Lối đi riêng vào tâm thức người đọc

Tác phẩm “Xứ Đoài mây trắng” của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng về người nông dân Việt Nam, về lòng yêu nước và những cống hiến, hy sinh quên mình của họ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2017 đã gây chú ý tới giới chuyên môn và bạn đọc bởi lối hành văn bình dị, đi vào lòng người đọc và nguồn tư liệu phong phú từ ký ức.

Lối đi riêng vào tâm thức người đọc

Tôi hứng thú ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng của Nguyễn Sơn Đỗng. Tác giả là một đảng viên 40 năm tuổi Đảng, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phú trước đây và khá yêu thích sáng tác văn chương.

Về cốt truyện, tiểu thuyết (tập một) có 34 chương, mỗi chương chia từ hai đến chín tiết. Cốt truyện có sự pha tạp giữa tư duy hồi cố, khởi đầu từ bối cảnh năm 1943 rồi ngược trở lại thế kỷ 16, cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, sau đó tiếp diễn đến thời kỳ gần cận Cách mạng Tháng Tám năm 1945… Trên nền tảng văn hóa vùng Kẻ Nủa - Chàng Sơn - xứ Đoài là câu chuyện của các dòng tộc, dòng họ với sự tiếp nối của vài ba thế hệ. Mạch truyện xòe như nan quạt, vừa xâu chuỗi vào cốt lõi thế hệ gia đình cụ cố- Quý, Quỳ - Hợp - Thắm, lớp cháu Quang - Xoan…, vừa lan tỏa với chuyện tình làng nghĩa xóm, hội làng, chuyện đi làm thợ xẻ mạn ngược, đi học vẽ, đi phu đồn điền… Tuy nhiên, kể từ khoảng chương 28 đến hết, cốt truyện trở về những vấn đề xã hội tương đối quy phạm, quen thuộc thời kỳ đêm trước Cách mạng Tháng Tám…

Một điểm mạnh của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng chính là khả năng tái hiện tính cách, tâm lý nhân vật và bối cảnh phong tục, tập quán, đời sống làng quê hồi đầu thế kỷ 20. Con người thôn quê cộng sinh trong nếp sống, nếp tâm lý và ứng xử với tất cả sự tốt đẹp và ngô nghê, cổ hủ và láu cá, trong sáng và tăm tối, chân thành đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động. Có thể thấy được nhiều trang viết sinh động về gia cảnh đời thường dân quê, cưới hỏi, ốm đau, vay giật; cảnh hội quê, chợ quê, tết quê, chiều quê; cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa, gặp gỡ bậc chức sắc, kỳ lão, phố thị… Lại có thể gặp những mối tình chân quê, bình dị, bản năng đầu làng cuối xóm hồi đầu thế kỷ 20, nhưng đã được phân tích, soi tỏ trong tâm thức hiện đại.

Xét trong văn mạch loại truyện phong tục làng quê, Xứ Đoài mây trắng góp thêm một cách nhìn về đời sống thôn quê giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Mặc dù các nhân vật chưa định hình thành tuyến, chưa liên kết thành số phận điển hình, nhưng thế mạnh của tiểu thuyết là bối cảnh, không khí, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật.

Xứ Đoài mây trắng là tiểu thuyết có lối đi riêng, đi vào tâm thức người đọc rất đỗi tự nhiên và đó chính là thành công của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng.