NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM MỚI

Năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh hoàn thành Đề cương Văn hóa Việt Nam. Các văn nghệ sĩ Việt Nam mau chóng tiếp nhận và xây dựng Hội Văn hóa Cứu quốc. Đồng thời, văn nghệ sĩ tiếp tục hành trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới sau Cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Tuần lễ Triển lãm Văn hóa (10/1945). Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Tuần lễ Triển lãm Văn hóa (10/1945). Ảnh: TL

ÐI TÌM "TÂN VĂN NGHỆ"

"Phong trào Thơ mới đã nguội lạnh và chìm bẵng. Tiểu thuyết lãng mạn hết được hoan nghênh mà tiểu thuyết tả chân cũng nghẽn đường. Kịch rơi tõm vào giữa sự thờ ơ nặng nhọc của công chúng và đang bị nghẹt. Các thể du ký tùy bút cũng chung một số phận bế tắc ấy".

Tác giả bài viết trên trong tập Văn mới nghị luận số 1, xuất bản ngày 10/10/1944, khi Sửa soạn công cuộc xây dựng một nền tân văn nghệ đã tổng kết: "Mấy sự trạng tiêu biểu đó chứng tỏ rằng tất cả cái phân số người lấy nghệ thuật làm lẽ sống kia đều đang miệt mài tìm một lối đi. Họ ngước về quá khứ hay lao đầu vào hiện tại cũng chỉ là để dò hỏi luật tiến hóa của lịch sử trong lĩnh vực nghệ thuật của họ". Văn mới nghị luận - tạp chí Tân văn hóa mỗi tháng ra một kỳ. Chủ bút là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về lịch sử và văn hóa lúc đó: Gốc tích loài người; Đời sống thái cổ; Ai Cập cổ sử; Cận Đông cổ sử; Tây phương cổ sử... Văn mới nghị luận do nhà xuất bản Hàn Thuyên (trụ sở 71 phố Tiên Tsin, nay là phố Hàng Gà, Hà Nội) phát hành. Nhà xuất bản Hàn Thuyên dưới sự đứng đầu của nhà văn Trương Tửu cùng các văn hữu: bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, nhà văn Đặng Thai Mai, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, nhà thơ Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp, nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu... Họ được định danh là nhóm Hàn Thuyên để phân biệt với nhóm Thanh Nghị và nhóm Tri Tân cùng xuất hiện đương thời. Trước đó, nhóm Hàn Thuyên đã ra tờ Văn mới. Từ ngày 10/10/1944 họ cho ra thêm tờ Văn mới nghị luận mục đích kiến thiết xây dựng một nền văn hóa mới-tân văn hóa.

Ngay trong số ra mắt, nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đã bàn về "Vấn đề văn hóa". Đối với văn hóa Việt Nam, ông cho rằng: "Ở xứ ta, sở dĩ văn hóa thành một vấn đề là bởi cái văn hóa đang có không còn thích hợp với xu hướng tiến triển của xã hội nữa. Nó đang bị một ý thức hệ mới - phản ảnh của những lực lượng xã hội mới - tấn công nó ở các mặt, các khía". Và Nguyễn Đức Quỳnh nêu ra sáu vấn đề trọng yếu trong cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời điểm cuối năm 1944 đó là: Vấn đề nhân sinh quan; Vấn đề vũ trụ quan; Vấn đề phương pháp nhận thức; Vấn đề xã hội tiến hóa; Vấn đề biểu hiện tư tưởng và tình cảm; Vấn đề thái độ văn hóa.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu lập Bảng tài liệu Tân văn hóa. Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê bàn về Mặt nạ trí thức...

SỬA SOẠN CHO ÐẤT NƯỚC MỘT VĂN HÓA MỚI

Sức ảnh hưởng của nhóm Hàn Thuyên, đứng đầu là nhà văn Trương Tửu, đối với trí thức thời điểm đấy là khá lớn. Vì thế, ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, văn nghệ sĩ miền bắc đã thành lập Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ do nhà văn Trương Tửu đứng đầu. Chưa đầy một tuần sau Ngày tuyên bố Độc lập, 5 giờ chiều ngày 7/9/1945, ban quản trị lâm thời đoàn văn hóa Bắc Bộ đang họp tại nhà văn hóa (hội Khai trí Tiến đức cũ) thì có tin điện thoại của Bộ Ngoại giao cho biết rằng Cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời muốn hội đàm với đại biểu đoàn văn hóa khoảng 19 giờ. Ba nhà văn Trương Tửu, Thượng Sỹ, Nguyễn Đức Quỳnh được ông Nguyễn Hữu Đang hướng dẫn, lên Bắc Bộ phủ để yết kiến Hồ Chủ tịch.

Tạp chí Tri Tân số 205, tháng 9/1945 tường thuật sự kiện này chi tiết:

"Sau mấy lời giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Đang, anh Trương Tửu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ Việt Nam, chào mừng Cụ Hồ, tán thành cuộc cách mạng dân chủ vừa đắc thắng và đặt lòng tín nhiệm vào tài năng sáng suốt của Cụ trong công việc lãnh đạo dân tộc đường giải phóng.

Lời nói thủng thẳng và rành rọt, Cụ Hồ cảm ơn anh em trong giới văn hóa:

- Theo ý riêng của tôi, lời Cụ Hồ nói, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới, nhiệm vụ của các ngài trong giới văn hóa cũng rất là nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài có thể ngồi trong tháp ngà mà sáng tác được không? Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn cho đất nước một văn hóa mới và phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới.

- Thưa Cụ, lời anh Trương Tửu đáp lại, toàn thể anh em trong giới văn hóa chúng tôi, bao lâu nay, vẫn sống trong sự áp bức ngột ngạt của chính sách thực dân. Tuy vậy dù cường quyền áp bức đến bực nào, anh em chúng tôi cũng vẫn cố gắng vươn đến một ánh sáng, vươn đến độc lập và tự do. Ngày nay sự giải phóng của dân tộc đã thực hiện một phần rất lớn. Các ánh sáng tự do cần thiết cho sự phát triển của văn hóa mà chúng tôi hằng khao khát đã nhờ sự giải phóng ấy mà bắt đầu tưng bừng, cho nên đối với chúng tôi, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà trong lúc này cũng tức là tranh đấu cho sự giải phóng của nền văn hóa Việt Nam.

Cụ Hồ Chủ tịch gật đầu tỏ ý bằng lòng:

- "Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại".

Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh trình bày ký kiến của mình. Hồ Chủ tịch bày tỏ rằng, lúc này không đem tài năng ra phụng sự quốc dân thì không những quốc dân có quyền chê trách mà ngay đến chính anh có tài đó cũng phải chê trách. Rồi Cụ chia sẻ: "Bổn phận chúng ta ngày nay - bổn phận của các ngài là làm sao cho sự đoàn kết rộng ra, càng ngày càng sâu xuống, phải củng cố sự đoàn kết ấy cho nó bắt rễ xuống, cho nó bền chặt mãi".

Sợ mất thêm nhiều thì giờ của Hồ Chủ tịch, nhà văn Trương Tửu liền tường trình đại cương công việc của đoàn văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành: Tổ chức cuộc trưng bày văn hóa; Dự thảo một chương trình của tuần lễ văn hóa; Vận động đại hội nghị toàn quốc văn hóa.

Cuộc làm việc kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mở cửa phòng bước vào. Các đại biểu đoán Hồ Chủ tịch sắp có khách nên đứng dậy.

Nhà văn Trương Tửu thay mặt anh em trong đoàn văn hóa cảm ơn Cụ một lần nữa.

"Cụ cũng đứng dậy, nhờ chúng tôi chuyển lời chào của Cụ đến tất cả anh em trong đoàn văn hóa, và ngỏ ý mong anh em đoàn kết chặt chẽ với quốc dân để cùng tranh đấu cho sự giải phóng dân tộc", tạp chí Tri Tân thuật lại.

LÀM SAO KIẾN THIẾT MỘT NỀN VĂN HÓA?

Dò đường "Đi tìm một tân văn nghệ" cho đến năm 1946, trên tạp chí Tiên phong số 21, nhà văn Nguyễn Đình Lạp vẫn nêu "Những nỗi băn khoăn của tư tưởng và nghệ thuật". Những bế tắc về tư tưởng, đời sống đắt đỏ, xu hướng chính trị đối lập khiến văn nghệ sĩ sống lẻ tẻ, đố kỵ với nhau... Nêu ra tất cả các mặt để rồi ông kết luận: "Tôi sẽ đứng trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật mà làm việc và nhất định không vượt ra khỏi biên thùy của nó để tránh hết mọi tư tưởng chính trị bất đồng".

"Tóm lại, các nghệ sĩ đều phải tận lực tham dự vào một cuộc thảo luận có tổ chức về lý thuyết để rèn đúc lấy những nguyên tắc căn bản cho một nền Tân văn nghệ" (Sửa soạn công cuộc xây dựng một nền tân văn nghệ - Văn mới nghị luận số 1, xuất bản ngày 10/10/1944, tr. 92)

Một chiến sĩ cách mạng - "giáo sư đỏ" Bùi Công Trừng đặt câu hỏi: "Làm sao kiến thiết một nền văn hóa?". Ông nêu: "Văn hóa luôn luôn tiến hóa và biến cải nhưng nó cũng là một cái liên tục (continuté). Cái hiện tại của văn hóa vẫn có ít nhiều yếu tố của quá khứ và đang sửa soạn chảy về tương lai". Bùi Công Trừng cảnh báo hiện tượng "chạy tìm văn hóa thuần túy". Ông hô hào: "Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mở cho nhà văn hóa một con đường mới, một địa hạt đầy hy vọng phát triển. Các nhà trí thức yêu chuộng văn hóa hãy bạo dạn nhấn mạnh bước vào để cùng nhau xây đắp một nền văn hóa Việt Nam mới".

Hưởng ứng lời kêu gọi của "giáo sư đỏ" Bùi Công Trừng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục lên tiếng: "Nay cuộc Cách mệnh Tháng Tám năm ngoái đã phá đổ một đôi phần những trở ngại trong xã hội Việt Nam để cho con người Việt Nam mới nẩy nở tốt đẹp hơn, để cho tất cả những khả năng đặc biệt Việt Nam được tự do phát triển, thì các nhà trí thức Việt Nam tưởng đã đến lúc cố góp sức kiến thiết và vun trồng cho cái vườn văn hóa Việt Nam được dồi dào phong phú...".
--------------------------------
Tư liệu trích dẫn:
1, Văn mới nghị luận, số 1, ngày 10/10/1944
2, Tạp chí Tri Tân, số 205 (9/1945)
3, Văn hóa và cách mệnh (1946)
4, Tạp chí Tiên phong, số 21 (1946)