Mở đầu tập thơ là bài Tổ quốc thiêng liêng. Tôi thật sự ấn tượng bởi bài thơ này được chọn mở đầu cho tập thơ. Bài thơ dựng nên một nghi lễ đầy kiêu hãnh và xúc động. Những người con dân tộc Việt Nam đứng dưới cờ và hát Quốc ca. Tôi đã hát Quốc ca biết bao ngàn lần trong cuộc đời. Nhưng khi đọc bài thơ Tổ quốc thiêng liêng thì giai điệu bản hùng ca ấy của đất nước vang lên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh chọn bài thơ này là chọn một nghi lễ thiêng liêng trước Tổ quốc như là khởi đầu cho tất cả tập thơ. Tổ quốc luôn luôn là sự khởi đầu cho lẽ sống của mọi con người ở mọi dân tộc.
Sau bài thơ Tổ quốc thiêng liêng là bài thơ Tiếng sóng quê hương. Nếu đây không phải là ý đồ của nhà thơ, thì đó là lẽ tự nhiên. Một lẽ tự nhiên được hình thành từ những địa tầng văn hóa, lịch sử dân tộc, tình yêu tổ tiên luôn chảy trong máu thịt của mỗi con người. Nghĩa là, tình yêu Tổ quốc đã ngấm vào máu thịt của nhà thơ trong suốt cuộc đời mình. Một con người không biết tới Tổ quốc, không biết tới tổ tiên, nguồn cội, sẽ là một con người không bao giờ tìm thấy ý nghĩa sống đích thực và sẽ trở thành hoang thú trong một hình thức khác của đời sống.
Tập thơ Vang âm tiếng sóng |
Xin hãy lắng nghe những câu thơ dưới đây:
Dù ở chân trời góc biển
Vẫn canh cánh nhớ cội nguồn có nhúm rau chôn đất
Có tiếng sóng Châu Thành như khúc nhạc êm
Nhắn gửi chúng tôi nối chí tiền nhân
Những câu thơ trên vang lên như từng lớp sóng từ đời này đến đời khác nhắc nhở con người về mảnh đất mà nhúm rau của họ đã chôn ở đó. Đấy là lời nhắc nhở của tổ tiên, ông bà với con cháu của mình.
Sau hai bài thơ mà tôi nghĩ là những nghi lễ thiêng liêng để trước khi mỗi con người bước vào cuộc sống và quyết định hành động sống của mình cho gia đình, cho bạn bè và cho mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Nhưng Tổ quốc không phải là một danh từ chung chung. Tổ quốc là những gì cụ thể nhất, thân yêu nhất. Bởi thế mà những bài thơ tiếp theo trong tập thơ này là những con người cụ thể mà nhà thơ đã sống cùng, là những vùng đất cụ thể mà nhà thơ đã đi qua, là những câu chuyện mà nhà thơ đã chứng kiến.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đến với một người nông dân trồng cây ăn quả:
Hai mươi mùa mưa nắng
Quấn quýt người và cây
Sớm chiều chăm từng gốc
Nghe hơi thở từng cây
Chỉ yêu cuộc sống này đến da diết, ông mới cảm nhận được những cái cây thở như chính là những sinh linh. Những câu thơ giản dị nhưng làm cho người đọc thấy được hơi thở rực nóng của sự sống.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đến với những người lính làm nhiệm vụ gìn giữ biên cương của Tổ quốc:
Ngắm lá cờ đỏ thắm
Phần phật giữa bình minh
Vẳng lời cha nhắn gửi:
Giữ sắc hoa mãi bền!
Bài thơ liên quan đến kỷ niệm của một người lính già về loài hoa mộc miên trên đường ra mặt trận. Mầu đỏ của loài hoa ấy là biểu tượng cho máu của những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, là mầu của lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. Hình ảnh hoa mộc miên, cờ Tổ quốc hòa quyện vào nhau tạo nên những hình ảnh đẹp của thơ ca và tạo nên tình yêu đất nước giản dị nhưng kỳ vĩ đến nhường nào!
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đọc thơ của một nhà thơ trẻ. Đây là một bài thơ tôi đặc biệt chú ý. Bởi đây là thái độ của một thế hệ cha anh đối với thế hệ trẻ. Và tôi nhận thấy ông đã lắng nghe và chia sẻ với họ. Ông hòa vào cảm xúc của họ, tâm tình của họ, nỗi dày vò của họ để hiểu họ và đặt lòng tin vào họ - một thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước:
Mong là con người đích thực
Hãy BUÔNG tham vọng
‘"Để đón nhận
Cái ta có thể trở thành’’
(câu trong ngoặc kép là thơ của nhà thơ trẻ Phương Đặng)
Trong tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, lớn lao, có tình yêu những con người cụ thể và tình yêu lứa đôi. Đấy chính là điều tôi đang nói tới tập thơ Vang âm tiếng sóng của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Nếu không yêu Tổ quốc, người ta không có khả năng yêu mỗi cái cây, mỗi mùa hoa, mỗi con sông, ngọn núi và mỗi con người. Và ngược lại, nếu không biết yêu mỗi cái cây, mỗi mùa hoa, mỗi con sông, ngọn núi và mỗi con người cụ thể thì không thể nào yêu được Tổ quốc lớn lao. Có lẽ bởi điều ấy mà mở đầu tập thơ là Tổ quốc, là tổ tiên. Và đấy chính là một chân lý vĩnh hằng của đời sống được nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh tuyên ngôn bằng những câu thơ của mình.
Chữ NGỜ trong cuộc đời
Nào ai lường được hết?
Nhưng mưa nắng, bão giông
Hương tình ta đâu tắt!
Những câu thơ tình yêu vang lên bất diệt. Đấy là một tình yêu mãnh liệt và đầy quả cảm. Mọi điều có thể xảy ra trong cõi đời này và làm nhiều thứ đổi thay. Chỉ có tình yêu là mãi mãi trường tồn. Những câu thơ về tình yêu đôi lứa nhưng mang cho tôi niềm tin kỳ lạ. Những câu thơ hé lộ ra ý nghĩa thẳm sâu của cuộc đời mỗi con người. Và ở đấy, tôi thấy sức mạnh phi thường và vẻ đẹp huy hoàng của đời sống con người khi tình yêu hiện ra.
Đọc tập thơ Vang âm tiếng sóng, tôi thấy nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một thí dụ đầy thuyết phục về chân lý thơ ca sinh ra từ chính đời sống bình dị. Ông đã đi, đã sống, đã suy ngẫm về cuộc đời này. Và những chân lý đã sinh ra từ những câu thơ của ông:
Người nhớ việc đã làm
Cho đời và cho bạn
Chức quyền theo giới hạn
Sẽ nằm sâu cõi âm
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã đi qua cuộc đời này và ông thấu hiểu cuộc đời. Cái để lại của mỗi phận người sau khi rời bỏ thế gian chính là những gì họ đã sống cho người khác. Không phải danh tiếng, không phải quyền lực, không phải của cải. Những câu thơ vang lên thì thầm bên những người đang sống như một lời nhắc nhở về đạo sống. Nhưng chính xác hơn là như một bài ca cuộc sống còn lại mãi với con người.
Tháng 11/2022