Một niềm vui nữa xuyên suốt đời anh là có 30 năm làm việc tại Chương trình Tiếng thơ và Chương trình Văn học của Ðài Tiếng nói Việt Nam, nhiều dịp tiếp xúc bao văn nhân, nghệ sĩ người xứ Huế hoặc quê nơi khác nhưng đã gắn bó với văn chương thì mấy ai không ít nhiều vấn vương với Huế "bừng nắng hạ" hay Huế "mưa xối xả trắng trời".
Anh chơi với những người thuộc lớp đàn anh cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề như Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... và dĩ nhiên thân thiết với những bạn thơ văn cùng lứa tuổi, những bè bạn tuổi ấu thơ do thời thế mà mỗi người một phương xa nhau mấy chục năm trời cho đến ngày đất nước thống nhất mới gặp lại, mà vẫn có dịp thưởng thức thơ nhau nhờ chương trình Tiếng thơ. Với bao kỷ niệm ấm nồng về Huế, làm sao không nặng lòng!
Ðọc Trần Phương Trà tôi luôn cảm nhận, anh là nhà thơ, anh làm thơ đều đặn nhưng công việc hằng ngày của anh là làm báo. Bên cạnh thói quen ghi chép như mọi nhà báo tận tụy với nghề, anh có trí nhớ tuyệt vời. Do nhu cầu công việc, cùng cái vốn hồi ức và kho tư liệu ấy, Trần Phương Trà vẽ chân dung văn nghệ. Những câu chuyện đời thường mà bàng bạc chất thơ được Trần Phương Trà thủ thỉ kể với thái độ khiêm nhường, thận trọng, lời lẽ đậm tứ thơ nhưng ít khi bốc ai lên tận mây xanh dù đó là người anh khâm phục, ngưỡng mộ. Anh để cho các sự kiện nói giúp anh những gì anh cần bày tỏ. Nhiều bút ký có in kèm thơ của chính Trần Phương Trà làm về nhân vật ấy. Một số bài như vọt từ lòng anh, chân chất và xúc động, như bài anh làm sau buổi gặp nhà văn Nguyễn Tuân lần cuối. Nhà văn đang lâm bệnh, bác sĩ khuyên nên vào bệnh viện ngay, ông xin khất sang đầu tuần, để rồi tối thứ bảy ấy chống gậy đến nhà một người bạn Huế dự buổi gặp mặt giữa mấy người bạn Huế ở Hà Nội cùng mấy nghệ sĩ Huế vừa từ Huế ra thủ đô có việc, sắp trở vào. Tối hôm ấy, thấy nhà văn hứng khởi hát ca trù theo lời cổ, thần sắc hồng hào, một người khen trông ông đẹp hơn cả thanh niên, Nguyễn Tuân đáp: "Ðây phút sáng của ngọn đèn sắp tắt!".
Quả đúng như vậy. Ngày hôm sau mọi người sững sờ đau xót nghe tin nhà văn vừa đột ngột qua đời. Trần Phương Trà viết tiếp:
... Vẫn còn đây vầng trán, chòm râu
Thế mà than ôi bốn chục giờ sau
Anh đã chống gậy đi đâu...
Nhà thơ Trinh Ðường bình: "Có những bài thơ trang sức lộng lẫy mà không chứa đựng cái gì cả. Lại có bài thơ lời lẽ mộc mạc, giản dị mà đầy ắp nội dung, như bài này".
Ngoài tình cảm tác giả dành cho nhân vật, các ký chân dung của Trần Phương Trà cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu quý. Năm 1936, khi Thanh Tịnh đoạt giải nhất về thơ do một tờ báo Hà thành tổ chức, Trần Phương Trà chưa có mặt trên đời. Khi tập Hận chiến trường của Thanh Tịnh xuất bản ở Huế và gây được tiếng vang, Trần Phương Trà mới sinh ra. Vậy mà chỉ cần qua vài mẩu chuyện, dẫn đúng lúc vài câu nói tưng tửng của ông anh, Trần Phương Trà cho người đọc thấy tính cách một nhà thơ xứ Huế hơn 40 năm sống xa Huế, gắn bó với Hà Nội mà vẫn cảm thấy "Huế quê tôi ở giữa lòng".
Ðọc thơ Chế Lan Viên, nhiều người có chung cảm nhận: Các bài thơ ông làm nhiều câu nghe giản dị như bật ra từ đáy lòng. Trên thực tế, những câu thơ ấy đã trải qua quá trình lao động gian nan. Riêng bài Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi mà nhà thơ trực tiếp trình bày trong chương trình Tiếng thơ, ông đã tốn công sửa chữa, viết đi đổi lại, móc lên ngoặc xuống kín "cả thếp giấy 80 trang khổ lớn loại kẻ dòng giá 5 hào 2 một tập"!. Chế Lan Viên thân tình với các bạn thơ, nhất là bạn trẻ. Tháng 3 năm 1967, trước khi lên đường vào chiến trường miền nam, Trần Phương Trà cùng Bùi Minh Quốc đến thăm tác giả Ánh sáng và Phù sa. Chế Lan Viên dành một buổi trò chuyện về thơ với hai bạn. Tập thơ Hoa ngày thường, chim báo bão của ông lúc này đang in, Chế Lan Viên băn khoăn, hai bạn sắp lên đường mà chưa kịp có sách tặng. Ðến ngày Trần Phương Trà vác ba-lô lên vai chuẩn bị lên đường, bất ngờ nhận được tập thơ kèm nét bút tác giả: "Thân tặng Trần Nguyên Vấn. Sách chưa kịp có bìa. Vấn chịu khó tưởng tượng ra cái bìa vậy. Chúc Vấn lên đường an toàn, khỏe mạnh, viết nhiều...": Nhà thơ đã đến nhà in lấy mấy tập, mang lên Ủy ban Thống nhất Trung ương nhờ chuyển bằng được đến bạn vong niên kịp trước khi bạn lên đường.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm tâm sự, vẫn qua lời Trần Phương Trà: "Trong việc làm thơ, tôi được học nhiều ở bốn người thầy: Hồ Dếnh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Thanh Tịnh. Xuân Diệu chữa cho từng chữ cụ thể; Chế Lan Viên chỉ cho hướng chung; Thanh Tịnh chỉ cho đề tài; Hồ Dếnh nhắc nhở làm thế nào cho câu thơ mềm mại".
Nghe tin máy bay Mỹ ném bom xuống Trường Hương Phúc, tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Thâm làm bài thơ Cái chết của em Dần có hai câu:
Em Dần chết chưa ăn cơm trưa
Em chết với hai củ khoai trong túi áo...
Bài thơ được Tế Hanh dịch sang tiếng Pháp, nhà báo Madeleine Riffaud đọc xúc động thốt lên: "Ở Pháp nếu buổi tối cha mẹ quên chưa cho con ăn, để con đi ngủ là điều đau khổ của cha mẹ. Còn em Dần chết chứ không phải ngủ quên, chết mà chưa ăn cơm trưa, hai củ khoai còn trong túi áo là nỗi đau khổ của nhân loại".
Cứ thế, Trần Phương Trà vẽ nên những chân dung ấm áp tình người, ngồn ngộn thông tin. Ðọc xong tập sách gồm 34 bài kèm khoảng 20 bài thơ, tôi thấy hiện lên một Trần Nguyên Vấn như vẫn gặp anh ở ngoài đời: trang nghiêm, nho nhã, kiệm lời, đi lại khoan thai, nhưng nếu có việc cần, thoáng cái đã thấy anh thoăn thoắt bước tới giương chiếc máy ảnh (gần đây là cái ipad mini) chụp chân dung nhân vật trong những tình huống đáng ghi. Nhờ vậy, bên cạnh văn và thơ, tập Nặng lòng với Huế có in nhiều tấm ảnh quý về những nhà thơ, nghệ sĩ nay không ít người đã đi xa hay về mãi mãi với quê hương Cầu Trường Tiền sáu vai mười hai nhịp/Em qua không kịp cực lắm anh ơi...