Việc đầu tiên của lớp thanh niên này là đi bán báo, tiếp xúc với người đọc, lắng nghe ý kiến phản hồi của họ, đối chiếu những điều viết trên báo và thực tế đời sống. Họ biết được bài viết nào được khen chê, tác giả nào được tìm đọc… Sau đó họ được gửi đi học ở các trường đại học, cần gì học nấy, học rất thiết thực chứ không vì bằng cấp. Rồi họ được học việc, rèn luyện ở các công đoạn của quy trình làm báo từ giao thông, sửa mo-rat, viết tin, biên tập…; trải qua các ban nghiệp vụ, bắt đầu từ Ban Thư ký-Biên tập…; học việc, tiến lên từ công việc thực tế và chỉ dạy của các bậc tiền bối, nhất là từ một Tổng Biên tập tài ba như Hoàng Tùng. Tình yêu nghề nghiệp, thành công của mọi cây bút ở Báo Nhân Dân nói chung, Đỗ Quảng nói riêng là một thành quả tập thể, dưới sự che chở của cây đa và chính họ đã làm nên sự cao lớn, uy nghiêm của cây đa 71 Hàng Trống, một biểu tượng của Báo Nhân Dân.
Đỗ Quảng người làng Mọc, huyện Từ Liêm. Từ năm 1996, là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; một địa phương nổi tiếng về văn hóa.
Ở đây có ngôi đền lớn là Đền Cự Chính thờ Đức Thành hoàng là Lã Đại Liệu, tướng quân của Ngô Quyền có công đánh giặc Ngô. Đây là quê hương của nhà thơ Đặng Trần Côn (thế kỷ 18), tác giả của Chinh phụ ngâm và các nhà văn nghệ, nhà chính trị hiện đại nổi tiếng như họa sĩ Lê Phổ, nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, luật sư Trịnh Đình Thảo, nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam…
Ở cổng làng, tôi đã từng đọc được những câu đối răn dạy con cháu, khuyến nghị lẽ xuất xử, hành tàng của nhà nho Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế; Xử thế bất dư quy củ, lập thân hữu chuẩn kỷ cương (Ra cửa chỉnh tề như gặp khách quý, làm việc dân cẩn thận, nghiêm trang như tế lễ; Xử thế theo quy củ, thượng tôn pháp luật, lập thân, dựng nghiệp theo đúng kỷ cương, chuẩn mực) và Thượng mục hạ hòa y mỹ tục; Trọng tình hiếu nghĩa bảo thuần phong (Trên dưới hòa thuận giữ mỹ tục; Quý trọng tình nghĩa bảo vệ thuần phong). Những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách bộc trực, ngay thẳng mà tình nghĩa của Đỗ Quảng.
Những bước chân làm báo của Đỗ Quảng còn ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng dân Khu 4, từ Hàm Rồng đến Đồng Lộc những năm tuyến lửa. Mỗi lần tôi về lại nơi đó, còn được nghe những dân quân, chiến sĩ nhắc tên anh, được thơm lây là người làm báo Nhân Dân.
Trong Phòng Truyền thống Báo Nhân Dân hiện còn lưu giữ một bức ảnh quý: Nhà báo Đỗ Quảng đội mũ sắt cùng với các nhà văn Nguyễn Tuân, Thép Mới, Chế Lan Viên, Huy Cận giữa cảnh đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày B52 Mỹ giội bom Hà Nội tháng 12/1972. Hồi đó, Báo Nhân Dân thành lập một tổ phóng viên đặc biệt viết về B52 do nhà báo Phạm Thanh làm tổ trưởng. Đỗ Quảng là một phóng viên chủ lực, xông xáo hết trận địa này sang trận địa khác. Báo Nhân Dân còn có sáng kiến mời các nhà văn, nhà thơ hàng đầu làm cộng tác viên đặc biệt, như là phóng viên của báo, được xe của báo đưa đón để viết tại chỗ về trận chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Từ đây, Nguyễn Tuân có tập bút ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" có tiếng vang trong nước và quốc tế. Đêm 25 rạng ngày 26/12, Mỹ ném bom 100 điểm tại Hà Nội, riêng ở Khâm Thiên làm chết 278 người. Đó là một ngày đau thương nhưng cũng sáng chói chiến công, sáng ngời phẩm giá: 8 pháo đài bay B52 bị hạ, tinh thần Hà Nội lên cao hơn bao giờ hết.
Báo Nhân Dân có bài xã luận của Thép Mới: "Hà Nội – Thủ đô của phẩm giá con người".
Nhà báo Thép Mới là người nêu sáng kiến và chủ trì chuyên mục "Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ" của Báo Nhân Dân.
Trên trang 2 báo Nhân Dân, số ra ngày 29/12/1972 viết: "Sớm nay, khi tờ báo này đến tay bạn đọc, Hà Nội đã trải qua đêm thứ 10 của một cuộc chiến đấu oai hùng sẽ ghi trong lịch sử… Chúng ta đang sống trong những ngày mang một ý nghĩa lịch sử sâu xa. Cũng như nhiều sự kiện lịch sử, ý nghĩa đó, bản thân những người đang làm nên lịch sử nhiều khi chưa lường hết được. Có người nói: "Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không". Cụm từ "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" xuất hiện lần đầu một cách chính thức như vậy.
Nhà báo Đỗ Quảng vừa có mặt ở Uy Nỗ để viết: "Một trong những gia đình chịu nhiều đau thương nhất trong vệt bom B.52 đầu tiên đêm ấy là gia đình đồng chí bí thư chi bộ. Nhà anh trúng một trái bom cỡ lớn. Anh bị sức ép nặng, vợ và bốn con anh chết. Cô con gái lớn hai mươi tuổi và cậu con út đến Tết này mới tròn bảy tuổi". Thoắt cái lại đến trận địa tên lửa phía bắc sông Hồng: "Mọi người đang chăm chú nghe hát bài Hà Nội, thủ đô của chúng ta thì có lệnh vào cấp một, bài hát bỏ nửa chừng. Lính thoăn thoắt chạy tản về các bệ phóng"… Khi Tổng thống Mỹ R. Nixon tuyên bố sẽ đẩy Hà Nội và Việt Nam về thời kỳ đồ đá, thì trên trận địa phòng không khu Cao - Xà - Lá vẫn diễn ra đám cưới của các pháo thủ. Nhà báo Đỗ Quảng nhớ lại, ông và nhà văn Nguyễn Tuân đã "đội bom" đi khắp Hà Nội để mua một bó hoa hồng tươi tặng cho cô dâu Hiên và chú rể Hân. Tại một trận địa tên lửa khác, trong khoảnh khắc giữa những trận đánh, Đỗ Quảng còn đệm đàn cho ca sĩ Bích Liên hát bài "Tên lửa ta đánh rất hay" do Huy Thục vừa mới sáng tác. Bức ảnh này đã được phóng viên ảnh Văn Bang ghi lại đăng trên Báo Nhân Dân ngày hôm sau; cũng như ảnh nhà quay phim Phạm Việt Tùng quay được cảnh máy bay B52 cháy như bó đuốc rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Người Hà Nội là như vậy. Hà Nội ta đánh Mỹ là như vậy. Những hình ảnh đó đã làm cho cả nước tin yêu thêm Hà Nội, làm cho thế giới thấy rõ hơn Hà Nội, thủ đô phẩm giá con người…
***
Những chiến sĩ cầu Hàm Rồng; Nam Ngạn, một bức tranh tuyệt đẹp về chiến tranh nhân dân; 10 cô gái Ngã ba X; Hà Nội tọa độ lửa; Người Hà Nội đánh Mỹ; Chuyện chép dưới giàn tên lửa; Đường trên biển, Sống giữa những chiến sĩ đặc công… trên những nẻo đường chiến tranh, hay Âm mưu và tội ác của kẻ thù; Diện mạo mẹ mìn mới; Những ổ chứa trá hình; Thư ký tòa thượng thẩm ra trước vành móng ngựa; Những quái kiệt làm đồ cổ rởm; Lời cảnh báo từ một vụ cưỡng chế; Gặp các chủ hui Vườn Tre ở khám Chí Hòa; Có phải đây là nỗi oan của người chống tham nhũng… sau năm 1975 cho thấy Đỗ Quảng là một cây bút luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc sống; nơi ông phải đặt cược cả mạng sống của mình. Lửa và tình yêu ngùn ngụt trong từng con chữ, làm nên tính chiến đấu và chất văn dào dạt trong mỗi phóng sự của Đỗ Quảng, làm cho ông trở nên một thương hiệu, một đóng góp đáng tự hào cho báo Nhân Dân.
Sau khi về hưu ở Báo Nhân Dân, ông còn làm cho nhiều tờ báo khác như Sức khỏe và Đời sống, Thời báo Văn học nghệ thuật… Tên của ông trên các báo này vẫn là cái tên hàng đầu được bạn đọc tìm kiếm.
Tập thơ Vui buồn tháng tư |
Ở tuổi 80, cùng với viết báo, ông cho xuất bản hai tập thơ liên tiếp Thương lắm, Sài Gòn ơi (2022) và Vui buồn tháng tư (2023). Mặc dù khiêm tốn tự bạch Tôi chỉ là nhà báo/ Không phải nhà thơ/ Quỹ thời gian không còn nhiều/ Dòng thơ ghi lại chuyện đời nhớ quên, tôi thấy thơ ông vẫn rất ấn tượng, vẫn đầy tính chiến đấu, có ích cho đời. Ông đã đặt ra những câu hỏi xoáy lòng:
Gà thật sao thành cuốc
Đỏ thật sao vẫn xanh?
(Thật và giả)
Và nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía một triết lý nhân sinh:
Biết thế nào là khôn
Biết thế nào là dại
Uyển chuyển mà sống
Quan trọng nhất trên đời
Chẳng cái gì quan trọng
(Khôn và dại)
Tôi từng biết một Đỗ Quảng nhiều khi sắc đến lạnh; nhiều khi nóng đến rát; qua thơ lại thấy một Đỗ Quảng hiền và trong, thơm và thương như nước giếng làng Mọc xưa:
Nhận ra rồi, cái giếng ngày xưa ấy
Mười tám bậc lên xuống
Sáng sáng dân làng ra gánh nước
Nước trong veo, thơm ngát hoa sen nở
Thành giếng gạch rêu, hàng ruối già tơ hồng vàng quấn quýt
Mái tóc bạc phơ, liêu xiêu chân bước giờ vẫn nhớ…
(Cháo lòng đêm)
***
Anh Đỗ Quảng! Viết đôi điều về anh, không biết đâu vào đâu nhân ngày 11/3, kỷ niệm 73 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu. Tôi thấy may mắn được làm việc với anh ở Báo Nhân Dân, nhất là những ngày ở Ban Nhân Dân cuối tuần, học được ở anh nhiều, một nhà báo nhân dân, một tâm hồn Hà Nội!