Nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà:

Nhiếp ảnh đường phố không chỉ là chụp ảnh ngoài phố

Với con số xấp xỉ 2.100 lượt chia sẻ trên truyền thông xã hội, bộ ảnh "Thể dục ngoài trời" ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội của nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà đang được coi là một hiện tượng, thu hút sự chú ý của công chúng. Bộ ảnh là kết quả chắt lọc từ nhiều năm tháng tác giả gắn bó với nhiếp ảnh đường phố, lĩnh vực nhiếp ảnh tuy đã có gần 200 năm lịch sử song vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Chu Việt Hà, Bồ câu (phố Hàng Trống), Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 2020. Ảnh: NVCC
Chu Việt Hà, Bồ câu (phố Hàng Trống), Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 2020. Ảnh: NVCC

Mới được đón nhận, chưa được công nhận

- Tôi muốn bắt đầu câu chuyện với "Thể dục ngoài trời", bộ ảnh đã đem tới cho anh sự chú ý trên truyền thông và… gì nữa?

- Sau khi hoàn thành buổi ghi hình gần đây tại Truyền hình Thông tấn, tôi có nói vui với bạn biên tập viên: nếu không có sự lan truyền của bộ ảnh, tôi chưa chắc có cơ hội được ghi hình trong trường quay này. Bộ ảnh mang lại cho tôi niềm vui cá nhân, tất nhiên rồi, nhưng vui hơn nữa là sự đón nhận rộng rãi của công chúng và xã hội sẽ phần nào tạo động lực cho những người theo đuổi nhiếp ảnh đường phố như tôi thêm tự tin, cởi bỏ e ngại và cùng xây dựng một cộng đồng lớn mạnh.

- Nghe anh nói, có cảm giác như đã và đang tồn tại một sự "phân biệt" nào đó dành cho nhiếp ảnh đường phố với các thể loại nhiếp ảnh khác ở Việt Nam?

- Không hẳn là sự phân biệt mà là sự chưa được công nhận.

Nhiếp ảnh đường phố ở ranh giới giữa nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh tài liệu. Việt Nam mình chưa có một khái niệm rành mạch về thể loại nhiếp ảnh này. Một thực tế khác là một người theo đuổi nhiếp ảnh đường phố chắc chắn rất khó sống được bằng tiền bán ảnh, thù lao từ ảnh. Lượng người chuyên chú theo đuổi nhiếp ảnh đường phố vốn đã ít nhưng trong đó, có người lại chuyển hẳn sang công việc khác chỉ sau thời gian ngắn gắn bó. Nhận thức chung của xã hội về lĩnh vực nhiếp ảnh này còn có khoảng cách nhất định với chính người đang thực hành. Gần đây thôi, người thân của tôi còn tưởng tôi bị mất việc, cứ lang thang "nhặt lá, đá ống bơ" trên phố Hà Nội, không nghề ngỗng gì...

- Cá nhân anh đã có 10 năm đi cùng nhiếp ảnh đường phố. Tôi tin là anh có một định nghĩa riêng về thể loại ảnh này sau nhiều trải nghiệm?

- Còn nhớ 10 năm trước, tôi bắt đầu tìm đọc về nhiếp ảnh đường phố nhưng trong các tài liệu tiếng Việt, hầu như không có gì liên quan đến cụm từ này. Tôi đành nhờ công cụ tìm kiếm phổ biến nhất là Google, và Google dịch để tra cứu. Từ đó, tôi có cơ hội biết, hiểu về các diễn đàn nhiếp ảnh đường phố trên thế giới và bắt đầu thử tham gia…

Tôi cho rằng, nhiếp ảnh đường phố (thuật ngữ quốc tế: Street photography-PV) không chỉ là chụp ảnh trên phố mà thể loại này thể hiện tư duy, ý thức của người chụp về sự vật, sự việc chung quanh họ ở nơi công cộng, đặc biệt là sự kết nối giữa con người với con người. Bức ảnh thể hiện khoảnh khắc tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một sắp đặt, dàn cảnh trước nào nhưng đồng thời cũng phải thể hiện được thế giới quan và nhân sinh quan của người chụp-thứ mà tôi luôn coi trọng.

- Vậy theo anh, từ "đường phố"/street trong nhiếp ảnh đường phố/Street photography còn mang hàm nghĩa gì?

- Là tính chất đô thị phóng khoáng mà cá tính, thể hiện tinh thần, phong cách của thể loại ảnh. Nhiếp ảnh đường phố không có nghĩa chỉ là chụp ảnh ngoài phố mà thể loại ảnh này thể hiện rõ tư chất của người chụp ảnh ở nơi công cộng, nắm bắt được những khoảnh khắc thường nhật có thể rất quen thuộc song cũng rất lạ lẫm với mọi người.

Tôi đã tự thay đổi

- Tôi tò mò muốn biết, 10 năm trước, anh chụp những gì ngoài phố?

- Chắc chị sẽ không tin là tôi chụp ảnh phong cảnh có người, cũng là vạt nắng qua tán cây, có bóng người đi qua, áo dài, nón lá, giành hoa… kèm theo chú thích thi vị, rồi đưa lên các nhóm, trang ảnh trực tuyến của cộng đồng nhiếp ảnh. Cho đến nay, dạng ảnh phong cảnh đường phố này vẫn phổ biến hơn cả trên báo chí và truyền thông xã hội, vẫn tạo độ lan truyền mạnh mẽ bởi vẻ đẹp có tính chất phổ thông, ưa nhìn.

- Còn anh thì đã rẽ lối. Cái gì đã tác động anh mạnh mẽ đến vậy?

- Bình luận dưới một bức ảnh đã làm tôi đau khá lâu: "Hà Nội có bao nhiêu thứ đẹp. Tại sao cứ đi theo lối mòn của các cụ?"… Câu này ám ảnh tôi, thức tỉnh tôi, buộc tôi phải đi tìm kiếm thông tin về nhiếp ảnh đường phố. Thêm nữa, bản thân tôi của 10 năm trước đó cũng nhiều khi thấy chưa "đã" với những gì mình đang làm, dù có được khen nhiều hơn bị phán xét nên cộng với nỗi đau kia, tôi đã tự thay đổi.

- Anh đã từng nhấn mạnh sự kết nối giữa con người với con người trong định nghĩa về nhiếp ảnh đường phố. Điều này được thể hiện cụ thể trong ảnh của anh như thế nào?

- Tôi có thể kể một câu chuyện: Ở thế hệ tôi, có lẽ tôi là người chụp ảnh chợ Đồng Xuân (Hà Nội) nhiều nhất. Tôi quen hầu hết người bán hàng ở đó. Những chiều chiều nườm nượp xe hàng, guồng quay công việc vội vã, nhanh chóng, cả sự lam lũ của người lao động ở đó cuốn tôi theo và thúc tôi cũng phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh trí hơn, bước ra khỏi vùng an toàn của một kẻ vốn chụp ảnh theo lối chậm rãi. Những rung động với đời sống cứ thế đến.

Năm 2016, một số ảnh chợ Đồng Xuân của tôi đã được chọn trưng bày tại Streetfoto San Francisco-Festival quốc tế về nhiếp ảnh đường phố uy tín thế giới. Từ đó, cộng đồng nhiếp ảnh đường phố quốc tế biết đến tôi nhiều hơn và không chỉ vậy, năm 2018, một phần bộ ảnh chợ Đồng Xuân, Hà Nội của tôi được mời trưng bày nhân một kỷ niệm quan trọng của Trung tâm/Chợ Đồng Xuân của người Việt Nam mình ở Berlin, Cộng hòa liên bang Đức…

Tương tự, trước khi quanh khu vực Bờ Hồ được lát đá mới, ở gần khu vực nhà hàng Thủy Tọa (hay được gọi là Thủy Tạ-PV) có một nhóm các chú, các anh hay mang đồ tập thể thao tự chế ra cùng tập mỗi sáng sớm, như một phòng tập thể hình mở và tự cấp, tự túc. Tôi đã chụp họ rất nhiều, thân với tất cả mọi người. Có sự kết nối, nên việc chụp ảnh thoải mái, cởi mở hơn, nhiều rung động.

Tôi không dùng ống kính tele, chỉ dùng ống kính fix, tiêu cự 14 và 21 mm vì tôi muốn đến thật gần nhân vật, nhớ như in đôi mắt nhân vật nhìn tôi. Tôi muốn bức ảnh như có gì đó thật gay gắt, như đang ập vào người xem, giống như là cuộc sống đang va đập vào tôi.

- Nhưng tốc độ hiện đại hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ đã và đang tác động tiêu cực đến yếu tố "người" trong cuộc sống đô thị; thực tế này có tác động gì đến anh?

- Ở chợ Đồng Xuân bây giờ, không còn nhiều người bán hàng quen thân của tôi nữa, họ chuyển công việc khác. Sự phát triển của công nghệ, các sàn giao dịch điện tử tác động nhiều tới vai trò đầu mối của khu chợ lịch sử này. Những cảnh chờ hàng, bê vác, bước chân vồn vã không còn như trước, rung động trong tôi cũng vơi đi, ít dần cái cảm giác thích thú tận hưởng không khí chợ. Tôi vẫn qua lại chợ nhưng chụp ít hơn. Tôi tập tích lũy cảm xúc và sự rung động của mình, nuôi dưỡng tình cảm để nối dài công việc của mình theo hướng làm tư liệu ảnh cho một nơi chốn đặc biệt của Hà Nội, qua năm tháng dài, 10 năm, 20 năm...

Tương tự như vậy, với một số địa điểm khác của thành phố, tôi có thể phải tạm không qua lại đó trong một thời gian để xem xét sẽ tiếp tục làm gì, làm như thế nào với dữ liệu ảnh của mình. Nhưng chắc chắn tôi vẫn quay lại để có những bộ ảnh tư liệu sâu sắc.

- Chân thành cảm ơn anh!

Nhiếp ảnh đường phố không chỉ là chụp ảnh ngoài phố ảnh 1
Chu Việt Hà là kiến trúc sư của một tập đoàn xây dựng. Anh tự học về nhiếp ảnh. Từ năm 2015, anh là biên tập viên ảnh của tạp chí nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới APF (Art Photo Feature), có trụ sở tại Ấn Độ. Trong nhiều chương trình thảo luận chuyên ngành về nhiếp ảnh đường phố cho cộng đồng nhiếp ảnh tại Việt Nam của các nhiếp ảnh gia đường phố có ảnh hưởng toàn cầu, như Eric Kim, Vineet Vohra, anh là đại diện phía Việt Nam được mời tham gia cùng dẫn dắt.