Nhanh hơn bất kỳ ai

Jim Simons là một trong số những tỷ phú thông minh nhất thế giới. Sự nổi tiếng của ông, người được mệnh danh là "cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất trong lĩnh vực tài chính", không chỉ bởi khối tài sản ước tính 22 tỷ USD năm 2023, mà còn đến từ phong cách làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Jim Simons
Ông Jim Simons

Những thiên tài "điều hành" Phố Wall

Tính đến thời điểm hiện tại, Renaissance Technologies (tiền thân là Medallion Fund) vẫn được xem là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân thành công hàng đầu thế giới, với quỹ tài sản quản lý ước đạt hơn 143 tỷ USD (theo số liệu được công bố vào tháng 2/2021).

Đáng chú ý, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008, trong khi nhiều quỹ đầu tư lỗ hơn 50% hoặc phải đóng cửa, Renaissance Technologies vẫn đạt mức lợi nhuận khủng, lần lượt là 85,9% và 98,2%. Theo The Wall Street Journal, tính đến năm 2019, tỷ suất sinh lời trung bình hằng năm 66% (trước khi tính phí) là con số chưa ai trong giới đầu tư (như Warren Buffett hay George Soros) có thể chạm tới.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ, Renaissance Technologies không tuyển nhân viên từng làm việc ở Phố Wall mà chỉ lựa chọn những nhà khoa học, toán học. Phần lớn nhân sự tập trung tại khuôn viên East Setauket ở Long Island (New York) đều được "chiêu mộ" thẳng từ phòng nghiên cứu của các hãng công nghệ như IBM hay Bell, với kinh nghiệm về thị trường tài chính bằng không.

Lý do được đưa ra là: Nền tảng công nghệ phân tích kỹ thuật do các nhà khoa học tạo nên có khả năng thu thập và sàng lọc dữ liệu tốt hơn gấp nhiều lần so đối thủ. Những thuật toán do họ lập trình hoạt động trên những cỗ máy tính hiện đại đóng vai trò chủ chốt trong quá trình đưa ra các quyết định đầu tư. Và thực tế, bằng cách sử dụng các mô hình, thuật toán để hỗ trợ cho việc phân tích dữ liệu và dự đoán lợi nhuận tương lai, tổng tài sản được quản lý bởi Renaissance Technologies đã tăng khủng khiếp trong gần 20 năm qua.

Không những nổi tiếng với tiêu chí tuyển dụng lạ lùng, Renaissance Technologies còn sở hữu khả năng giữ chân nhân viên một cách ấn tượng. Các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để tập trung hết sức cho công việc nghiên cứu và hoàn thiện các thuật toán. Họ chỉ cần đồng ý với nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ, thông qua thỏa thuận không cạnh tranh và không tiết lộ.

Màn "lột xác" ngoạn mục

Sở hữu quỹ đầu tư hoành tráng là vậy, nhưng khi còn là một thiếu niên ấp ủ biết bao ước mơ, Simons từng bị chế giễu: "Thằng nhóc không nhớ phải rải phân ở đâu trong vườn mà lại muốn trở thành nhà toán học tại MIT. Đây quả thật là một điều nực cười".

Thế rồi, ở tuổi 23, Simons khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi nhận bằng cử nhân toán học MIT (chỉ trong ba năm thay vì bốn năm) cùng bằng Tiến sĩ Toán học của Đại học California. Trong thời gian học tập và nghiên cứu ở Berkeley (California, Mỹ), ông gặp tiến sĩ Chern. Cả hai đã tạo nên một bước đột phá lớn trong lý thuyết trường lượng tử ba chiều, bằng việc xây dựng cụ thể một dạng vi phân đặc biệt - lý thuyết Chern-Simons.

Năm 1964, công việc mới của ông tại Viện Phân tích Quốc phòng đã mang đến những gợi mở bất ngờ. Simons nhận nhiệm vụ giúp giải mã và truy lùng các mối đe dọa quân sự tiềm năng cho Cục An ninh Quốc gia Mỹ. Không dừng lại ở đó, ông nhận ra bản thân có mối quan tâm đặc biệt trong việc nghiên cứu các thuật toán nhằm giải quyết vấn đề. "Tại đây, tôi đã học cách xây dựng các mô hình toán học để giải thích dữ liệu. Tôi nghĩ nếu mình không ở đó, công việc kinh doanh mà chúng tôi gây dựng sau này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực" - Simons nhớ lại.

Nhanh hơn bất kỳ ai ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Jim Simons (thứ hai và thứ ba, từ

trái sang) tham dự buổi lễ tại Đại học Stony Brook.

Cỗ máy không dừng lại

Năm 1976, Simons thắng Oswald Veblen Prize - giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực hình học của Hiệp hội Toán học Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ trong những tháng ngày xây dựng thuật toán đã thôi thúc ông rời bỏ con đường học thuật. Chỉ hai năm sau, Simons bắt đầu công việc đầu tư, với những ứng dụng từ chính nghiên cứu toán học trước đây của mình.

Trước khi Jim Simons trở thành cái tên được biết đến rộng rãi, giao dịch hộp đen (Black Box Trading) - chiến lược đầu tư được quyết định bởi các thuật toán máy tính không phải lựa chọn ưu tiên đối với các quỹ đầu tư, so các cách phân tích cổ phiếu truyền thống. Thế nhưng, chỉ sau đó không lâu, tần suất sử dụng Black Box nhanh chóng chiếm tới hơn 50% tổng số các giao dịch cổ phiếu tại New York.

Việc Simons tin dùng thuật toán xuất phát từ bài học ông rút ra trên thị trường tài chính. Khi con người bị cảm xúc lấn át, họ thường sẽ cư xử phi lý trí và mắc sai lầm. Thế giới tài chính được tạo ra bởi hành vi con người. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, người thành công là người biết phản ứng chuẩn xác trong mọi tình huống.

Theo ước đoán của các nhà khoa học, thuật toán Renaissance Technologies sử dụng có tốc độ cao với độ phức tạp theo hàm số mũ. Lý thuyết Chern-Simons cũng có khả năng áp dụng vào Black Box giúp Jim Simons tính toán và xác định xu hướng của thị trường nhanh hơn các đối thủ, qua đó kịp thời đưa ra quyết định đầu tư. Trong giới tài chính, sự khác biệt dù chỉ một phần trăm giây khi đặt lệnh cũng dẫn tới sự chênh lệch khổng lồ về lợi nhuận.

Bản thân Simons cũng từng khẳng định: Bí mật hoạt động trong quỹ của tôi thậm chí còn lớn hơn bất cứ nơi nào tôi đã từng làm việc. Hằng ngày, trụ sở của Renaissance Technologies chỉ mở cửa cho khoảng 300 nhân viên và các đối tác quan trọng. Quỹ cũng xây dựng khu dân cư riêng cho các nhân viên và gia đình của họ mang tên Renaissance Riviera. Và dù có nhiều chuyên gia cố gắng học theo hướng đi này, bí quyết đầu tư và thuật toán của Simons vẫn sẽ là một bí ẩn trong thời gian dài.

Khi nhiều nhà đầu tư thắc mắc liệu Renaissance Technologies có thể duy trì lợi nhuận cao trong tương lai hay không, Simons luôn tự tin vào khả năng đặc biệt của mình và đội ngũ cộng sự: "Chúng tôi có thể chạy nhanh hơn bất kỳ ai!".