đổi thay của cuộc đời, của số phận mỗi người. Đó như là mật ngữ cuộc đời: “Cuộc đời có lúc xót đau/ Cỏ nát rồi lại xanh màu ngày mai/ Nước sông tuần tự đầy vơi/ Lúc òa hạnh phúc, khi ngồi tương tư” (Vẫn chờ).
Hay nhà thơ để cảm xúc mình rơi trong phút giao mùa với niềm mong mỏi rằng, thời gian dừng lại, cho ân tình đầy vơi: “Biết đông dần dà đến/ Nhưng chầm chậm thu ơi/ Giữ tình ta thời trẻ/ Cúc vàng tươi tháng mười!...” (Mong thu chầm chậm…).
Mỗi nơi từng đặt chân, nhà thơ đều rung động để viết nên những dòng cảm xúc diễn tả sự nao lòng. Từng là một phóng viên chiến trường, nên với ông, mỗi một nghĩa trang trên đất nước Việt Nam, vẫn còn đó nỗi đau canh cánh trong tâm. Đến với mảnh đất Vị Xuyên, nhà thơ lại khắc khoải: “Có nơi nào tạc tâm can/ Như buổi tiễn anh ra trận/ Có ngọn lửa nào truyền dẫn/ Anh nhận từ nhịp tim em!.../ Nghĩa trang Vị Xuyên tháng Hai/ Người người nối nhau thăm viếng/ Vang lời các anh gửi nhắn/ Hãy giữ hòa bình thiêng liêng”! (Thiêng liêng hòa bình).
Hay trong bài “Đau đáu miền Trung”, nhà thơ viết: “Đau đáu miền Trung/ Một thời đánh Mỹ/ Sản sinh ngàn Mẹ Anh hùng/ Vạn vạn gái trai Dũng sĩ/ Chưa bao giờ đất chết/ Vẫn trường tồn cùng dân tộc ngàn năm!/ Rồi màu xanh sẽ trải rộng đất thiêng”.
Máu đổ để có hòa bình. Bao công sức, mồ hôi, trí tuệ đã đổ ra để giành giật mầu xanh từ thiên nhiên nghiệt ngã. Mới hay, lời thơ bật lên như mạch nước ngầm ngọt mát giữa trời trưa chang chang nắng với gió Lào quăng quật, bật lên những câu thơ xa xót phận người: “Quơ tay là vốc nắng/ Rát bỏng cả thịt da/ Gió Lào nung đất nóng/ Tung cát bụi khắp nhà” (Khúc ruột miền Trung).
Nhưng không chỉ dừng ở những xúc cảm, 54 bài thơ trong tập “Xanh mãi” rực lên mầu xanh yêu thương con người và cuộc sống khi tác giả luôn chăm chút “xanh hóa” tư duy và nuôi dưỡng “tâm hồn xanh”, “con mắt xanh”, “tri thức xanh” để lý giải nhân tình thế thái giữa thật - giả, chính - tà… có lúc khó phân minh; khi sự biến đổi dữ dằn của thời tiết, đang nắng hạn bỗng dưng mưa trắng trời triền miên, nhà nhà, xã xã chìm trong biển nước… Lòng người đổi thay trong cơ chế thị trường, mới năm nào “chót vót đỉnh cao quyền lực”, thì năm sau đã trong trại giam, với sự hối hận muộn mằn… Những bộn bề ngang trái ấy được tác giả đề cập với cách tiếp cận sự thật, nhưng không hề bi lụy, chán chường, mà từ những câu thơ mang nỗi đau quặn thắt ấy, tác giả vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, vừa khắc họa cái quy luật tất yếu, vừa truyền lửa yêu thương và đề cao sức mạnh của tình người, tình đời, tình đồng nghiệp được tiếp sức qua tháng năm trở thành động lực vượt lên gian khó, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Phải chăng, đó là “thông điệp” của tập thơ; và đó chính là giá trị thật sự của cuốn sách mang cái tên “Xanh mãi”, hàm chứa nhiều điều ta vốn từng gặp, từng nghĩ, từng mong, nhưng không dễ diễn đạt với sức cảm của nhiều con chữ, ý thơ ẩn hiện lung linh trong nhiều câu, nhiều bài ở tập thơ này?
Nhằm sáng lên chủ đề ấy, tác giả đã khai thác qua nhiều mối quan hệ căn cốt: cá nhân - gia đình (Cha vẫn còn đây!; Xanh mãi…); cá nhân - đồng nghiệp (Say ngắm “hoa tường vi”; Những trang thơ ngời ngợi ánh trăng…); cá nhân - đất nước (Đau đáu miền Trung); cái riêng - cái chung (Đỉnh cao và vực thẳm, Thiêng liêng hòa bình); tình yêu - trách nhiệm công dân (Giao ban xuân, Chuyện từ người láng giềng)... Đặc biệt, có một mảng bài trong tập này, khiến người đọc như được sống lại một thời tuổi trẻ xốn xang, rạo rực mộng mơ, hy vọng (Thu về, Thu đi, Chia nắng, Thiếu nắng?!); những phút giây chộn rộn, mỏi mong (Hình như và có thể, Khấp khởi xuân). Cho dù khai thác ở đề tài nào, với góc độ nào, tác giả đều mang cái nhìn hồn nhiên, tươi tắn, trẻ trung, sâu lắng… - tất cả toát lên cái tình, cái hồn của nhà thơ mãi xanh; và vì thế, người đọc được truyền dẫn niềm thương yêu con người, tin yêu cuộc sống, cho dù cuộc đời này còn nhiều bức xúc, gian nan…
“Xanh mãi” là tập thơ dễ nhận được sự đồng điệu tâm hồn, với nhiều cung bậc cảm xúc, giúp ta bồi đắp niềm tin vào sự chuyển vần đi lên của đất nước hôm nay.